Những con người, sự vật xung quanh

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 59 - 62)

Nhà văn chân chính thời kì nào cũng giống nhau, đều mang trong mình dòng máu nghĩa hiệp và nguồn cảm hứng sục sôi về “những điều trông thấy”, vì vậy họ không thể bỏ qua những sự việc diễn ra xung quanh mình.

Các nhà văn truyền kì đã bỏ công ghi chép những truyện kì lạ trong dân gian mà họ tận mắt chứng kiến hoặc được nghe kể từ những nguồn đáng tin cậy. Đó là những câu chuyện về những nhân vật hiếu hạnh tiết nghĩa, nhân vật có sức khỏe hơn người, về loài vật, thầy tướng số… - những con người, sự vật, sự việc có thực trong cuộc sống, gần gũi xung quanh chúng ta hàng ngày, mà vẫn có nhiều đặc điểm phi thường, kì lạ.

Trong Công dư tiệp kí, Vũ Phương Đề ghi chép hai câu chuyện về những nhân vật có thật của lịch sử, nhưng điều kì lạ ở họ chính là sức khỏe và sức ăn hơn người. Đó là câu chuyện về ông Tiến sĩ ăn khỏe Lê Như Hổ, người xã Tiên Chân, huyện Tiên Lữ, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu (1541), làm quan triều Mạc đến chức Thượng thư, hàm Thiếu bảo, tước Tuấn quận công, về trí sĩ. Ông được miêu tả với sức khỏe phi thường, trong nháy mắt có thể phát cỏ mấy mẫu ruộng, có thể ăn một bữa cơm dành cho ba mươi người, có thể ăn một mâm cỗ cao mười tám tầng mà người Trung Quốc muốn dùng để

thử ông. Hay câu chuyện về Thượng thư Lương Hữu Khánh dòng dõi danh gia,

ăn rất khỏe, mỗi bữa ăn gấp mấy người thường, có lần ông ứng khẩu ngay một bài thơ Đường rồi ăn ngay một lúc hết cả sáu bảy chục phẩm trên thuyền khiến mọi người kinh ngạc; Rồi lại có lần một mình ông với một con dao lớn phát một chốc năm mẫu ruộng sạch quang, ngủ một giấc ngáy vang như sấm, ăn liền một lúc hết cả gánh cơm mười người ăn.

Trong xã hội trung cổ (và vẫn còn tồn tại đến ngày này ở những vùng lạc hậu), những nhân vật bà đồng, bà cốt, thầy mo, thầy cúng, thầy tướng số… rất được chúng dân tín nhiệm. Trong Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh ghi lại hai câu chuyện về loại nhân vật này. Bà đồng thể hiện rất rõ quan điểm của tác giả: “Đàn ông đàn bà ít hiểu biết phần nhiều mê hoặc quỉ thần, bà đồng thầy cúng theo đó mà lừa dối thêm. Các cách xem đường công danh, thăm hồn người chết… hầu hết đều sai lầm, không hợp lẽ… Người có chút hiểu biết không ai nói đến. Riêng có chuyện này là lạ…”. Các tác giả trung đại rất coi trọng học thuật, coi trọng phép phong thủy, nhưng có vẻ xem thường việc bói toán, đoán mặt, xem tướng. Họ cho rằng: “Đoán số, xem tướng mặt là loại thấp nhất trong phương thuật, phần lớn họ dựa theo ý người xem mà nói nịnh để lấy tiền bạc đồ vật của những kẻ dại ngốc mà thôi, ngày sau sự việc đúng hay không đúng ai còn tìm thấy tướng mà hỏi lại. Tuy vậy trong bọn họ cũng có người giỏi” (Thầy xem tướng). Nhưng sự việc chung nào cũng có cái riêng khác biệt của nó. Chúng ta để ý câu cuối của mỗi đoạn trên sẽ thấy sự lung lay trong quan điểm của các tác giả trước một vấn đề họ chưa thể lí giải được, đó là sự đoán đúng, đoán trúng không thể chối cãi của bà đồng, thầy tướng về việc thi cử, người đỗ đạt, người nên danh, mà tác giả là người trực tiếp chứng kiến hoặc người đó có quan hệ mật thiết với tác giả. Sự xuất hiện của loại nhân vật bà đồng, thầy tướng hay hiện diện của việc xem tướng trên những trang viết vốn đầy giáo lí đạo Nho thể hiện sự phát triển tất yếu và sự in bóng của đời sống xã hội trong tác phẩm văn học. Chung qui, việc xem bói, đoán tướng là sự việc bình thường và khá phổ biến

