Bảy thế kỉ truyền kì Việt Nam

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 26 - 28)

Trên cơ sở của mối quan hệ giao lưu văn hoá, văn học, luôn tiếp thu tinh hoa, văn học Việt Nam ngay từ những bước đi đầu tiên đã nhanh chóng “nhập dòng” với quĩ đạo của văn hóa Đông Á mà Trung Quốc là nền văn hóa kiến tạo vùng. Các tác giả văn học trung đại Việt Nam đã nhanh chóng chịu ảnh hưởng và học tập phong cách viết truyện truyền kì của Trung Quốc. Nhưng với truyền thống riêng và bản sắc văn hoá đậm đà vốn có của dân tộc, những tác phẩm văn học truyền kì Việt Nam vẫn mang đậm dấu ấn của tâm hồn người Việt Nam, là tiền đề không nhỏ cho sự phát triển rực rỡ của văn xuôi hiện đại Việt Nam sau này.

Thời Lí, Trần, Việt Nam đã có các dạng truyện u linh, chích quái, thần dị, truyền kì, thư dị, dị lục… (Việt điện u linh tập lục, Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, Tam tổ thực lục, Thánh đăng ngữ lục…) những dạng truyện kì ảo nối tiếp nhau trong tiến trình lịch sử. Tác phẩm được coi là mở đầu cho truyện kì ảo Việt Nam là Việt điện u linh tập lục của Lí Tế Xuyên, được ông soạn và viết lời tựa vào năm Khai Hựu thứ nhất đời Trần Huệ Tông (1329), tập hợp nhiều sự tích có sẵn, gồm hai mươi bảy truyện được chia thành ba phần: lịch đại đế vương, lịch đại phụ thần và hào khí anh linh. Tác phẩm thể hiện niềm tin, niềm tự hào vào lí tưởng tốt đẹp của cha ông ta thời xưa.

Vậy mà thời kì đầu, truyền kì bị phê phán và xếp vào hàng mê tín đị đoan, cần bài trừ. Trong 47 điều giáo hóa mà chúa Trịnh sai Phạm Công Trứ soạn vào năm 1663, đến 1760 Nhữ Đình Toản đem diễn Nôm, có đoạn:

Kì như Thích, Đạo phi kinh

Lời tà mối lạ tập tành truyện ngoa Cùng là truyện cũ nôm na

Hết thơ tập ấy lại ca khúc này Tiếng dâm dễ khiến người say

Chớ cho in bán, hại nay thói thuần…

Chính quyền phong kiến Việt Nam bảo thủ và lạc hậu lúc bấy giờ đã xếp truyền kì, truyện Nôm vào diện văn hóa phải bài trừ cùng với Thích, Đạo “dị đoan” (những chuyện huyền hoặc vô căn cứ, khác với Nho giáo), mặc dù hai thể loại này đang rất phát triển và tiềm năng còn rất lớn. Nhưng cuối cùng, sức cuốn hút, hấp dẫn của hai thể loại ấy vẫn lôi kéo độc giả và tác giả. Nhất là khi đỉnh cao Truyền kì mạn lục xuất hiện.

Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ ra đời vào những năm đầu thế kỉ XVI trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Với những nội dung giàu ý nghĩa xã hội và nghệ thuật đặc sắc, người đương thời đã tôn vinh Truyền kì mạn lục

bằng những mĩ từ xứng đáng như tập "thiên cổ kỳ bút" (Vũ Khâm Lân), "áng văn của bậc đại gia" (Phan Huy Chú) trong kho tàng văn học trung đại nước nhà. Áng văn ấy đã mang lại vị thế mới cho truyền kì, và góp phần vào sự phát triển của văn xuôi dân tộc.

Từ giữa thế kỉ XV cho đến những năm đầu thế kỉ XIX là một thời kì dài với nhiều phong ba bão táp, nhưng truyền kì vẫn đạt tới sự cực thịnh, phong phú về nội dung, độc đáo về nghệ thuật và đặc biệt cực kì phát triển về số lượng.

Trong quá trình nghiên cứu thể loại truyền kì, PGS. TS Vũ Thanh đã tạm phân loại truyền kì thành ba dòng truyện chủ yếu: Dòng truyện truyền kì cổ điển

(Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục, Truyền kì tân phả - hay Tục truyền kì);

Dòng truyện kí truyền kì (Công dư tiệp kí, Lan Trì kiến văn lục, Thoái thực kí văn…); Dòng truyện truyền kì cải biên (Thiên nam vân lục liệt truyện, Tân đính Lĩnh Nam chích quái…). Theo đó, thì đối tượng nghiên cứu của luận văn hầu hết thuộc dòng truyện kí truyền kì, điều này sẽ được khẳng định chắc chắn hơn trong chương 2 của luận văn này.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 26 - 28)