Luật Du lịch 2005 quy định về hướng dẫn du lịch đã có nhiều điểm mới so với Pháp Lệnh du lịch 1999, đó là những quy định về thẻ hướng dẫn viên bao gồm cả thẻ hướng dẫn viên quốc tế và hướng dẫn viên nội địa, điều kiện về trình độ, kiến thức để được cấp thẻ. Đặc biệt là những quy định chi tiết về tiêu chuẩn trình độ để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch. Việc quy định hạn chế những cơ sở đào tạo được phép đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, quy định tiêu chuẩn ngoại ngữ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, tránh hiện tượng đào tạo, cấp chứng chỉ tràn lan như trong thời gian vừa qua. Những quy định pháp luật về hướng dẫn du lịch nếu được áp dụng triệt để sẽ góp phần tạo ra một đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, có chất lượng, góp phần không nhỏ vào việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, một hạn chế là việc quá chậm ban hành những văn bản dưới luật đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động hướng dẫn du lịch, nhất là đối với việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.
Kể từ năm 2005, sau khi Luật Du lịch ban hành đến tháng 5/2010 các cơ quan quản lý về du lịch mới chính thức triển khai việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch mới theo quy định của Luật. Như vậy, phải sau 5 năm mới triển khai được một việc mà ở đó những quy định của Luật đã rất rõ ràng, chi tiết. Lý do của việc quá chậm trễ này là phải đợi quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc thu phí, lệ phí cấp thẻ (Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 có hướng dẫn về chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, cấp giấy chứng nhận thuyết
minh viên).
Ngoài việc chậm ban hành các văn bản pháp luật thì trong những quy định pháp luật về hướng dẫn du lịch cũng có những hạn chế, bất cập gây ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật về hướng dẫn du lịch.