Nhìn chung, từ khi Luật Du lịch được ban hành và có hiệu lực thi hành cho đến nay đã góp phần lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh lữ hành, hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, hoạt động hướng dẫn du lịch và nâng cao vai trò của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch.
Đối với lĩnh vực quản lý hoạt động lữ hành, công tác thẩm định, cấp, đổi Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo đúng quy trình thủ tục hành chính. Tính đến hết tháng 6/2010, cả nước đã có 840 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 66 doanh nghiệp nhà nước, 257 doanh nghiệp cổ phần, 12 doanh nghiệp liên doanh, 501 công ty TNHH, 4 doanh nghiệp tư nhân. Việc quy định về đại lý lữ hành cũng góp phần tạo ra sự ổn định trong hoạt động lữ hành, tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của các đại lý. Những quy định chi tiết về thủ tục thành lập cùng với việc phân cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép hoạt động của văn
phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch nước ngoài khi vào Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu thị trường. Đối với hoạt động hướng dẫn cũng đã dần đi vào ổn định, việc chấp hành quy định về tiêu chuẩn cấp thẻ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, việc đổi thẻ cho hướng dẫn viên được thực hiện tạo điều kiện cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch yên tâm công tác, tạm thời loại trừ được hiện tượng sử dụng thẻ giả đi hoạt động hướng dẫn.
Tuy nhiên bên cạnh đó, từ những bất cập nêu trên có thể thấy quá trình thực thi pháp luật trong hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Từ việc thực hiện pháp luật của các cơ quan quản lý như: việc quản lý các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa chưa được các địa phương quản lý chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế chưa được thường xuyên nên còn có hiện tượng người nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt Nam hoặc không có Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn tổ chức kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch cũng chưa nghiêm túc trong quá trình thực hiện pháp luật, một số chưa nắm vững những quy định pháp luật, còn lại là cố tình vi phạm hoặc lợi dụng những kẽ hở pháp luật để lách luật.
TIỂU KẾT
Có thể thấy, việc còn tồn tại những bất cập, còn xảy ra những vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch đều xuất phát từ hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do lỗi hệ thống, đó có thể là do việc chậm ban hành các văn bản pháp luật, chậm trễ trong tổ chức triển khai thực hiện của các cơ quan chức năng, do sự phối kết hợp thiếu đồng bộ giữa cơ quan nhà nước với nhau,
giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, và cũng có thể là do hạn chế của bản thân các cơ quan quản lý nhà nước, thiếu cơ sở vật chất trang thiết bị, thiếu cán bộ công chức hay năng lực của cán bộ công chức còn yếu, thiếu kiến thức không theo kịp với sự phát triển năng động của nền kinh tế, tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch cố tình vi phạm...Nguyên nhân thứ hai đó là còn tồn tại những bất cập trong chính những quy định pháp luật so với thực tiễn, đó có thể là do những quy định pháp luật còn còn hạn chế, chưa thật sự thông thoáng tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển hay còn thiếu những quy định pháp luật so với những vấn đề nảy sinh mới trong thực tiễn. Việc tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, bất cập là cơ sở để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục. Nhưng cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì cũng đòi hỏi phải có những giải pháp khắc phục kịp thời nhằm bổ sung những quy định pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được ban hành và thực sự đi vào cuộc sống, thực sự phát huy vai trò là công cụ của quản lý nhà nước.
Chương 3.