7. Bố cục của luận văn
1.1.1.7. Sự nhìn nhận về vai trò của các TCPCP
Kinh phí hoạt động của các TCPCP phần lớn được tạo ra từ nhiều nguồn đóng góp nhỏ lẻ vì vậy giá trị viện trợ của TCPCP cho các đối tác thụ hưởng không lớn so với các nguồn viện trợ khác và những chương trình, dự án tài trợ thường nhỏ, thời gian không dài. Tuy nhiên, lợi thế của các TCPCP là biên chế gọn nhẹ, ít mắc phải bệnh hành chính giấy tờ nên có khả năng đáp ứng nhanh, kịp thời các yêu cầu giúp đỡ. Nếu như những tổ chức lớn và các cơ quan chính phủ đều phải mất nhiều thời gian mới có thể thay đổi được những quyết định lớn trong khi đó các TCPCP có thể thay đổi nhanh và đáp ứng được những yêu cầu mới trong tình hình mới nhờ sự linh hoạt về cơ cấu tổ chức nhỏ cùng phương pháp làm việc đa dạng, theo đuổi nhiều cách tiếp cận trong các lĩnh vực khác nhau.
Bằng hoạt động thực tiễn của mình, các TCPCP đã có ảnh hưởng ngày càng lớn đến những vấn đề nóng bỏng của thời đại và trở thành một lực lượng được các tổ chức quốc tế và các chính phủ quan tâm.
Nguyên tổng thống Mỹ Reagan ngay từ năm 1981 đã nhận định có thể chuyển giao nhiều việc của chính phủ cho khu vực tự nguyện. Nguyên thủ tướng Anh Thatcher thì gọi họ là “trái tim của toàn bộ cung ứng về phúc lợi xã hội”. Nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan gọi các TCPCP là “lương tri của nhân loại”. [103, tr 34 - 35]
Không chỉ tham gia làm từ thiện, một số TCPCP còn nâng cao tầm hoạt động của mình bằng việc tác động vào những vấn đề có ý nghĩa cao cả hơn như vận động chính phủ nước mình giảm hoặc xoá nợ cho các nước nghèo, kêu gọi chính phủ phải thực hiện cam kết dành một phần trong Tổng thu nhập quốc dân (GNP) cho viện trợ chính thức, chống những chính sách của chính phủ gây bất lợi cho người nghèo như chống mua ép nguyên liệu, đấu tranh vì công bằng thương mại, yêu cầu mở thị trường cho hàng hoá các nước kém phát triển. Một vài TCPCP bị phê phán
là có những hoạt động chính trị hoá sự nghiệp nhân đạo như lên án Khơme đỏ gây ra hoạ diệt chủng ở Campuchia, hỗ trợ cho các dự án của chính phủ macxít ở Nicaragoa, giúp đỡ nhân dân Cuba vượt qua những khó khăn khi bị bao vây, cấm vận... nhưng trên thực tế những hoạt động đó đều đấu tranh cho lợi ích của người nghèo [103, tr 23-24]
Ngược lại, cũng có một bộ phận không nhỏ TCPCP phụ thuộc vào ngân sách chính phủ nước họ và đã có nhiều hành động tiếp tay cho chủ nghĩa đế quốc thực dân, đi ngược lại những tôn chỉ, mục đích tốt đẹp mà họ đã nêu.
Năm 1972, Hội nghị Xtốckhôm về môi trường đã diễn ra và được coi là một cột mốc xác định vai trò của các TCPCP. Tại Hội nghị này, nhiều vấn đề quan trọng có ý nghĩa sống còn của nhân loại đã được đưa ra bàn bạc. Kể từ đó, các TCPCP thường tổ chức những diễn đàn riêng của mình để bổ sung cho Hội nghị chính thức của các chính phủ và trong nhiều trường hợp đại diện TCPCP còn được tham dự cùng với đại diện chính phủ trong các Hội nghị quốc tế chính thức.
