b) Người phụ nữ trong “Lan Trì kiến văn lục”
3.1. Chuyển đổi giữa “kì thực”
Cái kì vốn là một phạm trù của mĩ học Trung Hoa cổ đại, là đặc thù tư duy của một giai đoạn lịch sử. Trong phần 1.1.1.1, khi xác định Yếu tố kì ảo và Văn học kì ảo, chúng tôi cũng đã khẳng định rằng: yếu tố không thể thiếu của truyền kì mà hầu hết các nhà làm từ điển đều quan tâm, đó là yếu tố “kì” (lạ). Trung Hoa văn hóa đại từ hải cho rằng tên gọi của thể loại bắt nguồn từ yếu tố ấy. Từ điển văn học năm 1984 do Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Từ điển văn học (từ nguồn gốc đến hết thế kỉ XIX) của Nhà xuất bản Giáo dục năm 1999, mục Truyền kì đều chú ý trước hết đến yếu tố “kì”.
Tất nhiên, “kì” xuất hiện trong các tác phẩm truyền kì với mực độ đậm nhạt khác nhau: có khi nó chỉ là một vài chi tiết, một vài sự việc kì lạ trong cuộc sống được ghi lại nguyên dạng (Tiến sĩ ăn khỏe, Chôn xương bụng ngựa –
Công dư tiệp kí – Vũ Phương Đề), ghi chép về những con người có hình dạng kì quặc, xấu xí, không bình thường (Con lai rắn, Người khổng lồ - Lan Trì kiến văn lục – Vũ Trinh). Ngoài ra còn thể hiện ở những hiện tượng kì lạ trong tự nhiên (Giao long ngủ nhờ - Công dư tiệp kí – Vũ Phương Đề) Thực ra những chuyện kì lạ như vậy thời kì nào và xã hội nào cũng có, nhưng ở thời ngày xưa người ta chưa thể lí giải bản chất sự việc một cách khoa học, nên chỉ biết ghi chép lại để “truyền nghi” đến mai sau.
Tuy nhiên cũng có những cái “kì” nằm trong cốt truyện và có những dụng ý tương đối rõ ràng, giúp câu chuyện phát triển song toàn bộ mạch truyện vẫn ổn định và nhất thống, vẫn gần với hiện thực. Đó phần nhiều là những câu chuyện về các danh sĩ, ở đó có sự kết hợp giữa những chi tiết “người thật việc thật” và
những huyền thoại được viền nét xung quanh họ. Những truyện này thường liên quan nhiều với những huyền thoại, truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian qua nhiều vùng dân cư, do đó cũng xảy ra trường hợp nhân vật lặp đi lặp lại, xuất hiện trong nhiều tác phẩm của cùng hoặc nhiều tác giả khác nhau… Nhóm truyện về cư sĩ Phạm Viên hay các câu chuyện về các vị hoàng đế (trong Tang thương ngẫu lục – Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án) tiêu biểu cho loại truyện này. Trong các tác phẩm ấy, cái “kì” – đặc điểm chủ yếu của truyền kì đã được thể hiện khá sinh động trong hệ thống môtip phong phú (như chúng tôi đã nêu ở phần 2.1.3: môtip giấc mơ, thụ thai kì lạ, sinh đẻ kì lạ, chết kì lạ…), trong cốt truyện một chiều tương đối đơn giản, rành mạch tạo nên tính mĩ cảm đậm nét, khắc sâu ấn tượng và giúp độc giả dễ nhớ, nhớ lâu.
Bên cạnh yếu tố “kì”, điều làm truyện truyền kì giai đoạn này trở nên đặc sắc và khác so với truyền kì giai đoạn trước và những truyện kì ảo của nước ngoài chính là bởi yếu tố “thực”. Hay đó chính là xu hướng thực hóa trong văn học đã bắt đầu từ cuối thế kỉ XVII, được phát triển mạnh vào thế kỉ XVIII, XIX, và thực sự chín muồi với tên tuổi nổi bật của Vũ Trinh. Đây là một chi tiết quan trọng, tạo nên bộ mặt mới của truyền kì, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong những phần tiếp theo.
