7. Phạm vi nghiên cứu
1.2.3. Hoạt động dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng
1.2.3.1. Tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học
* Tính tích cực của người học: Theo từ điển tiếng Việt, tính tích cực gồm ba nghĩa. Một là có ý nghĩa, có tác dụng khẳng định, thúc đẩy sự phát triển, trái với tiêu cực.
Hai là tính chủ động có những hoạt động nhằm tạo ra nhưng biến đổi theo phương hướng phát triển. Ba là hăng hái, nhiệt tình với nhiệm vụ, với công việc.
Theo nhà giáo dục học I.F.Kharlamop cho rằng: “Tính tích cực là trạng thái hoạt động của chủ thể, nghĩa là của người hành động. Tính tích cực trong hoạt động nhận thức là trạng thái hoạt động của người học, được đặc trưng bởi khát vọng học tập, sự cố gắng trí tuệ với nghị lực cao trong quá trình nắm vững kiến thức cho chính mình”. Nghĩa là, tính tích cực bao gồm cả tích cực bên trong (thể hiện ở những vận động tư duy, trí nhớ, những chấn động của các cung bậc tình cảm, cảm xúc) và cả tích cực bên ngoài (bộc lộ ở thái độ, hành động với công việc).
Các nhà tâm lý học đã xem xét tính tích cực ở hai khía cạnh:
- Tính tích cực như là một hoạt động tích cực gồm các thành phần:
+ Động cơ, nhu cầu, hứng thú thu hút người học vào quá trình nhận thức và duy trì tính tích cực trong suốt quá trình đó.
+ Tình cảm, ý chí tạo điều kiện tập trung hành động trí tuệ để duy trì tính tích cực có chủ định ở mức cao.
- Tính tích cực như là một đặc điểm, một nét tính cách của mỗi cá nhân. Như vậy, có thể thấy rằng, tính tích cực nhận thức bao gồm các thành phần: nhận thức, tình cảm, ý chí hay nói khác đi nó xoay quanh ba mặt: nhận thức, thái độ và hành động cụ thể. Từ đó có thể coi tính tích cực của người học là một phẩm chất tâm lý
của nhân cách; thái độ cải tạo của chủ thể đối với khách thể thông qua việc huy động ở mức độ cao các chức năng tâm lý nhằm giải quyết những nhiệm vụ nhận thức.
Vận dụng vào hoạt động học tập, tính tính cực diễn ra ở nhiều phương diện khác nhau như tri giác tài liệu, thông hiểu tài liệu, ghi nhớ, luyện tập, vận dụng… Và được thể hiện ở nhiều hình thức đa dạng, phong phú như xúc cảm học tập, chú ý, sự nỗ lực của ý chí; có hành vi, cử chỉ khẩn trương khi thực hiện các hoạt động tư duy; tự giác, độc lập tư duy.
Tính tích cực của người học có hai mặt: tự phát và tự giác. Mặt tự phát là những yếu tố tiềm ẩn, bẩm sinh, biểu hiện ở sự tò mò, hiếu kỳ, hiếu động, sôi nổi trong hoạt động. Còn mặt tự giác chính là trạng thái tâm lý tích cực có mục đích và đối tượng rõ rệt, từ đó nảy sinh hoạt động để chiếm lĩnh đối tượng đó; Biểu hiện ở óc quan sát, hành vi tự phê phán, nhận xét trong tư duy, tò mò khoa học.
Hạt nhân cơ bản của tính tích cực trong học tập của người học là hoạt động tư duy của cá nhân được tạo nên do sự thúc đẩy của hệ thống nhu cầu đa dạng.
Biểu hiện của tính tích cực nhận thức của người học: - Chú ý trong quá trình học tập.
- Hăng hái tham gia vào mọi hình thức học tập - Hoàn thành tốt những nhiệm vụ học tập được giao. - Ghi nhớ tốt những điều đã học.
- Hiểu bài và có thể trình bày lại được nội dung bài học. - Tốc độ học tập nhanh.
- Đọc thêm và làm bài tập khác ngoài những nhiệm vụ được giao. - Có hứng thú học tập.
- Biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
G.I.Sukina cho rằng, trong quá trình lĩnh hội kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của SV, tính tích cực được thể hiện từ cấp độ thấp nhất đến cấp độ cao nhất như sau:
- Tích cực bắt chước: SV tích cực, cố gắng làm theo hành động, thao tác, cử chỉ hành vi của GV, bạn bè.
- Tích cực tìm hiểu và khám phá: SV độc lập giải quyết vấn đề nêu ra, mò mẫm tìm cách giải quyết khác nhau để tìm ra lời giải đáp hợp lý nhất.
- Tích cực sáng tạo: thể hiện ở khả năng linh hoạt và hiệu quả trong giải quyết vấn đề. SV tự tìm tòi kiến thức mới, tự tìm ra phương thức hoạt động riêng.
Tóm lại, tính tích cực của người học là một tập hợp các hoạt động nhằm làm chuyển biến vị trí của người học từ thụ động sang chủ động, từ đối tượng tiếp nhận tri thức sang chủ thể tìm kiếm tri thức để nâng cao hiệu quả học tập.
* Tính chủ động của người học
Chủ động là trạng thái làm chủ được hành động của mình, không để bị tình thế hoặc đối phương chi phối. Ngược lại với nó là bị động: buộc phải hành động theo sự chi phối của tình thế hoặc của đối phương. (Từ điển tiếng Việt – NXB GD 2008).
Sinh viên trước hết mang đầy đủ đặc tính của con người mà theo Marx “là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Ngoài ra, SV mang những đặc điểm riêng biệt, mà đầu tiên là tuổi đời thường còn trẻ (từ 18 đến 25 tuổi), do đó có đặc điểm chưa định hình rõ về nhân cách, dễ thích nghi với cái mới, nhạy cảm với các vấn đề chính trị, ưa các hoạt động về giao tiếp, có tri thức đang được đào tạo về chuyên môn.
Ngoài ra SV trong giai đoạn hiện nay còn có những đặc điểm riêng biệt so với SV ở những giai đoạn trước, đó là có khả năng nắm bắt và xử lý thông tin một cách nhanh
nhạy.
Các hoạt động chính của SV gồm học tập, nghiên cứu khoa học, các hoạt động nhằm tìm hiểu định hướng nghề nghiệp như nâng cao kỹ năng mềm, tìm hiểu về các doanh nghiệp, định hướng nghề nghiệp tương lai...
Với SV, tính chủ động là sự tìm tòi các phương pháp học tập một cách hiệu quả nhất, giải quyết các vấn đề được đặt ra trong quá trình học tập cũng như trong đời sống hàng ngày một cách tự giác.
Tính chủ động của người học (sinh viên) được chia làm 2 loại: tính chủ động trong tư duy và tính chủ động trong phương pháp.
- Tính chủ động trong tư duy: tích cực nêu ra các vấn đề và sử dụng những kiến thức có được để giải quyết vấn đề đó nhưng chỉ trong suy nghĩ, chưa được áp dụng để làm 1 công việc cụ thể. Tính chủ động trong tư duy sẽ là nguồn gốc tạo nên tính chủ động trong hành động.
- Tính chủ động trong phương pháp: là chủ động làm việc gì đó có ý thức, có mục đích.
* Tính sáng tạo của người học
Chúng ta đã biết tính sáng tạo là một hiện tượng tâm lí có liên quan đến những vấn đề chung trong tâm lí học. Chính vì vậy nó được xem xét ở những góc nhìn khác nhau, theo các trường phái tâm lí học khác nhau. Tuy vậy, các quan niệm về tính sáng tạo không loại trừ nhau. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tôi xem xét tính sáng tạo theo khái niệm sau:
“Sáng tạo là một thuộc tính chung của nhân cách, đó là năng lực tìm ra mối quan hệ giữa các kinh nghiệm vốn tồn tại đơn lẻ, rời rạc, những quan hệ này dưới tư duy mới sẽ tạo ra tư tưởng mới, hành động mới hay sản phẩm mới, độc đáo, phù hợp và có giá trị tối ưu.
“Tính sáng tạo là một thuộc tính nhân cách, là tổ hợp các phẩm chất tâm lí mà nhờ đó con người trên cơ sở kinh nghiệm của mình và bằng tư duy độc lập tạo ra tư tưởng giải quyết vấn đề mới, độc đáo, hợp lý trên bình diện cá nhân hay xã hội”.
