Trong hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch thì chính khách du lịch giữ vai trò quan trọng nhất, là trung tâm của hoạt động du lịch. Trong thực tiễn hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch phải thực sự quan tâm đến quyền lợi của khách. Quyền lợi của khách đã được pháp luật bảo vệ bằng những quy định cụ thể trong luật. Luật Du lịch đã quy định cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch và ngăn chặn những hành vi thu lợi bất chính từ khách du lịch. Luật Du lịch đã có những quy định đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch phải có trách nhiệm đảm bảo các trang thiết bị cần thiết cho việc bảo vệ khách du lịch, đưa ra các giải pháp cứu nạn cho khách du lịch, các biện pháp phòng tránh rủi ro.
Quy định về việc mua bảo hiểm cho khách du lịch, theo đó doanh nghiệp lữ hành phải có trách nhiệm bắt buộc phải mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài du lịch, còn đối với khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam, tuy không bắt buộc nhưng Luật khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành mua bảo hiểm cho khách và bắt buộc phải mua khi khách có yêu cầu hoặc được thỏa thuận trong hợp đồng lữ hành. Ngoài ra, để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp cho khách du lịch, Luật Du lịch có một điều quy định về việc giải quyết yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch. Trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh, theo đó tại đô thị du lịch, khu du lịch và nơi có lượng khách du lịch lớn, cơ quan tiếp nhận có vai trò như một đầu mối tổ chức tiếp nhận yêu cầu kiến nghị của khách, có thể giải quyết hoặc chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.