Người phụ nữ trong “Truyền kì tân phả”

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 79 - 82)

Cùng với Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm đã góp thêm vẻ kiên cường và tài năng cho giới nữ. Sinh thời, bà nổi tiếng về tài thơ văn, ứng đối, hiện vẫn còn truyền tụng nhiều giai thoại. Khi bà mất, trong bài văn tế, Nguyễn Kiều đã so tài thơ ca của bà ngang với Tô tiểu muội, Ban Chiêu ở Trung Quốc.

Truyền kì tân phả còn gọi là Tục truyền kì, là tác phẩm chữ Hán của Đoàn Thị Điểm. Vấn đề văn bản của Truyền kì tân phả hết sức phức tạp, đến nay còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Tư liệu hiện còn tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có bản mang tên Tục truyền kì, có bản mang tên Truyền kì tân phả. Các bản chép số lượng các truyện không hoàn toàn tương đồng nhưng nội dung các truyện sai khác không lớn. Trong Tang thương ngẫu lục (Nguyễn công Kiều á

phu nhân – Vợ thứ của ông Nguyễn Kiều), Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã viết rằng: “Bà (Đoàn Thị Điểm) có làm ra tập Tục truyền kì, trong có 3 truyện

Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ còn lưu hành ở đời”. Nhưng Phan Huy Chú – tác giả bộ Lịch triều hiến chương loại chí – lại cho biết Tục truyền kì của Đoàn Thị Điểm có 6 truyện, gồm: 1. Bích Câu kì ngộ, 2. Hải khẩu linh từ, 3. Vân Cát thần nữ, 4. Hoành Sơn tiên cục, 5. An Ấp liệt nữ, 6. Nghĩa khuyển nhất miêu. Cũng theo họ Phan sách này đã thất truyền. Theo gia phả họ Đoàn, sách gồm sáu truyện: Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ, Bích Câu kì ngộ, Yến Anh đối thoại, Long Hổ đấu kì nhưng chỉ có ba truyện đầu là của Đoàn Thị Điểm, còn ba truyện sau là của người khác (như trường hợp

Bích Câu kì ngộ thì có nhiều ý kiến khác nhau: Hoàng Xuân Hãn trong sách

Chinh phụ ngâm bị khảo cho là của Đặng Trần Côn; Trần Văn Giáp trong Bích Câu kì ngộ khảo thích lại cho là của một tác giả khuyết danh…). Do vấn đề văn bản quá phức tạp, nhất thời khó có thể minh xác được nên ở đây chúng tôi tạm theo Phạm Đình Hổ và gia phả gia đình bà, nghĩa là luận văn sẽ chỉ khảo sát tạm thời ba truyện Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ An Ấp liệt nữ.

Những truyện ấy chứa đựng những yếu tố thần kì theo kiểu Truyền kì đời Đường, nhưng chép những chuyện lạ ở Việt Nam. Hải khẩu linh từ (Truyện đền thiêng ở cửa bể) là chuyện về nữ thần Chế Thống, tức Nguyễn Thị Bích Châu, cung phi của Trần Duệ Tông (thế kỉ XIV) đã hi sinh thân mình để nhà vua được an toàn đưa chiến thuyền vào đánh quân Chiêm. Vân Cát thần nữ (Truyện nữ thần ở Vân Cát) là chuyện về bà chúa Liễu Hạnh, một nhân vật huyền thoại có nhiều quyền năng siêu phàm, một trong bốn vị "anh hùng văn hoá" tứ bất tử của Việt Nam, cùng với Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử. An Ấp liệt nữ (Truyện người liệt nữ ở An Ấp) là chuyện vợ bé ông Đinh Nho Hoàn tuẫn tiết theo chồng. Những chuyện của Đoàn Thị Điểm xây dựng từ những nhân vật có

thật trong lịch sử hoặc theo truyền thuyết dân gian, đều có ý thức đề cao người phụ nữ, thể hiện rõ lí tưởng theo đạo Mẫu.

Những người phụ nữ trong Truyền kì tân phả đều là những liệt nữ, các vị thánh mẫu hiển linh được thờ cúng trong dân gian. Họ có nhiều đặc điểm chung: lúc còn sống đều xinh đẹp, thông minh hết mực, hiểu biết, giỏi tài văn thơ ứng đối, khi chết thì kì lạ, hiển linh giúp đời.

Nàng Bích Châu (Truyện đền thiêng ở cửa bể) “tính tình đứng đắn, tư dung xinh đẹp, thông hiểu âm luật Lê Viên, theo đôi văn từ Nghệ Phố”, nhiều lần đối họa và khuyên can nhà vua, khiến vua hết lòng yêu quí và khâm phục: “Không ngờ một nữ nhi lại thông tuệ đến thế! Thật là một Từ Phi ở trong cung của trẫm vậy”. Người liệt nữ ở An Ấp “nghi dung thanh nhã, cử chỉ đoan trang, thêu thùa khâu vá rất khéo, lại giỏi văn thơ”, thường cùng chồng xướng họa, được ông vừa yêu vừa kính trọng: “Lời thơ tao nhã, ngụ ý sâu xa, đời xưa khen Khương Hậu và Từ Phi cũng chưa là tột bực vậy”. Truyện nữ thần ở Vân Cát

kể về cuộc đời mấy kiếp tái sinh luân hồi của tiên nữ Giáng Tiên xinh như hoa như ngọc, thông thạo văn thơ, thổi tiêu gẩy đàn rất mê hoặc lòng người, sánh cùng các tài nữ thời xưa.

Xinh đẹp và giỏi giang nhường ấy, nhưng các nàng không bằng lòng với cuộc sống êm êm, nhạt nhòa vô nghĩa mà đều tự chọn cho mình một con đường sống ngắn ngủi nhưng đầy vinh quang.

Nàng Bích Châu khuyên can vua không được, đã dũng cảm hi sinh thân mình để cứu vua và cả đoàn thuyền thoát khỏi thủy họa, giúp vua đánh thắng giặc Chiêm. Sau này nàng hiển linh và được sắc phong thần, lập đền thờ phụng quanh năm (Truyện đền thiêng ở cửa bể). Người liệt nữ ở An Ấp tuẫn tiết theo chồng, được triều đình cho lập đền thờ, nhân dân cầu đảo đều linh ứng. Nàng còn hiển linh đàm đạo trôi chảy với nho sinh họ Hà về lẽ sống và bảo vệ được

danh tiết cho chồng. Nữ thần ở Vân Cát – Tiên chúa hết hạn đi đày phải về trời nhưng vẫn lưu luyến dương gian, nhiều lần trở lại thăm chồng và cha mẹ, đề thơ xướng họa ở nhiều nơi nàng đi qua và đem lại phúc đức cho con người, cảnh vật: “Tiên chúa thường hiển linh, người lành được phúc, kẻ ác bị tai vạ”, cây cối xanh tươi, nước chảy quanh năm… Nhân dân và triều đình lập đền thờ, sắc phong cho là “Mã Hoàng Công Chúa”, lại giúp vua đánh giặc nên được gia tặng “Chế Thắng Hòa diệu Đại Vương” hưởng sự thờ phụng ngàn năm.

Thế giới nhân vật nữ trong sáng tác của Đoàn Thị Điểm rất anh hùng, cao cả, gợi lên trong lòng người đọc cảm giác kính trọng, nể phục và choáng ngợp. Ngược lại, thế giới phụ nữ trong tác phẩm của Vũ Trinh lại bình dị, đáng yêu đáng mến, có cả xót thương.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)