TRONG HOẠT ĐỘNG LỮ HÀNH, HƯỚNG DẪN DU LỊCH
3.1. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về pháp luật và thực thi pháp luật pháp luật
Nhà nước pháp quyền XHCN đã trở thành một khái niệm chính trị – pháp lý chính thức trong xã hội ta và chủ trương của Đảng và Nhà nước là sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền.
Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có bước đổi mới quan trọng và chuyển biến đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Công tác thi hành pháp luật được quan tâm và chú trọng hơn; công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được triển khai khá đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật được tiến hành thường xuyên, tập trung vào những lĩnh vực bức xúc của cuộc sống, qua đó đã khắc phục được nhiều sơ hở, khiếm khuyết của các văn bản pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Luật Du lịch được ban hành cũng nằm trong quá trình hoàn thiện hệ
thống pháp luật nhằm tạo lập một khung pháp lý cơ bản phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Sự hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật về kinh tế nói chung và pháp luật về du lịch nói riêng là quá trình gắn liền với việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện rõ mục tiêu và quyết tâm về phát triển thị trường dịch vụ, theo đó “...Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường, tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường...Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư phù hợp với các cam kết song phương, đa phương của nước ta và theo thông lệ quốc tế; tạo bước phát triển mới, nhanh và toàn diện thị trường dịch vụ...” [2, tr 241].
Như vậy, việc hoàn thiện pháp luật về du lịch trong đó có những quy định pháp luật về lữ hành, hướng dẫn du lịch phải phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch trên cơ sở những điều kiện đặc thù của nền kinh tế thị trường Việt Nam. Tức là một mặt nhằm khắc phục kịp thời những bất cập của hệ thống những văn bản pháp luật về du lịch đang gây cản trở cho quá trình phát triển của hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch, mặt khác phải hướng tới việc tạo dựng hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, mạnh của hoạt động du lịch.
Quan điểm của Đảng về phát triển du lịch đã được khẳng định rõ: “Phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, phấn đấu sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực. Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, hình thành các khu du lịch trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các nước” [1, tr 178]. Việc hoàn thiện pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch phải phù hợp với quan điểm
về phát triển du lịch của Đảng. Mặt khác, kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch là ngành dịch vụ, quá trình hoạt động vận hành trong một nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp lữ hành hình thành và phát triển cũng phải bắt nguồn từ những đòi hỏi khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Như vậy, việc hoàn thiện pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch phải nhằm đạt đến tạo ra những điều kiện tốt, thông thoáng cho việc phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, từ việc phát triển về số lượng đến chất lượng hoạt động. Khi xây dựng pháp luật về kinh doanh lữ hành phải xuất phát từ tư duy pháp lý mới, tạo tiền đề cho việc hình thành các doanh nghiệp được tổ chức phù hợp với thực tiễn, có phong cách quản lý mới, thoát khỏi phong cách quản lý theo kiểu tập trung quan liêu bao cấp cũ. Với yêu cầu này, khi xây dựng pháp luật về lữ hành và hướng dẫn du lịch phải thay đổi căn bản và triệt để tư duy pháp lý từ phương pháp điều chỉnh mang tính mệnh lệnh, quyền uy, ban phát, sang phương pháp điều chỉnh bình đẳng, đảm bảo quyền tự do, kích thích tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tuy nhiên với hoạt động kinh doanh lữ hành thì việc vận dụng không cần cứng nhắc mà phải phù hợp với thực tiễn, có nghĩa là cần kích thích sự phát triển của các thành phần kinh tế khác tham gia vào hoạt động lữ hành, tranh thủ nguồn lực và sự năng động của các thành phần kinh tế khác nhau, tạo động lực cho sự phát triển. Pháp luật về lữ hành phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong điều kiện kinh tế thị trường, tự do và bình đẳng trong kinh doanh được coi là những nguyên tắc cốt lõi để duy trì và phát triển kinh tế. Định hướng hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam nhằm đảm bảo tự do và bình đẳng trong kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch trở thành nguyên tắc pháp định, các
doanh nghiệp được quyền lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực, hình thức, phạm vi hoạt động theo quy định pháp luật, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế và hình thức sở hữu khác nhau, đảm bảo quyền tự định đoạt của doanh nghiệp trong tổ chức quản lý, chấm dứt hoạt động...