Nhóm giải pháp về đổi mới thiết bị và công nghệ

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong kinh tế nông thôn ở tỉnh Thái Bình Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 98 - 101)

Hiện nay, những trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất làng nghề nói chung vẫn còn mang tính thủ công, đơn giản, dùng sức cơ bắp là chính và một ít được cơ giới hoá từng phần, từng khâu trong quá trình sản xuất.

Đổi mới công nghệ, hiện đại hoá kỹ thuật, công nghệ sản xuất là một trong các giải pháp quan trọng có ảnh hưởng tới sự phát triển của làng nghề. Có như vậy làng nghề mới có điều kiện tăng nhanh năng suất lao động, sản phẩm vừa mang tính hiện đại và tinh xảo, tăng thêm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đây chính là mặt tác động trở lại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến sản xuất ở làng nghề.

Trong thời đại công nghiệp thông tin hiện nay, quá trình công nghệ thay đổi rất nhanh chóng đến mức chỉ còn ba năm (thậm chí ngắn hơn) là một công nghệ có thể mất đi, bị một công nghệ khác thay thế và trong vòng một thời gian ngắn, một ngành sản xuất đang từ được xếp vào “mặt trời mọc” thì chuyển sang thành “mặt trời lặn” nên vấn đề đổi mới công nghệ thiết bị trong làng nghề lại càng là vấn đề bức thiết. Nhưng sản xuất trong làng nghề mà đặc biệt là trong những làng nghề truyền thống, không thể đưa toàn bộ thiết bị hiện đại vào vì như vậy thì sản phẩm mà được sản xuất ra không còn mang tính văn hoá truyền thống hay nói cách khác là nó không còn là một sản phẩm độc đáo, riêng biệt của sản phẩm truyền thống theo đúng tính chất của nó nữa. Do đó phải đổi mới công nghệ thiết bị dần từng bước trên một số nguyên tắc:

Một là, đa số công nghệ cũ tỏ ra không thích hợp và sản phẩm sản xuất ra bằng công nghệ cũ này không đủ khả năng cạnh tranh do năng suất, chất lượng hay giá thành của nó không cạnh tranh được trên thị trường. Nói cách khác là bản thân công nghệ truyền thống có yêu cầu do nó có nguy cơ không thể tồn tại được mà đòi hỏi phải được hiện đại hoá phần nào đó, khâu nào đó của công nghệ cũ để có sự kết hợp được công nghệ truyền thống và công nghệ mới, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Hai là, công nghệ được lựa chọn phải thích hợp với công nghệ truyền thống hay công nghệ truyền thống phải có khả năng tiếp thu công nghệ mới về trình độ kỹ thuật, về quy mô sản xuất và quan trọng là về vốn đầu tư. Sở dĩ phải có sự thích hợp vì nếu quá hiện đại hay quy mô quá lớn hay vốn đầu tư quá nhiều thì làng nghề khó có khả năng tiếp thu được. Mặt khác cần chú ý công nghệ được lựa chọn phải phù hợp với nguyên liệu tại chỗ, đồng thời chú ý đến các cơ sở chế biến, sản xuất nguyên, vật liệu tại chỗ.

Cần khai thác và sử dụng hiệu quả nguyên liệu truyền thống vốn vẫn được sản xuất những sản phẩm mang tính độc đáo mang bản sắc văn hóa riêng của từng địa phương. Song song với đó là tìm kiếm hay tạo ra những nguyên liệu mới và những vật liệu phụ để thay thế nhằm tiết kiệm nguyên liệu truyền thống,

kết hợp giữa nguyên liệu truyền thống và nguyên liệu mới để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn, giá thành rẻ hơn.

Ba là, hiện đại hoá công nghệ truyền thống nhưng phải đảm bảo nguyên tắc sản phẩm sản xuất ra không bị mất đi tính truyền thống, hay sự độc đáo của sản phẩm.

Bốn là, hiện đại hoá công nghệ đảm bảo vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm môi trường.

