Quan niệm về chữ “trinh”

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 71 - 73)

Các câu chuyện về thánh nhân xưa thường né tránh vấn đề sắc dục, và coi việc chống lại được sức cám dỗ của sắc dục là một biểu hiện cao nhất của thánh nhân quân tử, vì vậy con người được xây dựng thường không giống những con người phàm trần với những phẩm chất rất đời thường, đó là những con người luôn luôn phải gồng mình, gượng ép mình trong một khuôn khổ, phải chống lại bản năng tự nhiên của mình. Thậm chí, trong Truyền kì mạn lục, ở cuối một số truyện, lời bình của Nguyễn Dữ mang nặng tính chất giáo huấn, phê phán lối sống buông thả theo bản năng, như buông thả trong tình ái hoan lạc, không gắn kết với mục đích hôn nhân.

Các tác giả xưa tránh né vấn đề sắc dục theo bản năng, kiên quyết bảo vệ “chữ trinh đáng giá nghìn vàng” của người phụ nữ. Vì thế, trong tác phẩm của họ, đa số những người phụ nữ dùng nhan sắc để nói chuyện với thiên hạ thì đều phải núp trong hình bóng của những yêu ma, chứ người phụ nữ bình thường trong xã hội không thể làm việc ấy, nghĩa là để tình cảm lộ liễu hoặc có sự đụng chạm xác thịt với đàn ông không phải là chồng mình. Nếu tác giả để cho họ gặp phải hoàn cảnh bị cưỡng bức thì cũng phải tạo cho họ sự xấu hổ đến mức tự tử hoặc bị dằn vặt đến chết.

Vậy mà trong những tập truyền kì giai đoạn này ta bắt gặp những câu chuyện thật mạnh mẽ, bạo gan. Trong Nhận ra mẹ đẻ - Công dư tiệp kí, Vũ Phương Đề đã xây dựng một hoàn cảnh lí tưởng (đêm mưa to gió lớn, trời lạnh, lại chỉ có manh chiếu đắp chung) để người đàn bà góa và người đàn ông lỡ độ đường không chiến thắng được “sắc dục”. Mẹ của Trạng nguyên Giáp Hải ăn nằm với một người qua đường ngẫu nhiên mà sinh ra ông, thực ra đó là một trong muôn vàn câu chuyện đời có thực. Nhưng thời bấy giờ, đó là một điều cấm kị, chính sự xuất hiện của yếu tố cấm kị này làm cho những câu chuyện vốn

ngắn ngủi, nghèo nàn chi tiết thêm phần sinh động. Trong Tháp báo ânLan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh cũng để cho hai nhân vật lí tưởng của ông (nho sinh và thiếu nữ) giao hoan ngay khi vừa gặp nhau.

Nhưng không giống như các yêu nữ trong truyền kì xưa, các nhân vật nữ này không tìm vui trong thú ái ân, họ coi trọng chữ trinh, biết giữ gìn trinh tiết của mình, nhưng đồng thời họ cũng coi trọng những giờ phút hiến dâng tất cả ấy. Bởi với họ đó là những giây phút hạnh phúc nhất, có khi còn là duy nhất trong cuộc đời: người đàn ông trong Nhận ra mẹ đẻ bị hàn thấp ngộ phòng qua đời ngay sau đó, còn cô gái trong Tháp báo ân cũng sầu muộn mà chết.

Các tác giả truyền kì cũng đã mạnh tay nhiều lần để danh dự và trinh tiết của người phụ nữ bị xâm hại. Mẹ của Đinh Tiên Hoàng bị rái cá bức có thai sinh ra ông (Chôn xương bụng ngựaCông dư tiệp kí – Vũ Phương Đề). Người phụ nữ bị rắn, khỉ cưỡng bức và sinh con với chúng (Con lai rắn, Chuyện khỉ -

Lan Trì kiến văn lục – Vũ Trinh). Sự trong sạch của những người phụ nữ không chỉ do loài vật làm vấy bẩn, mà thậm chí cả đến pho tượng Phật cũng có

hành động bức hại tương tự (được phản ánh trong Tượng Già lam ở ngôi chùa

ngoài đồngTang thương ngẫu lục – Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án). Có thể

nói, các tác giả đã có cái nhìn khá thẳng thắn và mạnh bạo trong chuyện này, họ vừa ca ngợi vẻ đẹp và sức hấp dẫn của người phụ nữ, vừa phơi bày hiện tượng gặp rất nhiều trong cuộc sống mà lại là địa hạt tế nhị khiến văn chương truyền thống phải tránh xa, đồng thời bày tỏ sự thông cảm, niềm thương yêu đối với những người phụ nữ.

Đặc biệt, hình ảnh những cô đào xuất hiện trong Cô đào họ Nguyễn

Con giải (Lan Trì kiến văn lục – Vũ Trinh) thể hiện quan điểm tiến bộ và cách mạng sâu sắc của nhà văn – nhà nho truyền thống trong cách nhìn con người và cuộc đời. Hạng người vẫn bị thiên hạ khinh bỉ, cho là làm cái nghề đánh mất tiết

sạch giá trong của người phụ nữ, cũng có quyền được hạnh phúc, có gia đình và người chồng hết lòng yêu thương, có quyền được trả thù khi bị bức hại (Con giải). Thậm chí, Vũ Trinh còn thẳng thắn ca ngợi cô đào họ Nguyễn – một cô gái dưới đáy xã hội: “Đó là người đàn bà có tâm hào khí, khó tìm thấy trong giới quần thoa”. Đưa vào văn chương hình ảnh một cô đào hát đầy nghĩa khí, trọng học vấn và thanh sạch – những tính cách tưởng chỉ thấy ở những người đàn bà thân phận cao sang – tác giả đã thành công trong việc thanh minh cho những người con gái bị xã hội đưa đẩy ấy.

Bấy nhiêu chi tiết thôi cũng đủ để khẳng định các tác giả thời kì này vừa thoáng vừa tiến bộ hơn trong quan niệm về ái tình nhục dục và về khái niệm trinh tiết của người phụ nữ. Quan tâm đến thân phận con người với những cái nhìn đầy rộng mở và tiến bộ như thế, lẽ dĩ nhiên các nhà văn truyền kì không thể bỏ qua việc phản ánh kĩ lưỡng số phận con người, đặc biệt là những con người bất hạnh.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 71 - 73)