Đồng thời với sự xuất hiện đậm nét của lí tưởng Nho gia và tâm trạng hoài Lê là tư tưởng giải thoát của Lão Trang và các môtip thể hiện thầm kín ước vọng
giải thoát cũng xuất hiện rất nhiều, kiến giải cho những băn khoăn day dứt, những dằn vặt của giới văn sĩ trước những biến động trùng trùng của đất nước. Tích xưa Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm, hớn hở như bướm vậy, tự thấy thích quá đến nỗi không còn biết Chu là ai nữa, khi tỉnh dậy chỉ thấy có Chu. Không biết Chu chiêm bao hóa bướm hay bướm hóa Chu nữa? Nhưng mộng hay không mộng, người biến thành hoa bướm hay hoa bướm hóa hình người, điều ấy tùy vào suy nghĩ của mỗi cá nhân. Như thế, cũng có nghĩa rằng, việc thành hay không thành của một đời người có quan trọng lắm không là tùy vào quan niệm mỗi người, mỗi kiểu giác ngộ khác nhau.
Sắc màu hư ảo do môtip “giấc mơ” tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc đi vào những chuyện tình lãng mạn, đồng thời cũng luôn gửi gắm một triết lí nhân sinh.
Văn học Trung Hoa đồ sộ vốn ngập tràn điển cố về giấc mộng Nam Kha
(giấc hòa, chỉ công danh phú quí là hư ảo, đời người ngắn ngủi như giấc mộng),
giấc mơ hồ điệp (Trang Chu mơ thấy mình hóa bướm), giấc mộng hoàng lương
(tức giấc mộng chưa chín nồi kê vàng, chỉ việc tốt đẹp trôi qua nhanh như giấc ngủ mê), giấc mai (mộng được uống rượu với người đẹp), giấc mộng Cao Đường (hay đỉnh Giáp, non Thần, Vu Sơn, Vu Giáp… đều để chỉ giấc mộng thấy thần nữ, tiên nữ hoặc chỉ cuộc mây mưa của trai gái)… Thậm chí, kể những câu chuyện diễn ra trong mộng cũng là thủ pháp thường dùng của nhà viết kịch nổi tiếng đời Minh là Thang Hiển Tổ (1550-1616). Ông có bốn vở kịch nổi tiếng:
Mẫu đơn đình (còn gọi là Hoàn hồn kí), Hàm đan kí, Nam kha kí, Tử thoa kí
(gọi chung là Lâm Xuyên tứ mộng) đều bắt đầu viết từ giấc mộng, trong đó
Mẫu đơn đình với những tình tiết li kì về cô gái Đỗ Lệ Nương vì theo đuổi tình yêu và hạnh phúc với anh học trò Liễu Mộng Mai mà chết đi sống lại được người đời yêu thích nhất, chính bản thân tác giả cũng tự nói: “Một đời có bốn giấc mộng, đắc ý nhất là giấc mộng Mẫu đơn”. Tác giả đem câu chuyện chết rồi
sống lại, một chuyện không thể xảy ra trên thực tế thông qua trí tưởng tượng lãng mạn bay bổng, lại được thực hiện trong giấc mộng và trong cõi u minh siêu thực, gây nên một hiệu quả nghệ thuật đặc biệt [15, 103].
Lịch sử văn học Việt Nam cũng đã có khá nhiều tác phẩm ghi chép từ các giấc mộng, như Hoa quốc kì duyên (Duyên lạ nước Hoa: Chu sinh nhà nghèo, nằm mộng thấy mình lạc vào nước Hoa, và kết duyên cùng công chúa); hay một số truyện trong Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) trong hai mươi truyện thì có ba truyện nhân vật chính nằm mơ và giấc mơ là nguyên cớ chủ yếu tạo ra câu chuyện 7. Rồi sau này. Gần gũi nhất có lẽ phải kể đến tác giả thuộc cùng thời kì này, Nguyễn Huy Hổ chỉ với một thiên Mai Đình mộng kí và một Bích Châu du tiên mạn kí mà các nhà nghiên cứu còn đang “ngờ là của Nguyễn Huy Hổ”. đã vận dụng các ý tưởng về giấc mơ và “tìm đến tư tưởng Lão – Trang như một biện pháp tinh thần hữu hiệu”, làm nơi ẩn lánh và giải tỏa những băn khoăn thời cuộc của mình.
