xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch
Đồng thời với việc ban hành một nghị định quy định chi tiết luật thì Chính phủ cũng ban hành một nghị định quy định những hành vi bị coi là vi phạm luật và những chế tài xử lý hành chính nhằm đảm bảo cho pháp luật được thực thi và xác định thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình quản lý hoạt động du lịch.
Sau Nghị định 92/2007/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, Chính phủ đã ban hành Nghị định 149/2007/NĐ-CP ngày 09/10/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Nghị định gồm 5 Chương, 36 Điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Nội dung của Nghị định, Chương 1 là những quy định chung, các Chương 3, 4, 5 quy định về thẩm quyền, thủ tục xử phạt, khiếu nại, tố cáo, vi phạm, khen thưởng và điều khoản thi hành thì nội dung trọng tâm là Chương 2 quy định về những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, hình thức và mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm. Cụ thể Chương 2 gồm Mục 1 quy định về vi phạm hành chính trong kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch và vận chuyển khách du lịch, Mục 2 quy định về vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, Mục 3 quy định về vi phạm hành chính trong xúc tiến du lịch và Mục 4 quy định về những vi phạm hành chính trong hoạt động du lịch khác.
Trong lĩnh vực du lịch, Nghị định 149/2007/NĐ-CP là một trong những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong thời gian qua đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, đặc biệt là việc quản lý các hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch. Việc áp dụng Nghị định 149/2007/NĐ-CP đã góp phần tăng cường pháp chế trong lĩnh vực du lịch, giúp cho các hoạt động kinh doanh du lịch và hoạt động hướng dẫn diễn ra đúng pháp luật.