Quy định về ký quỹ kinh doanh lữ hành. Về việc chấp hành quy định về
điều kiện KDLH, đối với kinh doanh lữ hành nội địa, các doanh nghiệp không phải xin cấp phép và không phải nộp ký quỹ đã tạo ra sự thông thoáng cho các doanh nghiệp có điều kiện tham gia hoạt động kinh doanh lữ hành, đồng thời luật cũng quy định người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa phải có thời gian ít nhất ba năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành như là một ràng buộc nhằm nâng cao khả năng và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phục vụ khách du lịch. Việc ký quỹ đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế nhằm đảm bảo có thể sử dụng kịp thời để thanh toán, bồi thường cho khách du lịch trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng với khách du lịch hoặc có rủi ro đột xuất xảy ra với khách du lịch trong khi tổ chức chương trình du lịch. Tuy nhiên trong thực tiễn thi hành đang còn những bất cập nảy sinh từ quá trình triển khai thực hiện, việc luật có quy định nhưng không có văn bản hướng dẫn và từ những văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành nhưng không cụ thể, không thể áp dụng thi hành. Cụ thể như việc ký quỹ chỉ áp dụng với doanh nghiệp lữ hành quốc tế vì nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch quốc tế khi có rủi ro xảy ra thì không thể ở lại Việt Nam để thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự đòi bồi thường mà có thể nhận được sự bảo vệ quyền lợi ngay thẳng và hợp pháp từ quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Tuy nhiên, một thực tế xảy ra là từ khi pháp luật về du lịch
quy định về ký quỹ kinh doanh lữ hành chưa từng có trường hợp nào có quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch sử dụng tiền ký quỹ để bồi thường thiệt hại cho khách du lịch. Đồng thời cũng chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn, quy định cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch về căn cứ, thủ tục ra quyết định buộc doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho khách du lịch. Tuy nhiên, vấn đề bồi thường thiệt hại là trách nhiệm dân sự, do vậy mọi thủ tục đòi bồi thường phải tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự và chỉ có cơ quan Tòa án được quyền phán quyết. Như vậy, việc quy định ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế nhằm bảo đảm quyền lợi kịp thời cho khách du lịch trên thực tế không đáp ứng được mục đích đề ra, lý do là để nhận được bồi thường thì khách du lịch phải tuân thủ theo thủ tục tố tụng dân sự kéo dài. Trong trường hợp này thì cho dù là khách du lịch nội địa hay khách du lịch quốc tế cũng phải tuân thủ như nhau, chỉ sau khi có phán quyết của Tòa án thì khách du lịch quốc tế có thể nhận được bồi thường sớm hơn do việc trích xuất tiền từ tài khoản ký quỹ của ngân hàng sẽ nhanh chóng hơn so với việc khách du lịch nội địa lại phải đợi thủ tục thi hành án, đợi sự tự nguyện thi hành của doanh nghiệp lữ hành hoặc đợi thủ tục cưỡng chế thi hành án nếu doanh nghiệp không tự nguyện thi hành do doanh nghiệp lữ hành nội địa không có tiền ký quỹ. Về tính hiệu lực của văn bản duy nhất có đề cập đến vấn đề này là Thông tư số 03/2002/TT-NHNN ngày 05/4/2002 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý tiền ký quỹ của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhưng nội dung chỉ hướng dẫn về việc mở tài khoản, nộp tiền ký quỹ và quản lý tiền với đối tượng áp dụng là các ngân hàng thương mại. Thông tư này ban hành từ năm 2001 nhằm thực hiện Điều 4, Điều 6 Nghị định số 27/2001/NĐ-CP ngày 05/6/2001 của Chính phủ về việc kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch, là văn bản đã hết hiệu lực thi hành. Theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ về quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch có quy định “Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về tiền ký quỹ sau khi thống nhất với Bộ tài chính và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương”, nhưng cho đến nay sau 5 năm Luật Du lịch có hiệu lực thi hành vẫn chưa có hướng dẫn về tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế.