Trong truyền kì giai đoạn này, rất nhiều chuyện được kể lại sau khi tác giả hoặc nhân vật tỉnh giấc mơ (theo thống kê của chúng tôi là 15 lần/86 truyện). Trong mỗi giấc mơ, có người được gặp người thân đã chết của mình, có người được gặp thánh thần trò chuyện, có người được cảnh báo về tương lai… Nói chung, mộng mơ là cái cớ rất thích hợp để người ta tha hồ hư cấu, tưởng tượng và truyền đạt suy nghĩ của mình: “Giấc mơ là biểu tượng của cuộc phiêu lưu cá thể, được cất sâu trong tâm khảm, đến nỗi nó vượt ra khỏi vòng cương tỏa của người sáng tạo ra nó. Giấc mơ hiện ra với chúng ta như là biểu hiện bí mật và trơ trẽn nhất của chính chúng ta” [8, 164-170]. Người nguyên thủy rất khó xử với các giấc mơ, những hiện tượng kì quái ngày thường nhìn không thấy, thậm chí không thể tưởng tượng ra, nhưng khi nằm mơ thì lại nhìn thấy; rõ ràng là
7 Đó là các truyện Câu chuyện ở đền Hạng Vương, Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên Tào, Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa.
người đã chết nhưng khi nằm mơ lại thấy họ hiện về. Người nguyên thủy cho rằng đó là do các linh hồn sống nhờ vào cơ thể đang hoạt động. Họ không biết giải thích hiện tượng giấc mơ một cách khoa học, lại càng không thể giải thích các hiện tượng tự nhiên. Họ quen dùng quan điểm thần linh để giải thích tất cả, cho rằng non nước, cỏ cây, mặt trăng, mặt trời, gió mưa, sấm chớp đều có linh hồn, toàn thế giới đều có linh hồn [15, 317].
Bên cạnh quan niệm chính thống (Nho giáo), các nhà văn thời kì này tìm đến những bình diện nghệ thuật mới giàu cảm xúc hơn, đề cao chữ “tình” hơn chữ “chí”. Có hiện tượng nhiều nhà thơ thế kỉ XVIII – XIX tâm đắc với câu nói của Vương Nhung đời Tấn chép trong sách Thể thuyết tân ngữ: “Thanh nhân vong tình, tối hạ bất cập tình, tình chi sở chung chính tại ngã bối” (Bậc thánh quên tình, kẻ hạ ngu không đạt đến tình, nơi chung đúc của tình chính là bọn chúng ta). Theo PGS.TS. Trần Nho Thìn, đời Tấn cũng là thời kì xuất hiện chủ trương thi duyên tình nổi tiếng của Lục Cơ, chủ trương thoát ra khỏi quan niệm
thi ngôn chí của Nho gia [47, 76]. Nhưng chủ trương đề cao “tình” còn có một ý nghĩa văn học sử khác. “Thánh nhân vong tình”, theo Phùng Hữu Lan, là câu nói diễn đạt tư tưởng của Trang Tử. Bậc thánh nhân do nhận thức được “lí” (tức quy luật tất yếu) nên không để cho tình cảm ủy mị chi phối. Cái gì xảy ra mà có tính quy luật là không thể tránh khỏi (ví dụ như cái chết) thì không nên đau buồn, dằn vặt, bởi vì thực ra có khi đó lại là một sự giải thoát.
