Đây là thuật ngữ mà PGS.TS Trần Nho Thìn sử dụng trong khi phân loại nhân vật truyện ngắn trung đại Việt Nam. Ngoài những nhân vật thuộc tầng lớp trung gian hoặc tầng lớp trên, sự xuất hiện của những người bình dân trong truyện truyền kì, đặc biệt những người phụ nữ bình dân là một bước tiến mới, khác quan điểm và cách viết truyền thống của các nhà nho.
Có nhân vật làm những nghề rất bình thường trong xã hội, như anh chàng chèo đò (Chuyện tình ở Thanh Trì – Lan Trì kiến văn lục – Vũ Trinh) hay cha con người đánh cá (Bố già lặn xuống vực tìm con gái – Công dư tiệp kí – Vũ Phương Đề). Bố già lặn xuống vực tìm con gái là câu chuyện về hai cha con
người đánh cá được trở thành đại thần của làng. Khi cô con gái bị giao long bắt mất, người cha đau khổ đã dũng cảm lặn xuống hồ giết sạch bầy giao long và cõng được xác con lên bờ, từ đó dân chúng không còn bị giao long làm hại nữa. Cả hai cha con đều được phong làm đại thần của bản xã, được lập đền và miếu thờ, trở thành nơi phân xử rất linh ứng các vụ tranh chấp của làng.
Nhân vật làm nghề mạt hạng – ăn trộm cũng được đưa vào truyện với một tư thế rất hiên ngang. Vũ Phương Đề có Kẻ trộm lừa thần thánh (Công dư tiệp kí), đề cao mưu trí của tên trộm mà nghi ngờ cái tài của thánh thần. Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án kể lại câu chuyện về Anh kẻ trộm làng Lâm Hộ (Tang thương ngẫu lục), vốn thuộc đám người bị khinh bỉ trong xã hội, đã cứu giúp bạn đồng nghiệp trong khi nguy cấp mà chẳng tiếc mình, xứng với hành động của những bậc liệt sĩ đời xưa, cũng là một việc đáng ca ngợi.
Vũ Trinh còn đưa cô đào hát vào trang truyện của mình như một nhân vật đáng được người đời ngưỡng mộ nhất (Cô đào họ Nguyễn). Cô làm cái nghề hạ đẳng trong xã hội, bị giới nho sĩ khinh bỉ, nhưng cô lại có tấm lòng nghĩa hiệp và trung trinh, đã có công chăm sóc và động viên Vũ Khâm Lân thưở còn hàn sĩ, nhưng kiên quyết không cho chàng dính vào chuyện trăng hoa. Đến khi Lân được làm quan to, ông không trái được mệnh cha phải lấy con nhà thế tộc làm vợ, nàng không trách móc mà lặng lẽ ra đi. Sau này có gặp lại, nàng cũng không chịu nhận lễ hậu của ông. Trong Tháp báo ân có cô gái hủi đã vượt qua mặc cảm bản thân, đem lòng thương yêu và trao mình cho chàng học trò bị lỡ độ đường. Cũng vì mặc cảm bệnh tật của bản thân mà nàng ốm đau dằn vặt đến chết, nhưng khi chết đi rồi vẫn một lòng giúp chàng đạt ước nguyện công danh, đã hiện về khẩn cầu quan Chủ khảo chấm đỗ cho chàng. Vị quan cảm cái tình của cô gái nên gượng lấy đỗ. Còn chàng tân khoa sửa lễ con rể ra mắt bố cô gái, và phong hàm cho nàng theo đúng tước quan của mình, đồng thời xây tháp báo ân để tỏ lòng biết ơn người vợ hiền ấy.
Trong Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh còn có cả nhân vật trẻ em, đó là cậu bé ba, bốn tuổi có nước da “đen như sơn” trong Con lai rắn; là em bé vừa lọt lòng mẹ đã biết nói và rất đau khổ vì Biết được kiếp trước của mình và vẫn luôn nhớ về nó; là một em bé bị người cha bạc đãi vứt vào rừng, may được Con hổ nghĩa hiệp mang trở về cho bà ngoại; là em bé sinh ra dưới mồ và được người mẹ đã chết ngày ngày đội mồ lên mua bánh về mớm cho ăn (Sinh đẻ kì lạ). Tuy chỉ với số lượng bốn tác phẩm, nhưng loại truyện này lại có vai trò vô cùng quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên nhân vật trẻ em xuất hiện trong truyền kì trung đại Việt Nam, thể hiện tấm lòng nhân hậu và sự ưu ái của nhà văn dành cho trẻ thơ.
Quan tâm nhiều đến việc xảy ra giữa cõi người, các tác giả đã vẽ lại được rất nhiều bức chân dung giữa cuộc đời thường, tốt đẹp và đáng ngợi ca. Nhưng không chỉ thế, còn có cả hình ảnh của những con người phầm trần đã bắt đầu bị tha hóa, những con người mà cái ác hiện diện đến mức phi nhân tính, không bằng cả loài cầm thú: Hoàng Mỗ (Con hổ nghĩa hiệp – Lan Trì kiến văn lục) vì mưu đồ hạnh phúc riêng, để được người đàn bà chấp nhận lấy mình đã đang tâm lừa mang đứa con ruột vào rừng sâu cho hổ ăn thịt chết, nhưng cuối cùng chính hổ lại mang đứa bé về nhà. Lại có kẻ vì con gà chọi đáng giá mà đang tâm “một tay vác cuốc, một tay túm tóc mẹ lôi ra bãi tha ma ở ngoài đầu làng. Rồi vừa ép mẹ ngồi xuống một bên, anh ta vừa dùng cuốc quật đất lên để chôn mẹ” (Ác báo
– Công dư tiệp kí). Rồi lại có kẻ vì ghen tuông mù quáng mà đang tâm giết người vợ đang còn ở tuổi thanh xuân (Sống lại – Lan Trì kiến văn lục).
Hình ảnh con người bị tha hóa về nhân cách cùng với những hành động rất nhẫn tâm được mô tả lại khá nhiều trong các trang viết, chứng tỏ thời kì này, cùng với những biến chuyển trong xã hội, con người đã bị ảnh hưởng, lây nhiễm nhiều thói hư tật xấu. Điều đó cũng thể hiện quan điểm khách quan và cái nhìn đa chiều của các tác giả trong khi viết về những con người thực. Không còn những con người khô khan cứng nhắc của giáo điều, những con người chuẩn
mực và tốt đẹp của đạo lí nữa, mà ở đây, con người hiện lên với những thứ tình cảm đơn thuần nhất, với cả những nét phàm tục, xấu xa nhất nhưng mang đậm bản tính người, những tính toán và tâm tư của con người thực trong xã hội.
Đông đảo các loại người của nhân gian đã được đưa vào trang viết, tạo nên một gương mặt theo đúng nghĩa “thập loại chúng sinh”. Ở điểm này, các tác giả truyền kì đã có sự gặp gỡ với đại thi hào Nguyễn Du, về quan điểm hiện thực tiến bộ và tấm lòng xót thương đến cả những nhân vật “dưới đáy” xã hội. Tuy tần số xuất hiện của loại nhân vật bình phàm vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với các nhân vật thánh nhân quân tử, nhưng vẫn đủ để khẳng định một xu hướng viết mới trong văn học cuối thời trung đại.