Tài tử giai nhân

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 74 - 76)

Mĩ nhân tự cổ như danh tướng Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

(Người đẹp từ xưa đã như những vị tướng tài Không dám hẹn với nhân gian đến lúc bạc đầu)

Không biết từ bao giờ người ta đã khoác lên số phận tài tử giai nhân những câu như là định mệnh ấy. Đã là giai nhân thì ắt hẳn “Hồng nhan bạc mệnh”, “Hồng nhan đa truân”, đã là tài tử thì phải chịu cảnh “Quân tử đa cùng”. Và sau này, dù trong thời hiện đại người ta vẫn còn rất tâm đắc với lí thuyết ấy. Nhà văn Nguyễn Khải cho rằng: “Quân tử gian nan, hồng nhan vất vả, số kiếp đã định thế trước sau vẫn chỉ một con đường ấy, không thể nào khác được”.

Chàng thư sinh họ Đào trong Con chó nhà giàu có nghĩa (Tân truyền kì lục – Phạm Quí Thích) là một điển hình tiêu biểu cho phận “đa cùng” của người

tài tử. Chàng “thật xứng bậc vĩ nhân đất Bắc”, được người bấy giờ khen là “bậc chủ soái trong làng thơ văn”, nhưng gặp lúc thời thế loạn lạc, nước nhà thay ngôi đổi chủ, lại mùa màng thất bát liên miên, mấy năm liền đói kém, chàng chán ngán buông chí giang hồ, không màng sản nghiệp, dạo bước khắp nơi rồi xin làm anh giáo cho một nhà giàu, bị đối xử bạc bẽo nhưng vẫn lấy việc dạy học trò và việc làm thơ làm vui thú. Còn lận đận trong thi cử thì đến như ông Nguyễn Thực (Bà phu nhân Lan Quận côngLan Trì kiến văn lục – Vũ Trinh) có tài nhưng nhà nghèo phải đi làm thuê mướn cho người, rồi vận xui thi mấy lần không đỗ, ngoài ba chục tuổi vẫn là ông Cử nghèo. Hai vợ chồng bị họ hàng khinh ghẻ, đi đâu cũng lủi thủi, đến nỗi “bọn trẻ con trong xóm và đám đàn bà nuôi tằm cũng lạnh nhạt”, “kẻ ăn người làm cũng chế giễu”, ước mơ có tên trên bảng vàng cũng nguội dần.

Tuy nhiên, điều các nhà văn quan tâm nhiều hơn vẫn là những người có tài có sắc nhưng bạc mệnh như mẫu hình các nhân vật nữ xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Du, Phạm Thái. Từ cổ chí kim đã có bao nhiêu câu chuyện truyền về sức mạnh của giai nhân: Giai nhân chẳng cần võ tinh văn thạo cũng nắm được binh quyền, chẳng cần súng gươm cũng có thể giết được tướng tài quân mạnh. Nhưng cũng có những truyền thuyết bất hủ về sự bạc mệnh của giai nhân: Giai nhân không phải là những vị tướng yểu mạng trên sa trường, nhưng họ vẫn phải vận vào mình cái thuyết yểu mạng ấy, vì nhiều lí do, vì những sóng gió xung quanh cuộc đời họ.

Trong Chuyện quan Quận ở Liên Hồ (Lan Trì kiến văn lục), Vũ Trinh cảm phục cô con gái nhà quan “thông minh sáng dạ, bài học qua mắt đã thuộc, thật là tài sắc vẹn toàn”, nàng xinh đẹp, tài năng, hiền thục, lại con nhà gia thế, là một hình mẫu thiếu nữ lí tưởng, ai cũng nghĩ nhà nào phúc đức lắm mới có thể lấy được nàng. Vậy mà hai mươi năm sau gặp lại, số phận đã đẩy nàng phải làm vợ hai, rồi trở thành bà góa mất chồng mất con một thân lưu lạc…

Cùng chung một kiếp truân chuyên ấy, nhưng ả đào lại là một loại nhân vật văn hóa đặc biệt, bắt đầu xuất hiện dày đặc trong văn học thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XX, cùng với sự bùng nổ hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại với cùng số phận: sắc tài mà bạc mệnh. Họ có những mối quan hệ khá nhạy cảm với giới văn nhân tài tử, nhưng sống giữa những biến chuyển kinh hoàng của thời đại, những mối quan hệ nhạy cảm ấy không mang lại cho họ gì hơn là sự dở dang, bất hạnh. Cô đào trong Con giải kết thúc cuộc đời bằng cái chết thảm trong bụng con vật ác, Cô đào họ Nguyễn xinh đẹp, trọng tài trọng nghĩa mà sống cả đời ô nhục và khổ vì tình duyên, cũng bởi thân phận kĩ nữ của mình (Lan Trì kiến văn lục – Vũ Trinh).

Thơ hiện đại ngày nay cũng nói nhiều về những điều bạc mệnh ấy:

Người đẹp vẫn thường hay chết yểu Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai

Phải chăng khi viết về chủ đề những người tài mà bạc mệnh, các tác giả muốn gửi gắm nỗi niềm riêng vào trong sáng tác của mình – những con người tài cao chí cả mà không gặp thời, tiêu biểu như Vũ Trinh. Cả đời ông tận tâm phò vua với ước mong giúp nước, nhưng tiếc thay Lê Chiêu Thống lại không phải là một vị vua sáng như ông hằng mơ ước, để trong các sáng tác của mình, ông mãi day dứt về một triều đại vua sáng tôi hiền nhân dân hạnh phúc.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 74 - 76)