trong xã hội, dù bản thân tác giả có tin hoặc có muốn nó tồn tại hay không thì nó vẫn là một phần không thể thiếu của “thế sự”. Với vai trò của người cầm bút, đặc biệt là vai trò của người ghi chép lại lịch sử, viết về những người thật, việc thật thì các tác giả đương nhiên không thể bỏ qua bất kì sự việc gì trong cuộc sống, dù đó là việc họ “đáng nghi” nhất, thì họ càng cần phải ghi chép lại một cách trung thực nhất để con cháu đời sau nghiên cứu và có khả năng lí giải.

Đề tài về những con vật cũng rất được các tác giả quan tâm, có nhiều chuyện mà loài vật chứ không phải con người xuất hiện với vai trò nhân vật chính, truyền tải tư tưởng, tình cảm của tác giả. Hình ảnh loài vật hiện lên cũng rất sinh động và đáng yêu, có những con vật quen thuộc như hổ, khỉ, rắn, cá… đến những con vật chỉ có trong truyền thuyết, thần thoại, trong tưởng tượng của người dân như con giao long, con giải… Tính cách của những con vật cũng phân loại rất rõ ràng: Từ những con vật ác như một bầy giao long chuyên hại người (Bố già lặn xuống vực tìm con gáiCông dư tiệp kí); đàn khỉ bắt và cưỡng bức cô gái làm vợ, sinh con với khỉ chúa (Chuyện khỉ), một bầy giải quấy phá và bắt người qua sông (Con giảiLan Trì kiến văn lục); đến câu chuyện về những con vật có lòng nhân như bà giao long báo trước họa lụt và nơi tránh nạn cho con người (Giao long ngủ nhờ - Công dư tiệp kí), con cá lớn cứu người bị nạn trên biển (Cá thầnLan Trì kiến văn lục)… Đặc biệt, mảng đề tài về con hổ - vị chúa tể rừng xanh vốn bị coi là loài dã thú, là “ông ba mươi” ghê gớm hay được dùng để dọa trẻ con, xuất hiện khá nhiều với nội dung mới mẻ và nhân hậu: đều là những con hổ tốt, không làm hại người, biết trả ơn người, thậm chí còn hành hiệp trượng nghĩa và cứu nhân độ thế: Ông Hổ, Chuột đậy mặt, biết điềm lành dữ (Công dư tiệp kí), Hai truyện hổ có nghĩa, Con hổ nghĩa hiệp, Hổ có lòng nhân (Lan Trì kiến văn lục). Có cả những truyện con vật còn lên tiếng răn dạy cho con người (Con chó nhà nghèo có nghĩaTân truyền kì lục). Rồi trong những chuyện 3 kiếp của con người, cũng có những kiếp con

người phải sống trong lốt vật: gà, lợn (Nhớ được ba kiếpLan Trì kiến văn lục), con nghé (Biết chuyện kiếp trướcThoái thực kí văn). Cho nên, sự thân quen, gần gũi và mối quan hệ giữa những con người, loài vật xung quanh đã được kiến tạo từ trong văn chương ngày xưa.

Con người của cuộc đời thực đã bước được một chân vào thế giới văn chương, vốn trước chỉ thuộc về những cái Ta chung lớn lao cao cả, những điều vĩ mô, những sự kiện quan trọng của đất nước, hay cùng lắm là sự xuất hiện của con người trong cái lốt của những bậc thánh nhân quân tử. Giờ đây đã có nhiều tác phẩm viết về những con người và những sự việc diễn ra xung quanh, cùng thời với tác giả.

Trước thế kỉ XVIII, cảm hứng chủ đạo của văn học là khẳng định nền độc lập, khẳng định nhà nước phong kiến, còn thế kỉ XVIII – XIX chủ nghĩa nhân đạo nổi bật với cảm hứng ca ngợi con người cá nhân trần thế, đó là những con người danh tiếng có thật trong lịch sử, là những con người của cuộc sống bình thường quanh tác giả, và thậm chí là những nhân vật quan niệm phong kiến xưa coi là thuộc tầng lớp dưới, đó chính là những nhân vật bình phàm.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 59 - 62)