Năm là, vấn đề hiện đại hoá công nghệ phải lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo. Có thể kết hợp nhiều ngành nghề, nhiều công nghệ trên một sản phẩm.

Đổi mới công nghệ trước hết là việc làm của bản thân các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong các làng nghề. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh được hưởng kết quả do đổi mới công nghệ đem lại và chịu trách nhiệm nếu không thành công. Đứng trước sự suy vong và tồn tại, phát triển của mình, trước sức ép của kinh tế thị trường, buộc các cơ sở sản xuất phải tìm cách đổi mới mình, trong đó có đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm của mình. Tuy nhiên, việc đổi mới công nghệ đối với làng nghề, đặc biệt làng nghề truyền thống là vấn đề khó khăn, vượt quá khả năng của đa số đơn vị sản xuất - kinh doanh trong làng nghề, do đó cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Do nhà nước không thể làm thay đơn vị sản xuất kinh doanh nên, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành quản lý chỉ có thể giúp đỡ bằng các biện pháp hỗ trợ sau:

Một là, cần có điều tra khảo sát toàn diện về làng nghề qua đó nắm được yêu cầu về các loại công cụ, thiết bị. Có làm được như vậy mới có thể vạch ra được kế hoạch đồng bộ nhằm trang bị công cụ sản xuất, những công nghệ thích hợp để thúc đẩy làng nghề phát triển.

Hai là, phổ biến kiến thức, kỹ năng về sản xuất - kinh doanh và kỹ thuật công nghệ một cách thường xuyên thông qua các hình thức khác nhau và bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Ba là, Ủy ban nhân dân tỉnh cần xây dựng hoặc hỗ trợ cho các hoạt động của các trung tâm tư vấn chuyển giao công nghệ và các hoạt động hỗ trợ về mặt kỹ thuật và công nghệ cho các làng nghề. Các trung tâm này sẽ tư vấn cho các

làng nghề nên sử dụng công nghệ gì đổi mới ở khâu nào sử dụng kỹ thuật ra sao… để giúp các làng nghề có thể áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Ở những vùng có nhiều làng nghề hoặc nơi có làng nghề truyền thống phát triển có thể thành lập các trung tâm tư vấn với chức năng nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ và sự giúp đỡ của các trung tâm này với các hoạt động sản xuất của làng nghề cần mang tính chất thường xuyên.

Bốn là, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành có trách nhiệm, có liên quan cần giới thiệu, giúp đỡ cho các làng nghề quan hệ với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học để thúc đẩy hợp tác giữa làng nghề với các tổ chức này nhằm giải quyết các vấn thực tiễn đặt ra. Cần khuyến khích mối quan hệ chặt chẽ giữa những cơ sở nghiên cứu với các làng nghề. Đồng thời trong mối quan hệ này cũng cần tạo ra sự liên kết trao đổi thông tin công nghệ giữa các làng nghề với các hình thức tổ chức thích hợp để liên kết chính ngay những người sản xuất trong các làng nghề với nhau.

Năm là, để giúp cho các cơ sở sản xuất có thể đổi mới thiết bị và công nghệ, ngoài sự hỗ trợ về vốn để người sản xuất có điều kiện đầu tư mua sắm trang thiết bị, Ủy ban nhân dân tỉnh cần có sự hỗ trợ trong việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ mới, chế tạo máy móc thiết bị mới, hướng dẫn cung cấp thông tin về thiết bị công nghệ ngoại nhập để người sản xuất có điều kiện chọn lọc cho phù hợp.

Sáu là, cần phải căn cứ vào từng điều kiện cụ thể của từng ngành nghề để lựa chọn phương hướng đổi mới công nghệ cho phù hợp. Cần phải đổi mới công nghệ ở cả phần cứng và phần mềm. Có nghĩa là, song song với việc nhập máy móc thiết bị cần phải nâng cao khả năng tiếp thu sử dụng thiết bị cho người lao động. Trong đổi mới công nghệ nên theo hướng lựa chọn những công nghệ thích hợp là chủ yếu.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong kinh tế nông thôn ở tỉnh Thái Bình Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 98 - 101)