Nghiêng về khảo cứu

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 51 - 55)

Ở giai đoạn trước, tiêu biểu là trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, đạo lí Nho giáo về quan hệ vua tôi, thầy trò, vợ chồng, cha con, bè bạn… được đề cập khá nhiều và rõ nét, thậm chí tác giả luôn đi sâu mô tả diễn biến tâm lí của nhân vật trong những mối quan hệ này (Người con gái Nam Xương,

Chuyện nghiệp oan của Đào thị…). Bởi ai cũng biết, một đặc trưng cơ bản của Nho giáo là sự nhìn nhận con người trong các mối quan hệ luân thường. Với Nho giáo, không có con người cá nhân tồn tại như một cá thể độc lập mà tồn tại trong những quan hệ luân thường đã được định sẵn: vua – tôi, cha – con, anh – em,

chồng – vợ… Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã viết: “Con người theo cách

hình dung của Nho giáo, kể cả trong xã hội lí tưởng của họ, sống theo trật tự đẳng cấp. Cái định giá con người là tước vị. Cuộc sống cộng đồng, xã hội hay nhà nước cũng giống như ở gia đình, mỗi người hoặc là cha, con, là anh em, hoặc là vợ, chồng, hoặc là vua tôi, tức là có một chức năng luân thường”.

Nhưng đọc hết các tập truyện truyền kì Việt Nam giai đoạn thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, ta sẽ có cảm tưởng như đang nghiên cứu những cuốn khảo cứu ấn tượng, những cuốn sách văn mang đậm tính học thuật, ghi chép sự thật một cách khách quan, bởi nội dung chủ yếu là chuyện về các kì thi ở Việt Nam trước đây; chuyện tìm đất đặt mộ, làm nhà; hay kiểu chuyện mô tả sơ lược về những danh nhân lịch sử, những vị quan… Cũng ít gặp những truyện thuần túy về ma quái như trong bộ sách truyền kì kinh điển Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh.

Rất nhiều tác phẩm bàn luận về mạch đất, hình sông, thế núi. Bởi quan niệm “Các nhân vật đều là tinh anh của non sông đúc lại” (Phạm Đình Hổ - trung tùy bút) với một niềm tự hào “Địa thế nước ta, toàn thể cũng giống nước Trung Quốc, chỉ có nhỏ hơn thôi”. Chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được số phận mình, sự giàu sang, công danh phú quí của mình nếu bố trí được chỗ ở, thậm chí cả mồ mả tổ tiên ở nơi thích hợp, tích hợp được khí thiêng, khí lành của trời đất. Chôn xương bụng ngựa Nghề mọn nên quan trong Công dư tiệp kí

là hai truyện chứng minh được cho lí thuyết ấy. Con người có thể làm chủ được vận mệnh của mình, mang lại công danh phú quí không chỉ cho mình mà cho cả con cháu muôn đời sau nếu biết dùng đến “âm phần dương trạch”. Cả Đinh Tiên

Hoàng và chàng Trâu Canh đều nên nghiệp từ sau khi chọn đúng mạch đất để mồ mả tổ tiên (Đinh Bộ Lĩnh đặt gói xương bố vào đúng cái huyệt ở thế đất hình con ngựa dưới đầm nước) hoặc bố trí chỗ ở cho mình (chàng Trâu Canh nhà nghèo dựng gian nhà tranh dưới hòn Cóc Tía): “Từ đó, Đinh trăm trận trăm thắng, được gọi là Vạn thắng vương. Chàng dẹp được mười hai sứ quân, thống nhất dư đồ, làm Đinh Tiên Hoàng”, Trâu Canh chữa được cây thần, chữa được bệnh cho nhà vua, “được ban thưởng không biết bao nhiêu, lại được vua sủng ái hơn hết mọi người”. Nhưng sự nghiệp của họ cũng tan tành do phạm phải một lỗi lầm nhỏ trong khi dùng phép “âm phần dương trạch” ấy: Đinh Tiên Hoàng “chỉ mới ở ngôi mười hai năm thì bị nội nhân là Đỗ Thích ám sát, cả con là Đinh Liễn cũng bị giết. Vì bị người khách dùng kế đánh lừa, đặt gươm vào đầu ngựa cho nên mang vạ”, còn Trâu Canh từ khi được ân sủng thì “quên bẵng lời dặn của khách, không dời nhà đi nơi khác nên bị mang vạ” con bị giết, gia đình bị đuổi khỏi cung, của cải bị tịch thu, lại trở về nghèo hèn như xưa. Thế mới biết, sức mạnh của hình sông thế núi lớn đến dường nào. Không chỉ thời xưa, mà cho đến ngày nay và có lẽ mãi về sau này nữa, việc tìm đất để đặt mồ mả, chọn hướng nhà để ở sẽ mãi là mối quan tâm đặc biệt của loài người.

