Để tăng cường thực thi pháp luật trong hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch phải đảm bảo những nội dung: phải có một hệ thống các văn bản pháp luật đồng bộ, thống nhất, trong đó những quy định pháp luật về lữ hành, hướng dẫn du lịch là một bộ phận không thể tách rời; phải xây dựng bộ máy cơ quan nhà nước với đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, đủ về số lượng đảm bảo việc thi hành pháp luật nghiêm minh; và các đối tượng thực hiện pháp luật là tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch có hiểu biết về pháp luật, chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động, kinh doanh.
Như vậy, để hoàn thiện pháp luật về lữ hành, hướng dẫn du lịch phải dựa trên cơ sở:
Thứ nhất, việc hoàn thiện pháp luật về lữ hành, hướng dẫn du lịch cần phải đặt trong giải pháp tổng thể hoàn thiện pháp luật về du lịch nói riêng và pháp luật nói chung.
Thứ hai, đảm bảo những quy định pháp luật về lữ hành, hướng dẫn du lịch ở Việt Nam phải phù hợp với những cam kết quốc tế.
Đảng cộng sản Việt Nam đã nhận định “toàn cầu hóa kinh tế là xu thế khách quan, lôi cuốn các nước, bao trùm hầu hết các lĩnh vực, vừa thúc đẩy hợp tác vừa tăng sức ép cạnh tranh và tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế” [3, tr.157]. Nền kinh tế thị trường Việt Nam được xây dựng và phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một xu thế tất yếu và rộng khắp toàn cầu, trong những năm qua chúng ta đã mở rộng quan hệ
kinh tế với nhiều nước trên thế giới, với các tổ chức quốc tế. Năm 1995 Việt Nam gia nhập hiệp hội ASEAN, ký Hiệp định khung về hợp tác với cộng đồng Châu Âu (EU), tham gia vào Chương trình hợp tác Á - Âu (ASEM); năm 1998 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 21 của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC); năm 2000 ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ; năm 2007 Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO...Như vậy, Việt Nam đã có quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, điều này đặt ra yêu cầu trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật nói chung hay hoàn thiện pháp luật về du lịch nói riêng phải tôn trọng các cam kết quốc tế, chuyển hóa những cam kết quốc tế này vào nội dung các văn bản pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch. Việc hoàn thiện pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch phải góp phần thiết thực vào việc đẩy mạnh quá trình phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững.
Cụ thể như đối với những cam kết WTO, Việt Nam cam kết về Các dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch: Không hạn chế, ngoại trừ: Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ dưới hình thức liên doanh với các đối tác Việt Nam mà không hạn chế phần góp vốn nước ngoài. Trong nội dung về đối xử quốc gia: Không hạn chế, ngoại trừ hướng dẫn viên du lịch trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải là công dân Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam và lữ hành nội địa đối với khách vào du lịch Việt Nam như là một phần các dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam. Có nghĩa là, về mục tiêu các quốc gia loại bỏ những hạn chế, những rào cản đối với những hoạt động của pháp nhân và thể nhân nước ngoài trên lãnh thổ nước mình và giành cho nhau quy chế đối xử quốc gia. Các quốc gia không có sự phân biệt đối xử trong hoạt động
dịch vụ, theo đó mỗi thành viên phải dành cho dịch vụ của thành viên khác sự đối xử ưu đãi tương tự như ưu đãi dành cho dịch vụ của mọi thành viên khác. Không có quốc gia nào được hưởng các lợi thế thương mại dịch vụ đặc biệt so với các quốc gia khác. Như vậy, sau khi gia nhập WTO thì khi hoàn thiện pháp luật phải thừa nhận các nguyên tắc kinh doanh trên thương trường quốc tế cũng như các nghĩa vụ do WTO đặt ra, mở cửa thị trường cho các nước đối tác trong WTO.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về lữ hành, hướng dẫn du lịch phải đảm bảo tính thống nhất và minh bạch.
Về lý luận, pháp luật về du lịch là một chỉnh thể thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch thể hiện những ý nghĩa pháp lý quan trọng, là điều kiện đảm bảo đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế cũng như giữa các hình thức sở hữu khác nhau giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành và sự thống nhất trong vận dụng những quy định pháp luật về hướng dẫn du lịch. Tính thống nhất của pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận thức và áp dụng pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh lữ hành và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, tạo tâm lý tin tưởng, yên tâm của các doanh nghiệp vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, trên cơ sở đó có thể phát huy tối đa nguồn lực cho du lịch phát triển. Việc đảm bảo tính thống nhất của pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch còn góp phần hình thành đồng bộ pháp luật về du lịch trong hệ thống pháp luật Việt Nam, giúp tăng cường hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường khả năng kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch.
Về tính minh bạch, có thể khẳng định tính minh bạch là yêu cầu hết sức quan trọng đối với toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung cũng như pháp luật
về du lịch. Tính minh bạch của pháp luật là tính rõ ràng, thông suốt, đúng đắn. Pháp luật phải rõ ràng ở nội dung và nó phải được công khai trong cả quá trình và về trình tự ban hành pháp luật. Minh bạch hóa pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch là sự đòi hỏi pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch phải nhất quán trong những quy định pháp luật về du lịch, nhất quán với những quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác có liên quan đến lữ hành và hướng dẫn du lịch. Pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch phải được công khai, dễ truy cập cho người dân trong quá trình hoạt động kinh doanh lữ hành và các hoạt động hướng dẫn du lịch. Minh bạch đòi hỏi ngay trong quá trình xây dựng pháp luật phải tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội để tham gia góp ý kiến và pháp luật phải được công bố công khai định kỳ và kịp thời theo một trình tự nhất định để công chúng có thể biết và thực hiện.
Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về lữ hành, hướng dẫn du lịch phải phù hợp với đặc điểm văn hóa kinh doanh của người Việt Nam. Truyền thống văn hóa ăn sâu trở thành đặc điểm văn hóa kinh doanh riêng của người Việt Nam, và nó cũng trở thành bản sắc, phong cách của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Văn hóa kinh doanh và pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Sự chi phối của truyền thống văn hóa đến phương thức tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành là cơ sở thực tiễn để khẳng định yếu tố truyền thống và văn hóa có tác động tới pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch. Điều này xác định việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch cần dựa trên những chuẩn mực về văn hóa của người Việt Nam. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nội dung của pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch phải được hoàn thiện với mục đích quan trọng như: loại hình doanh nghiệp lữ hành phải đa dạng, nhiều thành phần, phạm vi hoạt động kinh doanh đa dạng; những quy định về hướng dẫn chặt chẽ nhưng phù hợp với từng giai đoạn, đảm bảo đáp ứng được nhu
cầu phát triển tương ứng của hoạt động lữ hành; pháp luật đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch; đảm bảo tỉnh ổn định của các quy định. Pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch phải hướng đến mục đích giải phóng mọi tiềm năng cho phát triển du lịch, tuân theo quy luật khách quan của thị trường và phù hợp với truyền thống văn hóa, với bản chất con người và xã hội Việt Nam. Mặt khác, định hướng khi xây dựng và áp dụng pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch cần phải tính đến vấn đề trình độ nhận thức, thái độ của các cá nhân đối với công việc kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch.
3.3. Đề xuất