Quy định pháp luật về lữ hành

Một phần của tài liệu Pháp luật và thực thi pháp luật trong họat động lữ hành, hướng dẫn du lịch ở Việt Nam hiện nay (Trang 39)

Luật Du lịch đã hoàn thiện hơn các quy định về kinh doanh lữ hành theo hướng chuyên nghiệp hóa. Luật quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động kinh doanh du lịch nói chung, trong đó có kinh doanh lữ hành. Theo đó, với vai trò là một ngành dịch vụ mà sản phẩm hàng hóa có tính đặc thù thì những quy định của Luật nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành đối với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch. Cụ thể tại Điều 4, Điều 5 Luật Du lịch đã quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch phải thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, chất lượng, giá cả các dịch vụ, hàng hóa cung cấp cho khách du lịch; phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với khách du lịch và bồi thường thiệt hại cho khách du lịch trong trường hợp gây thiệt hại do lỗi của mình; đồng thời doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải có trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch và phải thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền về tai nạn hoặc nguy hiểm rủi ro xảy ra đối với khách. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế còn chịu sự ràng buộc chỉ được sử dụng người có thẻ hướng dẫn viên quốc tế để hướng dẫn khách du lịch là người nước ngoài; phải thông báo cho cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh khi có sự thay đổi người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành; theo dõi, thống kê số lượng khách du lịch mà doanh nghiệp phục vụ (khoản 2 Điều 13 NĐ 92/2007/NĐ-CP)

Về điều kiện kinh doanh, đối với kinh doanh lữ hành nội địa đã bỏ điều kiện về nghĩa vụ ký quỹ song Luật Du lịch lại có quy định điều kiện về người

quản lý (người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa phải có thời gian ít nhất ba năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành); đối với kinh doanh lữ hành quốc tế, so với quy định cũ cũng bổ sung thêm điều kiện về cán bộ quản lý (người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế phải có thời gian ít nhất bốn năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành). Ngoài việc tách biệt lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa, Luật Du lịch phân chia kinh doanh lữ hành quốc tế thành hai loại hình riêng là kinh doanh lữ hành quốc tế đưa khách vào Việt Nam và kinh doanh lữ hành quốc tế đưa khách từ Việt Nam đi du lịch nước ngoài, vì đây là hai loại hình kinh doanh đòi hỏi có sự quản lý khác nhau. Trong giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế có ghi cụ thể phạm vi kinh doanh là: kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam, kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài và bao gồm cả hai loại trên. Doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế được kinh doanh lữ hành nội địa song doanh nghiệp lữ hành nội địa không được phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

Về bảo hiểm du lịch, điểm b khoản 2 Điều 50 Luật Du lịch đã có quy định bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian thực hiện chương trình du lịch. Ngoài ra, đối với khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam và khách du lịch nội địa được pháp luật khuyến khích mua bảo hiểm du lịch (Điều 14 NĐ 92/2007/NĐ-CP).

Quy định về doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài, luật chỉ quy định một hình thức liên doanh trong đó đối tác liên doanh Việt Nam phải là một doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, đồng thời không hạn chế phần vốn góp của đối tác nước ngoài vào liên doanh. Như vậy, không thể có doanh nghiệp kinh doanh lữ hành 100% vốn nước

ngoài hoạt động tại Việt Nam, nhưng có thể có doanh nghiệp liên doanh có đến 99,9% vốn đầu tư nước ngoài.

Một trong những quy định mới của Luật Du lịch so với những quy định trước kia là việc bắt buộc phải có hợp đồng lữ hành được giao kết bằng văn bản giữa doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với khách du lịch thỏa thuận về việc thực hiện chương trình du lịch. Trong hợp đồng lữ hành, ngoài những nội dung bắt buộc phải có theo quy định của pháp luật dân sự thì phải có những nội dung mô tả về số lượng, chất lượng, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ, những điều khoản loại trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng, những điều kiện và trách nhiệm tài chính và bảo hiểm cho khách du lịch. Với những quy định này, hợp đồng lữ hành là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch và là cơ sở để giải quyết những tranh chấp nếu có.

Luật Du lịch đã có những quy định về một loại hình hoạt động du lịch đang phát triển trên thực tế là đại lý lữ hành. Theo quy định của Luật, đại lý lữ hành là tổ chức, cá nhân nhận bán các chương trình du lịch của các doanh nghiệp lữ hành cho khách du lịch để hưởng hoa hồng, song không được tổ chức thực hiện chương trình du lịch. Điều kiện kinh doanh đại lý lữ hành là phải có đăng ký kinh doanh và có hợp đồng đại lý với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Luật cũng có quy định cụ thể về hợp đồng đại lý lữ hành, trách nhiệm của bên giao đại lý và bên nhận đại lý. Ở đây cần phải xác định, đại lý lữ hành không có chức năng kinh doanh lữ hành, tuy nhiên ngược lại, một doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế có thể là một đại lý lữ hành cho một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế khác.

Một loại hình hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch được quy định chi tiết trong NĐ hướng dẫn Luật và Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du

lịch nước ngoài tại Việt Nam. Về việc cấp phép thành lập đã được phân cấp, theo đó cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương cấp Giấy phép thành lập chi nhánh và cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam. NĐ 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2009 của Chính phủ đã dành riêng Chương V quy định chi tiết về giấy phép, thủ tục cấp phép, quyền và nghĩa vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện và việc thu hồi giấy phép thành lập của chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Về ngành nghề được phép kinh doanh, chi nhánh được kinh doanh các ngành nghề lưu trú du lịch, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh phát triển khu du lịch, điểm du lịch và các dịch vụ du lịch khác.

Hiện nay, hoạt động du lịch và LHQT của Việt Nam được chi phối bởi hàng loạt các văn bản Luật và dưới Luật. Nhìn chung, nhiều văn bản mới ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng phát triển. Luật Doanh nghiệp đã dần tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp LHQT nói riêng. Luật đầu tư đã đưa ra những quy định tạo cơ hội thuận lợi hơn cho sự hình thành liên doanh LHQT giữa các đối tác nước ngoài và trong nước. Hạn chế về mức và tỷ lệ vốn góp không còn bị ràng buộc mà trên sự thỏa thuận giữa các bên liên doanh, theo lộ trình cam kết với WTO và ASEAN. Tuy nhiên, nhiều văn bản pháp quy vẫn chưa quy định rõ ràng, đầy đủ, chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ, gây khó khăn cho việc triển khai hoạt động lữ hành.

Một phần của tài liệu Pháp luật và thực thi pháp luật trong họat động lữ hành, hướng dẫn du lịch ở Việt Nam hiện nay (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)