Thời kì này, bên cạnh những giáo lí quen thuộc của đạo Nho, thì ta còn thấy rất rõ tư tưởng hoài Lê. Tất nhiên, đặc điểm này do hoàn cảnh lịch sử quy định, khi mà triều đại nhà Lê đã đi vào dĩ vãng, để lại niềm tiếc thương, hoài niệm cho bao tâm hồn nhạy cảm.
Khi viết truyện về quá khứ, người cầm bút có thuận lợi đáng kể, ví như: các sự kiện lịch sử đã ở vào thế ổn định, trắng – đen, phải – trái rõ ràng; các nhân vật lịch sử về cơ bản đã được hoặc thừa nhận hoặc phê phán, hoặc đã chết, do vậy người cầm bút không phải chịu quá nhiều sức ép từ phía dư luận. Nhưng phản ánh trực tiếp hiện thực đương thời, viết về những sự kiện đang vận động thì khác. Bởi vì khi đó, lịch sử đang diễn tiến, các xu thế xã hội đang đan xen nhau, cái nhất thời và cái bản chất dễ lẫn lộn. Người cầm bút không chỉ là nhân chứng lịch sử, mà còn vừa là tác giả, vừa là nhân vật ngay chính trong tác phẩm của mình. Cái thiên kiến cá nhân rất dễ chi phối quan điểm của tác giả, nếu như nhãn quanh lịch sử tinh nhạy và dự cảm không đủ mạnh để nhìn ra chân lí và xu thế tất yếu, kết cục của xã hội.
Vũ Phương Đề biên soạn và đề tựa sách Công dư tiệp kí vào năm Cảnh
Hưng thứ mười sáu đời vua Lê Hiển Tông (1755), vì thế ông có cái ưu thế của người phản ánh trực tiếp hiện thực, đặc biệt là ngợi ca chế độ chính trị đương thời. Truyện của ông hầu hết viết về các nhân vật lịch sử thời đó. Dùng nhan sắc, nhà Trần lấy thiên hạ cuối cùng lại là sự suy vong của nhà Trần: “Có lẽ nhà Trần trị vì được bấy nhiêu năm cũng là do ở mệnh trời, chứ sức người làm
thế nào được”, cũng gián tiếp thể hiện sự ủng hộ của mệnh trời đối với nhà Lê – triều đại vua sáng tôi hiền sau thời hưng thịnh của nhà Trần. Nguyễn Giám sinh làm vua đất Bắc thì lại là một lời ca ngợi vị vua Lê đương thời, đúng chân mệnh thiên tử, khiến cho Nguyễn Giám sinh vốn được Thượng đế sai xuống trần gian làm đế vương đã phải bỏ đi vì: “vị nhân chủ hiện nay phúc trạch đang thịnh, một nước không nên có hai vua, nên tôi lại phải trở về Thiên đình để giáng sinh xuống nước khác”. Dóng ngựa thi thơ có nói về chi tiết “họ Mạc mất, triều ta trung hưng”, thể hiện rất rõ cái tự tôn, tự hào của triều thần nhà Lê, khi nhà Lê tiếp tục lên ngôi chống nhau với nhà Mạc (bắt đầu từ Lê Trang Tông, ở ngôi 1533 – 1548).
Đến Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh, cõi lòng Hoài Lê đã bắt đầu bộc lộ rất rõ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông xuất thân từ một gia đình có nền nếp thi thư. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, ông nội Vũ Trinh đỗ tiến sĩ đời Lê, làm quan đến Thượng thư bộ Binh; cha ông cũng đỗ Hương tiến, làm đến chức Tham nghị. Bản thân Vũ Trinh mười bảy tuổi đã đỗ Hương tiến, được tập ấm chức Tri phủ Quốc Oai trên dưới mười năm khi tuổi còn rất trẻ (Giấc mộng lạ kể một khoa thi “thời bản triều ta” với đề bài là “Thiên hạ đại đồng” (khắp thiên hạ đều thái bình thịnh trị như nhau)). Sách xưa chép Vũ Trinh đã có công can vua Lê Chiêu Thống giết Nguyễn Hữu Chỉnh, Bắc Hà tạm tránh được sự tổn thất của một cuộc thanh toán nội bộ lớn; lại có lần cùng cha đón vua Lê về nhà, phò vua chạy nạn, dốc hết gia sản để lo việc quân; rồi một mình đem rượu thịt khao quân Tôn Sĩ Nghị, trả lời trôi chảy mọi việc. Từ đó có thể thấy Vũ Trinh không chỉ là người có bản lĩnh và tài tổ chức, đáng quí trọng hơn nữa là sự hết lòng với nhà Lê, vì thế sau này đã được Chiêu Thống tín nhiệm, giao cho giữ chức Tham tri chính sự. Vũ Trinh là người theo Nho học, đạo lí trung quân được ông thấm nhuần từ nhỏ, gia đình ông lại chịu ơn sâu nặng của vua Lê nên giữ tình cảm chung thủy với nhà Lê. Dù xảy ra mọi biến cố, Chiêu Thống trong quan niệm
của ông vẫn là vị vua “chính mệnh”. Nguyện vọng của ông vẫn là bảo vệ nhà Lê, tên hiệu Duy Chu (giữ gìn nhà Chu) của ông biểu hiện tư tưởng đó. Khi nhà Tây Sơn lên nắm quyền, ông lẩn trốn về vùng thôn dã, giữ ý nguyện “trung thần bất sự nhị quân”, không chịu ra làm đình thần của vương triều mới (Bà phu nhân Lan Quận công nói về một người học trò tài giỏi nhưng mệnh trời không cho làm quan nhà Mạc, mãi đến đời Lê Trung hưng mới đỗ, đem tài ra giúp nước giúp dân). Trong Lan Trì kiến văn lục còn có truyện Gấu, hổ chọi nhau dường như bao hàm ngụ ý nhà Lê và nhà Mạc phân tranh, để rồi cuối cùng nhà Nguyễn lại đắc lợi.
