Quy định pháp luật về hướng dẫn du lịch

Một phần của tài liệu Pháp luật và thực thi pháp luật trong họat động lữ hành, hướng dẫn du lịch ở Việt Nam hiện nay (Trang 42)

Luật Du lịch 2005 có riêng Chương VII quy định về hướng dẫn du lịch với 6 Điều gồm những quy định về Hướng dẫn viên du lịch và thẻ hướng dẫn viên du lịch; về điều kiện hành nghề hướng dẫn viên và tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên; về việc cấp thẻ, đổi, cấp lại, thu hồi thẻ; về quyền và nghĩa

vụ của hướng dẫn viên và những quy định về Thuyết minh viên. Cụ thể, theo quy định: Người thực hiện hoạt động hướng dẫn du lịch được quy định trong Luật gồm có hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa và thuyết minh viên, trong đó hướng dẫn viên du lịch quốc tế được hướng dẫn cho khách quốc tế và khách nội địa; hướng dẫn viên nội địa chỉ được hướng dẫn cho khách nội địa là người Việt Nam. Về điều kiện để cấp thẻ hướng dẫn viên: hướng dẫn viên phải là người Việt Nam; có trình độ chuyên ngành hướng dẫn du lịch (trung cấp đối với hướng dẫn viên nội địa và cử nhân đối với hướng dẫn viên quốc tế); nếu tốt nghiệp chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp. Về thuyết minh viên, đây là nội dung lần đầu tiên được Luật quy định. Khác với hướng dẫn viên, thuyết minh viên là người chỉ thực hiện hoạt động hướng dẫn tại chỗ, thuyết minh cho khách du lịch về nơi đến du lịch mà không đi theo chương trình du lịch. Để có thể làm thuyết minh viên cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn nhất định về kiến thức và kỹ năng giao tiếp với khách du lịch. Đây là quy định mới làm đông đảo thêm đội ngũ hướng dẫn viên để phục vụ lượng khách du lịch đang ngày càng tăng cao ở Việt Nam. Liên quan đến vấn đề hướng dẫn viên, Luật Du lịch còn quy định thẻ hướng dẫn viên có thời hạn ba năm (khác với Pháp lệnh Du lịch không quy định thời hạn). Hết thời hạn, hướng dẫn viên muốn được cấp thẻ mới phải tham dự một lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ dành cho hướng dẫn viên. Quy định này nhằm đòi hỏi hướng dẫn viên phải thường xuyên trau dồi, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ hướng dẫn.

Với những quy định pháp luật hiện nay, tiêu chuẩn về điều kiện trình độ của hướng dẫn viên du lịch ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là đòi hỏi về kiến thức chuyên ngành hướng dẫn du lịch.

Đối với hướng dẫn viên du lịch nội địa, nếu đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch trở lên nhưng không thuộc chuyên ngành hướng dẫn du lịch thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa một tháng. Nếu tốt nghiệp trung học, cao đẳng du lịch nhưng không phải chuyên ngành hướng dẫn du lịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc khối kinh tế, khoa học xã hội phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa hai tháng. Nếu tốt nghiệp trung học, cao đẳng chuyên ngành khác hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc khối khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa ba tháng.

Đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế, nếu tốt nghiệp đại học ngành du lịch trở lên nhưng không thuộc chuyên ngành hướng dẫn du lịch thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa một tháng. Nếu tốt nghiệp đại học trở lên thuộc khối kinh tế, khoa học xã hội phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa hai tháng. nếu tốt nghiệp đại học trở lên thuộc khối khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khóa ba tháng. Tuy nhiên, các chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch chỉ có giá trị trong hai năm kể từ ngày cấp để người có chứng chỉ được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Về điều kiện trình độ ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế, Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL quy định phải đạt chứng chỉ tiếng Anh TOEFL 500 điểm hoặc IELT 5.5 điểm hoặc TOEIC 650 điểm trở lên hoặc chứng chỉ tương đương đối với các ngoại ngữ khác, đồng thời phải có chứng nhận đã qua kỳ kiểm tra trình độ ngoại ngữ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp. Về cơ sở đào tạo có thẩm quyền quy định ở đây là những cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học có giấy phép đào tạo và đã đăng ký với Tổng cục Du lịch về việc tổ chức kiểm tra trình độ ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên du

lịch quốc tế. Tuy nhiên, đối với một số thị trường có tính chất đặc thù, ngoại ngữ hiếm thì thông tư của Bộ vẫn để một hướng mở, hướng dẫn riêng.

Quy định về việc bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch để tiến hành đổi thẻ khi hết hạn, chương trình và nội dung bồi dưỡng do Tổng cục Du lịch xây dựng, việc tổ chức lớp do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ sở đào tạo đã đăng ký với Tổng cục Du lịch tổ chức và cấp giấy chứng nhận cho hướng dẫn viên. Tuy nhiên, giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cũng chỉ có giá trị trong một năm để hướng dẫn viên làm thủ tục đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Một trong những quy định mới về hướng dẫn viên du lịch là việc Tổng cục Du lịch thống nhất quản lý mã số thẻ của hướng dẫn viên du lịch trong toàn quốc. Theo quy định, mỗi hướng dẫn viên sẽ được cấp một mã số thẻ và mã số này không thay đổi trong trường hợp đổi hoặc cấp lại thẻ. Mã số thẻ của hướng dẫn viên du lịch gồm 9 chữ số trong đó số đầu tiên phân biệt giữa hướng dẫn viên quốc tế (số 1) với hướng dẫn viên nội địa (số 2), hai số tiếp theo là mã số tỉnh, còn lại 6 số là thứ tự của thẻ hướng dẫn viên.

Thuyết minh viên là người chỉ được phép thuyết minh tại chỗ trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan cấp Giấy chứng nhận thuyết minh viên cho những người đáp ứng các điều kiện như: phải là người có quốc tịch Việt Nam, thường trú ở địa phương hoặc làm việc tại khu du lịch, điểm du lịch; có đủ năng lực hành vi dân sự, có sức khỏe, đã tham dự lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch.

Một phần của tài liệu Pháp luật và thực thi pháp luật trong họat động lữ hành, hướng dẫn du lịch ở Việt Nam hiện nay (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)