Ngoài môtip giấc mơ xuất hiện nhiều nhất (15 lần/86 truyện), sự giải thoát còn được thể hiện qua rất nhiều môtip dân gian khác 8
. Với quan niệm tạo thêm cái kì cho nhân vật ngay từ khi chưa ra đời, các tác giả đã xây dựng những môtip
Thụ thai kì lạ, trong đó phần lớn những bà mẹ có mang trong những hoàn cảnh thật đặc biệt, ví dụ như: “Mẹ ông nằm mơ thấy Phật giáng hạ, bèn thụ thai rồi sinh ra ông” – Sư chăn trâu linh thông; hay truyền thuyết về người cha rái cá
của Đinh Bộ Lĩnh: “Một hôm bà đang tắm, bỗng một con rái cá lớn nhoài đến ôm lấy bà rồi hãm hiếp. Bà trở về liền thụ thai, đến ngày tháng sinh ra chàng” –
Chôn xương bụng ngựa… Các nhân vật truyền kì nhiều khi cũng do thần tiên
trên trời đầu thai, giáng hạ, giải thoát kiếp nạn này bằng cách đầu thai vào kiếp khác, nên ngày “mãn nguyệt khai hoa” của các bà mẹ cũng kì lạ. Môtip sự ra đời kì lạ đánh dấu sự xuất hiện của nhân vật truyền kì: Cái đêm phu nhân Thái Công sinh hạ con gái “có hương lạ thơm nức ở trong nhà, điềm lành soi vào cửa sổ”
bởi đó chính là Đệ nhị Tiên chủ Quỳnh Nương giáng sinh – Truyện nữ thần ở
Vân Cát; hay họ Nguyễn được Thượng đế phái xuống trần để làm đế vương cai trị thiên hạ: “Lúc mới sinh ra có ánh sáng đỏ đầy nhà. Người nhà ngỡ là cháy, đến khi định thần nhìn kĩ, thì chẳng thấy gì nữa” – Nguyễn Giám sinh làm vua đất Bắc; trong loại môtip này cũng có trường hợp đặc biệt: “Nghe dưới mộ có tiếng trẻ khóc mới đào lên thì thấy một đứa bé trai, rốn còn chưa rụng, nằm sấp trên bụng mẹ, quằn quại khóc” – Sinh đẻ kì lạ…). Sự giải thoát còn thể hiện khá rõ ràng trong những cái chết kì lạ (hóa đá, hóa cây, thành thần…) của các nhân vật chính: Ba nhân vật nữ chính trong Truyền kì tân phả của Đoàn Thị Điểm đều có cái chết anh hùng, họ đều hóa thành thần thánh linh thiêng, cứu giúp dân lành và diệt trừ những người có tội; đây là biểu tượng cho những sự giải thoát cao cả và hữu ích nhất: “Chùa dựng xong, ông làm một cái khám gỗ rồi ngồi vào trong… Các tăng ni tuân theo lời dặn, đợi đến ngoài trăm ngày mới dám mở ra xem, thì chẳng thấy gì cả, chỉ thấy mùi thơm ngào ngạt, bay khắp xa gần” – Sư chăn trâu linh thông; “Dù trôi nổi mấy nghìn dặm, nhan sắc vẫn như người sống, dù trong sóng to dập dồi, mấy người vẫn không rời nhau ra” – Thần cửa Cần Hải… Trong hệ thống các môtip thì môtip diệt yêu quái cũng được nhiều tác giả truyền kì quan tâm: “Lặn suốt một hơi thì hết nước lên cạn, thấy một cái hang hình thế rộng rãi, bên trong có vô số giao long. Con nào cũng thoát ra khỏi vỏ mà nằm, hệt như người đang ngủ. Ông vung gươm giết sạch” – Bố già lặn
xuống vực tìm con gái; “Chừng nửa đêm nghe lòng sông sôi sùng sục… Mờ sáng hôm sau, ba con giải đều chết, con trước con sau kế tiếp nhau nổi trên mặt sông” – Con giải…).
Sử dụng các môtip dân gian là một cách đi trên con đường sáng tạo của truyền kì truyền thống, cách thức này cũng được các tác giả kì ảo hiện đại lưu tâm và tiếp nối: “Phần lớn những cốt truyện đều xuất phát từ những truyền thuyết và truyện kể dân gian, trong đó yếu tố thần kì là một đặc trưng quan trọng… Thần hổ và Ai hát giữa rừng khuya của Tchya là những câu chuyện khá li kì, hấp dẫn, có nguồn gốc từ các truyện ma hổ, ma rắn, ma xó, ma cụt đầu, kết hợp với những truyền thuyết về Quan ôn bắt lính, chuột tha lá phủ mặt;
Ngậm ngải tìm trầm xuất phát từ Cây ngải trăm ngày (Bách nhật ngải); Vàng và máu, Một đêm trăng, Con châu chấu tre, Ma xuống thang gác thu gom trong chúng những chuyện thần giữ của, khách để của, châu chấu ma, ma thắt cổ, ma nhà hoang…”.
Tư tưởng có thể được thể hiện ở nhiều hình thức đề tài khác nhau. Cho nên nghiên cứu tư tưởng phải gắn với nghiên cứu đề tài, việc khái quát hóa các đề tài sẽ giúp ta thấy được tư tưởng văn học có ý nghĩa rộng lớn hơn.