Một vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài, đó là phạm vi hoạt động. Theo quy định của Điều 51 Luật Du lịch, doanh nghiệp KDLH có vốn đầu tư nước ngoài “có các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế quy định tại các điều 39,40 và 50 của Luật này”. Cụ thể, theo Điều 50 Luật Du lịch về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế thì doanh nghiệp có quyền kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam và cả kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài. Luật lại quy định quyền đó phải “phù hợp với phạm vi kinh doanh lữ hành quốc tế ghi trong giấy phép đầu tư”, đồng thời theo khoản 2 Điều 16 NĐ 92/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định cho “cơ quan nhà nước về du lịch ở Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại và các cơ quan liên quan quy định cụ thể về doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài”, từ đó tại điểm b khoản 6 Mục I Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giới hạn chỉ cho phép “Doanh nghiệp KDLH có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ đưa khách quốc tế vào Việt Nam du lịch”. Hiện tại, DN KDLH có vốn đầu tư nước ngoài không được phép doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài, trong khi theo quy định của Luật Du lịch và Luật đầu tư 2005 thì kinh doanh lữ hành không phải là lĩnh vực đầu tư có điều kiện để phải hạn chế phạm vi kinh doanh, nhưng việc hạn chế này lại đang phù hợp với những nội dung cam kết du lịch của Việt Nam trong WTO. Việc hạn chế này đã làm giảm đi khả năng cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài du lịch khi mà chính những doanh nghiệp liên doanh hiện nay đều có các đối tác nước ngoài là những doanh nghiệp lữ hành nước ngoài có tiềm lực, có uy tín và khả năng cung cấp dịch vụ có chất lượng, giá cả cạnh tranh. Việc bảo hộ cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế Việt
Nam có thể không thực sự phát huy hiệu quả khi mà nhiều doanh nghiệp quảng cáo bán tour đi du lịch nước ngoài nhưng trên thực tế không có khả năng tổ chức, đặt dịch vụ tại nước ngoài mà lại mua « land tour » của các doanh nghiệp nước ngoài để hưởng chênh lệch và không thực hiện các cam kết về phục vụ và cả việc quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch. Trong thực tiễn thi hành, hiện tại Tổng cục Du lịch có văn bản số 498/TCDL- LH ngày 04/8/2009 về việc hướng dẫn thủ tục cho phép các doanh nghiệp liên doanh lữ hành quốc tế đưa khách là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú, làm việc tại Việt Nam đi du lịch ra nước ngoài. Theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch, việc tiến hành thí điểm này nhằm thực hiện chủ trương kích cầu kinh tế của Chính phủ, thời gian tiến hành thí điểm từ ngày 10/8/2009 đến 31/12/2010. Tuy nhiên, việc cho phép này lại bộc lộ ra rằng trong thực tiễn các doanh nghiệp KDLH có vốn đầu tư nước ngoài lâu nay vẫn tổ chức cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài du lịch nhưng không công khai và không phản ánh vào doanh thu mà chỉ thể hiện một phần doanh thu từ việc bán vé máy bay hay «dịch vụ đặt phòng hộ cho khách». Đây thực chất là hành vi «lách luật» để hoạt động kinh doanh du lịch.