Năm 1979, thành viên của một số TCPCP có uy tín đã được mời tham dự Hội nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Năm 1986, đại diện một số TCPCP được mời tham dự một phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bàn về giúp đỡ các nước Nam Xahara... Tiếng nói của các TCPCP cũng ngày càng được chú ý ở các nước phát triển. Năm 1985, 20.000 đại diện của hầu hết các TCPCP ở Anh đã tham gia biểu dương lực lượng trước cung điện Westminter để đòi Chính phủ thay đổi chính sách đối với các nước đang phát triển trên bốn lĩnh vực: viện trợ lương thực, mậu dịch, viện trợ phát triển và giảm nợ... Liên minh của bốn TCPCP Hà Lan (gồm CEBEMO, ICCO, NOVIB, HIVOS) hàng tháng đều họp với Tổng cục Hợp tác và Phát triển của chính phủ để góp ý về chính sách viện trợ của Hà Lan cho các nước kém phát triển nhất và các nhóm dân cư chịu thiệt thòi nhất. Hai tổ chức của Bỉ (CNCD và NCO) với sự hỗ trợ của các thị trưởng và các vị lãnh đạo tôn giáo đã vận động được 77 nhà bác học được giải thưởng Nôben đưa lời kêu gọi chấm dứt nạn đói của thế giới ra trước
đã vận động Chính phủ thông qua điểm bổ sung một đạo luật theo đó các ngân hàng không được tài trợ cho các dự án có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường. Đạo luật yêu cầu các dự án phát triển phải đi kèm thẩm định hậu quả sinh thái, công bố cho nước vay tiền biết trước 120 ngày trước khi ngân hàng bỏ phiếu thông qua khoản cho vay. Trên thực tế, ở Mỹ, các tổ chức không vụ lợi được đánh giá có vai trò không thua kém bất kỳ loại hình tổ chức nào khác trong xã hội Mỹ.
Các TCPCP cũng có tác động mạnh mẽ tới các định chế tài chính quốc tế. Từ năm 1981, một Uỷ ban chung của các TCPCP và Ngân hàng thế giới được thành lập để thảo luận những vấn đề về chính sách như giảm nghèo, động viên nhân dân tham gia các chương trình phát triển, điều chỉnh cơ cấu và giải quyết vấn đề môi trường. Cho đến năm 1990, 20% các dự án của Ngân hàng thế giới có sự tham dự với mức độ khác nhau của các TCPCP. Các TCPCP còn lập ra Nhóm Giám sát Ngân hàng (Bank Watch) để theo dõi hoạt động của Ngân hàng thế giới và các định chế tài chính quốc tế, lập ra tổ chức “50 năm là quá đủ” để yêu cầu các ngân hàng và Quỹ tiền tệ quốc tế giúp đỡ các nước đang phát triển xoá bỏ nghèo đói, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Một số TCPCP quốc tế đã đăng ký quy chế tham vấn với Hội đồng kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc (viết tắt là ECOSOC). Ngày nay, hầu như bất cứ lúc nào có hội nghị quan trọng của các định chế tài chính quốc tế, các ngân hàng phát triển đa phương thì đều có các diễn đàn song hành của các TCPCP. Chính phủ các nước phát triển cũng ngày càng tín nhiệm TCPCP hoạt động trong lĩnh vực viện trợ bằng việc trích một phần trong ODA viện trợ cho các nước thuộc thế giới thứ ba thông qua các TCPCP.
Ngân hàng thế giới thừa nhận vai trò của các TCPCP đã tác động tới các chính sách của mình: “Các cuộc thảo luận giữa các TCPCP và Ngân hàng thế giới về các vấn đề chính sách, đặc biệt là vấn đề nghèo khổ và môi trường đã góp phần vào sự phát triển các chính sách của Ngân hàng thế giới trong chương trình điều chỉnh cơ cấu” [103, tr 36]
Qua hoạt động của mình, các TCPCP đã gián tiếp nâng cao vai trò của Liên Hợp Quốc trong các vấn đề kinh tế - xã hội và đưa Uỷ ban kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc (ECOSOC) lên thành một cơ quan chính của mình.
Ngày nay, quyền của các TCPCP được xác định và đảm bảo trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc, đồng thời được khẳng định bởi nhiều quyết định và nghị quyết khác. Vai trò của các TCPCP được nâng cao trong cộng đồng các nước tài trợ và trên trường quốc tế. Các TCPCP được coi là những tác nhân thúc đẩy sự phát triển bền vững, khắc phục nghèo khổ và được tham gia xây dựng chính sách, xây dựng quan hệ thương mại bình đẳng giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển. Cơ chế tham vấn, lấy ý kiến của các TCPCP đã được hình thành tại các diễn đàn quốc tế về những vấn đề toàn cầu, những vấn đề xã hội và thương mại. Cơ chế này tỏ ra có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc hoạch định nên các chính sách và chương trình phát triển. Thực tế này thể hiện vai trò và vị trí ngày càng quan trọng của các TCPCP trong quan hệ quốc tế. Các TCPCP trong tương lai được đặt nhiều hy vọng là sẽ có vai trò xúc tác cho những hoạt động mang tính chất toàn cầu để giải quyết hai vấn đề lớn nhất đang tồn tại là đói nghèo và môi trường.
Các TCPCP hoạt động như chiếc cầu nối trong việc thông tin cho các cơ quan chức năng của chính phủ và quốc tế những gì mà họ thấy được khi làm việc tại địa phương. Họ phản đối những chương trình hoặc hoạt động có hại cho người nghèo. Họ thông báo tình hình và những ước muốn của người nghèo cho chính phủ và các tổ chức lớn. Họ chính là tiếng nói của người nghèo trên thế giới.