6. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Quan điểm nghệ thuật
Các nhà thơ, nhất là những nhà thơ lớn tài năng, có quan điểm nghệ thuật của riêng mình. Họ xem nó như một hoa tiêu trong hành trình sáng tạo của mình. Nguyễn Duy là một trong số đó. Ngay từ những ngày đầu làm thơ, quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Duy đã khá rõ và càng về sau càng sâu sắc hơn “Ta là dân vậy thì ta tồn tại”. Đây không hẳn là quan điểm nghệ thuật mà đúng hơn là một nhận thức, một chiêm nghiệm về cuộc đời của Nguyễn Duy, mà ở đó thơ ca đã là một phần máu thịt. Ý thức được điều đó, Nguyễn Duy đã tìm về với văn hóa, văn học dân gian, tiếp tục phát huy chất dân gian trong thơ ca bởi theo ông văn chương không nhất thiết phải khác lạ. Cái mới nằm ngay trong cái tưởng chừng như đã xưa cũ. Ông từng phát biểu:
Nghìn năm trên dải đất này Cũ sao được cánh cò bay la đà
Cũ sao được sắc mây xa
Cũ sao được khúc dân ca quê mình (Khúc dân ca)
Bám chặt vào cội rễ dân gian, thơ ông luôn hiển hiện cái chất mộc mạc, ngọt ngào của những làn điệu dân ca. Từng là nhà thơ khoác áo lính xông pha trên nhiều chiến trường khốc liệt, Nguyễn Duy có cách nhìn, cách thể hiện riêng về chiến tranh. Ông nhìn chiến tranh bằng cái nhìn của một thi sĩ thảo dân. Một thảo dân đích thực bao giờ cũng vừa thiết tha với số phận đất nước, vừa lo âu cho thân phận chúng sinh. Trong cái nhìn ấy, phần trăn trở nhất của chiến tranh vẫn là thân phận người, thân phận lương dân. Những lẽ Hơn - Thiệt, Được - Thua, Thắng - Bại, Vinh - Nhục, Sang - Hèn, Con - Mất... nhất nhất phải lấy sự an nguy của dân lành làm trọng [57, 7]. Vì vậy quan niệm nhân sinh bao trùm trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Duy là “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”.
Có lẽ ảnh hưởng từ nét văn hóa làng quê xứ Thanh - một vùng quê nghèo nên cái tôi trong thơ ông không phải là cái tôi cao đạo, ngông ngạo với đời, mà là một cái tôi giản dị, giàu long yêu nước “Dù ở đâu cũng Tổ quốc trong lòng/ Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”. Thơ Nguyễn Duy cũng thường nói về cái khổ, điều mà ông hiểu sâu sắc trong những ngày con thơ ấu. Nguyễn Duy nhạy cảm với cái khổ "Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo/ quen cái thói hay nói về gian khổ/ dễ chạnh lòng trước cảnh thương tâm". Điều đó không có nghĩa là Nguyễn Duy than nghèo kể khổ. Xu hướng của ông là tìm cái Đẹp trong cái Khổ. Đứng trong cái khổ, Nguyễn Duy vẫn giàu tinh thần lạc quan yêu đời, không ngừng vươn mình, vượt khổ. Quan điểm này của ông thể hiện rất phổ biến trong các sáng tác. Vì vậy mà cái đẹp bao trùm trong sáng tác của nhà thơ đó là cái đẹp đơn sơ. Có thể nói rằng quan điểm nghệ thuật này của Nguyễn Duy đã tiếp thu từ quan niệm về cái đẹp trong văn hóa
của người Việt. Cái đẹp nó không phải là cái cao sáng, mĩ miều mà là cái đơn sơ, bình dị. Quan điểm nghệ thuật này đã giúp nhà thơ đi vững vàng trong suốt hành trình sáng tạo của đời mình.