Đến giai đoạn này, mối quan hệ giữa yếu tố “kì” và “thực” hoàn toàn thay đổi. Cái “thực” trở thành mục đích của sáng tác. Cái “kì” ở đây không phải do tác giả tưởng tượng, hư cấu, tự xây dựng nên mà là kết quả của sự ghi chép, nó nghiêng về cái lạ. Vũ Phương Đề và Vũ Trinh đã ghi chép về những hiện tượng kì lạ trong cuộc sống: những ông quan ăn khỏe và có sức khỏe hơn người (Thượng thư Lương Hữu Khánh, Tiến sĩ ăn khỏe – Công dư tiệp kí), những tên kẻ trộm phát sinh ngày càng nhiều trong xã hội, len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội, tạo nên nhiều hiện tượng lạ (kẻ trộm làm quan – Tên ăn trộm – Lan Trì kiến văn lục, kẻ trộm lừa được cả thần thánh – Kẻ trộm lừa thần thánh – Công
dư tiệp kí)… Lấy yếu tố “kì” làm phương tiện truyền tải, nhưng mục đích của các tác giả vẫn là phản ánh cái “thực”, những hiện tượng có thật trong cuộc sống thời đó.
Tuy nhiên, những tác phẩm thành công vẫn là những truyện kết hợp thành công giữa cái “kì” và cái “thực”, trong đó, cái “kì” và cái “thực” là hai mặt của một vấn đề, không xung khắc mà ngược lại bổ sung cho nhau để cùng hoàn thiện và hấp dẫn hơn. Tây du kí (tác giả Ngô Thừa Ân đời Minh) xuất hiện như một bộ tiểu thuyết thần thoại rực rỡ chói mắt, được sáng tác trên cơ sở sự kết hợp của hai yếu tố “kì” và “thực”. Dựa vào câu chuyện có thật về nhà sư Huyền Trang đời Đường Thái Tông không sợ gian khó nguy hiểm một mình đi Thiên Trúc (nay là Ấn Độ) lấy kinh, Ngô Thừa Ân đã tham khảo thêm truyền thuyết dân gian và hí khúc, thoại bản rồi gia công sáng tạo thành. Thông qua hình thức kì ảo, mượn hình ảnh thế giới trên trời và các loài yêu quái mà khắc họa nên một số đặc điểm của xã hội hiện thực, Tây du kí đã có giọng điệu chế giễu trào lộng, vận dụng bút pháp lãng mạn khiến cho tiểu thuyết tràn đầy không khí kì ảo, thể hiện một sức tưởng tượng nghệ thuật hiếm có. Việc sáng tạo ra nhân vật Tôn Ngộ Không lí tưởng hóa như thế là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử văn học Trung Quốc. Nhiều nhân vật khác vừa có tính thần kì vừa có tính hiện thực mạnh mẽ, lại có thuộc tính tự nhiên của động vật, là mẫu mực thành công trong việc sáng tạo hình tượng đối với đời sau. Các nhà kì ảo hiện đại bị tư duy duy lí phương Tây cùng những thành tựu trước mắt của nền công nghiệp hiện đại chi phối, đã có thời kì tin tưởng rằng có thể quét sạch mọi tàn dư của thứ văn chương tưởng tượng, hư cấu khi xưa, nghĩa là chọn một chỗ đứng trên mảnh đất hiện thực và tự chặt đi đôi cánh thần kì của mình. Nhưng dù sao thì họ - những Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Cung Khanh, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Huy Thiệp… cũng đã phải một lần nữa quay lại con đường xưa. Và sự thành công của họ, cũng như thành công của người xưa chính là ở chỗ đã kết hợp được một cách
nhuần nhuyễn hai yếu tố Thực - Ảo với nhau, đạt đến độ như Phùng Kí Tài từng ca ngợi:
Bảo giả toàn là giả Bảo thật thật cả thôi Đọc đến khi hứng thú Thật giả chẳng đôi hồi
(Gót sen ba tấc)
Trong một số truyện của Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh cũng đã thể hiện thành công phương pháp sáng tác đó. Lấy xuất phát điểm là những nhân vật có thật trong lịch sử, như Trạng Quỳnh (danh sĩ nổi tiếng hay chữ, đã gắn với nhiều giai thoại dân gian trào phúng, trong đó có tình yêu với Đoàn Thị Điểm), Phạm Viên, Đỗ Uông, Nguyễn Trật, Nguyễn Đăng Đạo… tác giả đã gắn họ với những chuyện lạ thường: đàm đạo thơ văn với thần tiên, được thần tiên giúp thi đỗ, nói chuyện với ma…
Nhưng cho dù có sự kết hợp, cho dù bản chất của truyền kì vốn dĩ gắn liền với chữ “kì”, thì sự phát triển đặc biệt của truyện truyền kì giai đoạn thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX đã kéo yếu tố “thực” lên vị trí trung tâm hơn, với một vai trò quan trọng hơn, trở thành một đặc điểm đặc biệt và khác biệt của truyền kì giai đoạn này so với truyền kì dân tộc các giai đoạn trước và sau này cũng như truyền kì thế giới.