Thi cử là môtip được khai thác nhiều trong văn học thời kì này với cả thi văn và thi võ, cả những mặt tiêu cực và tích cực của nó, đã được hư cấu, giai thoại nhiều hơn.

Không phải chỉ trong thời hiện đại mới có, mà tình trạng thi hộ, tráo quyển đã trở thành một vấn nạn trong xã hội thời xưa, đến mức rất nhiều nho sinh có tài mà chịu hai tiếng “khiếm điểm” (hoặc “khiếm diện”, nghĩa là vắng mặt trong kì thi, vì thi hộ người khác nên không thi được cho mình) đã không được tiếp tục thi ở kì sau. Mãi đến khi Chiêu tổ Trịnh Căn (ở ngôi chúa 1682-1709) xóa bỏ lệnh ấy, triều đình mới không bỏ sót bao hiền tài mà gặp hoàn cảnh khó khăn,

phải chấp nhận “khiếm điểm”. Thượng thư Vũ Công Đạo (Thủ khoa mặt đẹp

Công dư tiệp kí – Vũ Phương Đề) chính là một người dính vào cái nghiệp ấy. Trong Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh có tới năm truyện chủ yếu viết về việc thi cử. Điều đặc biệt là trong những truyện của ông, những ngôi vị đầu bảng đều do thiên triều (nhà trời) đã quyết định từ trước: Mới đầu xuân, chưa tới kì thi Hội mà cổng trời đã treo bảng đề tên người đỗ, Bà đồng đọc được đúng y như kết quả của kì thi sau đó; Quan Thượng họ Đỗ thời còn trẻ đã được con ma cây đa báo cho mức đỗ và tuổi tác, con ma đó cũng vì tiết lộ cơ trời mà bị trị tội. Những vị tân quan ấy đều phải nhờ tới sự trợ giúp của lực lượng siêu nhiên: Vương Dụng Tân thi đỗ nhờ được người bạn cũ báo mộng cho đề (Điềm báo trước); Chàng Cử nhân trẻ tuổi trong Tháp báo ân làm bài văn có nhiều sai sót, nhưng được sự trợ giúp của hồn người đã chết nên đạt được danh vị. Bài phú “Thiên hạ đại đồng” của Thủ khoa Lê Tân không sai một chữ nào so với bài văn hai vị thần miếu đã dự thảo trước trong Giấc mộng lạ.

Những truyện ấy phản ánh tế nhị những vấn đề tiêu cực lố lăng trong khoa cử thời xưa, như quan trường không công minh, thí sinh gian dối…, nên có tác dụng về mặt nghiên cứu lịch sử hơn là đóng vai trò của một tác phẩm văn chương.

Ngay trong cả những tác phẩm được coi là giàu tính chất văn chương và trữ tình nhất cũng có thể thấy nhiều truyện tác giả đã thiên về sự khảo cứu nhiều lĩnh vực học thuật và đời sống. Trong nhiều tác phẩm, đang miêu tả cảnh vật hoặc ghi chép một sự việc nào đó, tác giả lại quay sang “khảo cứu” lai lịch của cảnh vật ấy, có thể là một địa danh, cũng có thể đơn thuần chỉ là một địa điểm mà tác giả đã có nhã hứng tìm hiểu về nó, như lai lịch một ngôi chùa, lịch sử một vùng đất, sự tích một nhân vật nào đó, hoặc hồi tưởng về quá khứ, hoặc liên hệ với hiện tại mà cảm thán về sự hưng vong biến diệt, nhân tình thế thái. Do vậy,

các câu chuyện thường đầy ngẫu hứng và mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Lối viết này đôi khi làm cho mạch văn bị đứt đoạn, khiến truyện mang dáng vẻ của một thể loại “đứng giữa nghị luận có tính chất nghiên cứu và truyện ngắn”, song điều đó cũng mang lại cho tác phẩm những đặc sắc riêng: vừa có tính xác thực lịch sử khoa học, vừa giàu chất văn chương trữ tình. Đằng sau những câu chuyện được các nhà văn ghi lại là cả một sự tích lũy sâu rộng về học vấn và những kiến thức phong phú về thực tiễn, chất trí tuệ vì thế trở thành điểm sáng thẩm mĩ của truyền kì giai đoạn này.

Tính chất khảo cứu nặng hơn hẳn cảm hứng sáng tạo, nhiều truyện truyền thuyết dã sử, nội dung chủ yếu về phong tục tập quán, bình luận văn chương đạo đức, thể chế, khoa cử và việc tìm đất đặt mộ, làm nhà là những vấn đề vĩ mô mà các tác giả thời kì này quan tâm.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 51 - 55)