6. Cấu trúc luận văn
2.1. Giới thuyết khái niệm “Cái tôi trữ tình”
Nếu như trong đời sống, mọi hành vi của con người đều là kết quả của sự định hướng và chi phối của cái tôi, thì trong nghệ thuật với tư cách là sản phẩm của hoạt động sáng tạo cũng là kết quả của cái tôi nghệ thuật, một chất lượng khác của cái tôi đời sống. Do đặc thù từng loại hình nghệ thuật mà cái tôi nghệ thuật này được bộc lộ trực tiếp hay gián tiếp.
Dù có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng trong quan niệm chung nhất, khái niệm cái tôi trữ tình được xác định như là sự thể hiện trực tiếp những cảm xúc và suy tư chủ quan của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống. Đặc điểm và bản chất của cái tôi trữ tình được hiểu theo nhiều cấp độ. Theo nghĩa hẹp, cái tôi trữ tình là hình tượng cái tôi cá nhân cụ thể, cái tôi tác giả gắn liền với tiểu sử, với riêng tư, là một loại nhân vật trữ tình. Theo nghĩa rộng, cái tôi trữ tình là nội dung thẩm mỹ của tác phẩm trữ tình. Nói cách khác, cái tôi trữ tình là biểu hiện tập trung của tính chủ quan trong thơ trữ tình. Trong tác phẩm tự sự cái tôi được bộc lộ một cách gián tiếp qua những hình tượng khách quan. Trong tác phẩm trữ tình, nó bộc lộc một cách trực tiếp. Cái tôi trữ tình là một giá trị cụ thể của cái tôi nghệ thuật. Trữ tình là sự trình bày trực tiếp của cái tôi nghệ thuật ấy. Cái tôi trữ tình là thế giới chủ quan, thế giới tinh thần của con người được thể hiện trong tác phẩm trữ tình bằng các phương tiện thể hiện của cái tôi trữ tình.
Bản chất của cái tôi trữ tình là một khái niệm tổng hoa nhiều yếu tố hội tụ theo quy luật nghệ thuật, bao gồm ba phương diện: bản chất chủ quan cá nhân; bản chất xã hội; bản chất thẩm mỹ. Cả ba phương diện đó
đều nằm trong hình thức thể loại trữ tình. Cái tôi trữ tình khác về chất so với cái tôi nhà thơ. Về cơ bản, đó là sự khác nhau giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa hiện thực, giữa nguyên mẫu và điển hình, giữa “gốc rễ” và những “cành lá nảy nở” sinh động của nó. Cái tôi trữ tình và cái tôi nhà thơ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thống nhất mà không đồng nhất. Xem cái tôi trữ tình là một thế giới nghệ thuật, điều đó giúp chúng ta hình dung được tính độc đáo về tư duy nghệ thuật trên cơ sở thế giới quan, truyền thống văn hóa và cá tính sáng tạo của chính cái tôi trữ tình. Thế giới “nội cảm”, “thực tại bên trong”, “vương quốc vô hạn của tinh thần” là không lặp lại duy nhất ở mỗi người, nên có nhu cầu giao cảm, phá vỡ thế khép kín để thống nhất đồng cảm với những tâm hồn khác. Sự giao cảm này chỉ xảy ra khi thế giới ấy được trình bày trên văn bản giao tiếp. Ở đó, cái tinh thần đã được chuyển sang những yếu tố mang tính vật chất cảm tính.
Nếu nhìn ở phương diện nội dung, thế giới của cái tôi trữ tình phải là sự thể hiện những vận động lớn của quá trình văn hóa nói chung bộc lộ qua tư cách là người tham dự và chứng kiến trực tiếp. Cái tôi trữ tình bao giờ cũng tự khái quát, nâng mình lên để hoà nhập vào tiếng nói văn hóa của thời đại, đồng thời nó cũng thể hiện sự khao khát hướng tới chân, thiện, mĩ, có khi con chạm tới các giá trị vĩnh cửu mang tính triết học như cái đẹp, sự sống, cái chết…
Nếu nhìn ở phương diện hình thức, cái tôi trữ tình không tồn tại nếu không có một hình thức cụ thể, một cơ chế đặc biệt để khách quan hoá cái thế giới nội cảm của nhà thơ. Là thế giới tinh thần nên nó cần những phương tiện vật chất cảm tính để tái hiện bằng một hệ thống hình ảnh, biểu tượng, hệ thống nhịp điệu, âm thanh, ngôn ngữ, nhạc điệu…Hình thức ở đây con là sự thể hiện của nhãn quan trữ tình đối với đời sống, do vậy nó mang tính quan niệm. Đó là hình thức tư duy, của cái nhìn cái tôi đối với thế giới.