Mặt khác, có một thực trạng là một số ngân hàng thương mại cổ phần vì chạy theo thành tích về hạn mức tín dụng nên xác nhận khống cho doanh nghiệp về tiền ký quỹ, cơ quan quản lý về du lịch thì không kiểm tra được việc này, trong khi lực lượng thanh tra ngân hàng nhà nước cũng chưa bao giờ triển khai kiểm tra đối với hoạt động nghiệp vụ này của các ngân hàng thương mại. Vì vậy đã xảy ra tình trạng có doanh nghiệp trụ sở chính ở tỉnh A nhưng lại xin Giấy xác nhận tiền ký quỹ ở một chi nhánh ngân hàng thương mại ở tỉnh B.
Quy định có 3 hướng dẫn viên. Thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế, Luật Du lịch quy định doanh nghiệp phải “có ít nhất 3 hướng dẫn viên được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế” cũng nảy sinh những bất cập trong thực tế. Cụ thể, do pháp luật về lao động cho phép người sử dụng lao động và người lao động có thể ký kết hợp đồng lao động vụ việc và pháp luật về du lịch cũng không cấm các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ký kết hợp đồng cộng tác viên với hướng dẫn viên để hướng dẫn cho các đoàn khách du lịch của mình nên thực trạng hiện nay cả về phía các công ty lữ hành cũng như về phía các hướng dẫn viên du lịch đều mong muốn chỉ giao kết với nhau bằng các hợp đồng cộng tác viên để hướng dẫn từng đoàn khách cụ thể chứ không ràng buộc bằng các hợp đồng lao động dài hạn. Về phía doanh nghiệp lữ hành chỉ đảm bảo điều kiện là phải sử dụng hướng dẫn viên có thẻ và về phía Hướng dẫn viên phải đảm bảo điều kiện là có hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khi đi hướng dẫn cho khách là phù hợp với quy
định pháp luật về du lịch. Như vậy, quy định về việc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế có ít nhất ba hướng dẫn viên được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế không đảm bảo doanh nghiệp đó có chất lượng phục vụ tốt hơn. Quy định này đã và đang trở thành một điều kiện mang tính hình thức. Các doanh nghiệp khi làm hồ sơ xin cấp GPKDLHQT đều có đầy đủ Hợp đồng với ba Hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, nhưng trên thực tế khi đi vào hoạt động doanh nghiệp không sử dụng những hướng dẫn viên này mà có thể lại ký kết hợp đồng mới với hướng dẫn viên khác. Qua công tác kiểm tra của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, ngoài một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế có quy mô tổ chức lớn, có thời gian hoạt động từ trước khi Luật du lịch 2005 ban hành, có nguồn khách ổn định thì chấp hành tốt quy định này, còn lại hầu hết các doanh nghiệp được cấp GPKDLHQT từ năm 2005 trở lại đây đều vi phạm. Cụ thể, trong năm 2008- 2009 kiểm tra tại 28 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được cấp phép từ năm 2005 trở lại đây thì 82 Hướng dẫn viên có tên trong hồ sơ xin cấp GPKDLHQT của các doanh nghiệp không còn lao động tại doanh nghiệp, nhiều hướng dẫn viên không hề nhận lương, không lao động một ngày nào tại doanh nghiệp. Chỉ có 2 người còn lao động tại doanh nghiệp là hai trường hợp tham gia vào việc thành lập và quản lý doanh nghiệp đó. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù đã đưa ra chính sách đãi ngộ để thu hút hướng dẫn viên về làm việc lâu dài tại đơn vị nhưng vẫn không có người do hầu hết các hướng dẫn viên đều không muốn ràng buộc mà chỉ chấp nhận ký hợp đồng nguyên tắc về việc làm cộng tác viên, khi có khách thì ký hợp đồng hướng dẫn đoàn.