Bên cạnh những bài ca hùng tráng, mạnh mẽ, biểu hiện khát khao cống hiến của các nho sĩ thì cũng có những giọng điệu u hoài, buồn bã, thực ra cũng không thể xem nó là mặt yếu đuối trong tâm hồn tác giả, phản ánh những khía cạnh tiêu cực, ủy mị. Trong tiếng hát ai oán này thực sự dồn nén lại những đau khổ mất mát của con người. Trong tiếng hát sâu xa ấy cũng gợi nên bao luyến tiếc, mong ước về quyền sống tự do, về vương triều cũ. Nội dung ấy có tác dụng gợi nhớ và kích thích tình cảm dân tộc và những tình cảm nhân ái của con người. Dĩ nhiên, chất u buồn ở đây không có gì là giống với sự ủy mị, chán chường như trong các bài thơ của Chế Lan Viên nhớ một nước non Chàm đã mất… Điều này thể hiện tính chất dân chủ, có quyền biểu đạt những tình cảm riêng tư trong sáng tác thời trung đại.
Trong Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án) có truyện
Ông Nguyễn Văn Giai, trung thần nhà Lê mà về sau vì miếng ăn không giữ được mình, nói rõ lên sự thành bại của triều thần gắn với sự hưng thịnh của
vương triều. Truyện Thánh Tông Hoàng đế (Trong Tổng tập tiểu thuyết chữ
Hán Việt Nam còn có thêm các truyện về Hiển Tông Hoàng đế, Thần Tông Hoàng đế) lại là lời hoài cổ ca ngợi vị vua thứ năm nhà Lê, người đã minh oan cho Nguyễn Trãi, và được coi là bậc vua sáng triều Lê.
Tính hoài Lê đậm đặc và cũng rõ nét nhất trong Tân truyền kì lục của Phạm Quý Thích, có lẽ được viết sau khi nhà Lê đã mất. Sách đầy đủ gồm một bài tựa và ba truyện, nặng tính chất ngụ ngôn, nói về những con vật có tính nết khác lạ, ngụ ý tâm sự hoài Lê. Con chó nhà nghèo có nghĩa là truyện tiêu biểu nhất, mượn ngụ ngôn để biểu đạt lí tưởng chính trị theo tư tưởng Nho gia của tác
giả: “Mũ Chu, bệ Tống chắp nối cương thường, khoa Hán bảng Đường vẫn hằng
nuôi chí. Lại vui đạo thánh hiền, chăm đọc Thi, Thư, đâu có rỗi đi cày; nối lời thầy Mạnh, dốc lòng nghĩa nhân, hà tất bàn chuyện lợi… Lấy trung để thờ vua, dùng tín để đãi bạn; hiếu thảo với cha mẹ, hòa mục với tông tộc”. Đoạn văn miêu tả lại lời con chó đối đáp với phú ông thật khiến cho người ta kinh ngạc, không chỉ vì cảm sự trung thành của loài vật mà còn khâm phục sự học uyên bác của nhà Nho: “Vật tuy khác người nhưng cũng có thiên chân, năm tính có sẵn, bốn mối đều đủ. Vì vậy, voi của Minh Hoàng không chịu lạy Lộc Sơn, vượn của Đức Tông nổi giận đánh Chu Tỉ, ngựa Xích Thố của Vân Trường đâu cam chịu ràng buộc ở Kiến Nghiệp, Ô Truy của Tây Sở không thích chăn nuôi ở Giang Đông”.
Không những vẻ hưng thịnh bị sút kém đi, mà thậm chí Nhà Lê đã không còn đủ sức tồn tại nữa, những nguyên thần cũ trong lòng không khỏi nuối tiếc. Tâm tình ái quốc ưu dân thể hiện trong văn học ngày một nặng nề thống thiết. Nhưng họ phải tìm được lối thoát cho nỗi lòng đang bị đè nặng ấy. Các nhà thơ Mới sau này khi chán thế sự đã lánh mình vào cõi mơ hoặc trốn trong những “tinh cầu giá lạnh”, còn các văn sĩ thời trung đại, họ vô tình đã dựa dẫm vào tư tưởng giải thoát trong giấc mộng của Lão Trang.