Tính sáng tạo trở thành một thuộc tính nhân cách tồn tại như một tiềm năng ở con người. Tiềm năng sáng tạo có ở mọi người bình thường và được huy động trong từng hoàn cảnh sống cụ thể. Được coi là sự sáng tạo cá nhân khi mới nằm trong thế giới kinh nghiệm của một người và là sáng tạo xã hội khi cái mới liên quan đến cả một nền văn hoá. Sáng tạo cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của nhân cách cụ thể và cũng
là tiền đề của sự sáng tạo xã hội - điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển của xã hội, một nền văn hoá.
1.2.3.2. Dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học hay “dạy học lấy người học làm trung tâm”
Xu hướng tích cực hóa trong DH là bước tiến trong DH. Điểm nổi bật ở mức DH này là DH vì sự phát triển của người học, hướng đến sự phát triển mọi tiềm năng và sự sáng tạo của người học. Đồng thời khai thác, phát huy vai trò chủ thể và tính tích cực, chủ động của người học trong quan hệ tương tác với người dạy. Trong DH hướng vào người học, người học giữ vai trò chủ động việc học của mình, còn người dạy có chức năng trợ giúp, với các mức độ khác nhau trong những tình huống cụ thể.
Theo PGS.TS Phan Trọng Ngọ, tính tích cực trong DH có hai cấp độ: cấp độ xã hội và cấp độ cá nhân. Ở cấp độ xã hội, tính tích cực trong DH được thể hiện qua mức độ đáp ứng các yêu cầu về sự phát triển của xã hội và sự phát triển nhân cách người học, phù hợp với chuẩn mực và quy định chung. Mức độ đáp ứng càng cao, DH càng tích cực và ngược lại. Ở cấp độ cá nhân, tính tích cực DH thể hiện qua mức độ đáp ứng nhu cầu cá nhân của người học, qua đó phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Trong DH cần kết hợp cả hai cấp độ tích cực nêu trên.[21,179]
Dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học là bao hàm các hoạt động của người học, qua đó người học đạt mục tiêu dạy học bằng cách khám phá ra nó. Tùy theo đặc trưng của chủ thể (người học) mà phương pháp này yêu cầu các mức độ tham gia của chủ thể vào việc xây dựng kiến thức, phát huy sáng kiến, sáng tạo của người học, thay vì phải thụ động tiếp thu chính từ người dạy hay giáo trình.
1.2.3.3. Hoạt động dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học hay “dạy học lấy người học làm trung tâm” ở trường Đại học
* Tổ chức các hoạt động đa dạng và phong phú
Tổ chức các hoạt động đa dạng và phong phú để giúp SV lĩnh hội kiến thức, hình thành kỹ năng. Điều này có nghĩa là phải tổ chức cho SV hoạt động một cách tích cực, SV là người tham gia vào các hoạt động ấy, tự tìm tòi, khám phá…dưới sự hướng dẫn của GV.
Trong PPDH tích cực, người học - chủ thể của hoạt động học - được cuốn vào những hoạt động học tập do GV tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa biết chứ không phải là thụ động tiếp thu những tri thức đã được sắp đặt sẵn. Được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, người học trực tiếp quan sát, thảo luận, giải quyết vấn đề đặt ra theo cách suy nghĩ của mình, từ đó vừa nắm được kiến thức mới, kỹ năng
mới vừa nắm được phương pháp “làm ra” những kiến thức, kỹ năng đó, không nhất thiết rập theo những khuôn mẫu sẵn có, được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo.
* Tổ chức các hoạt động phát triển khả năng tự học của sinh viên:
PPDH tích cực xem việc rèn luyện phương pháp học tập của SV không chỉ là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn là mục tiêu dạy học. Từ lâu, các nhà sư phạm đã nhận thức được ý nghĩa của việc dạy phương pháp học. Desterwer đã viết “người thầy giáo tồi truyền đạt chân lý, người thầy giáo giỏi dạy cách tìm ra chân lý”
Trong phương pháp học thì cốt lõi là phương pháp tự học. Phương pháp tự học là cầu nối giữa học tập và nghiên cứu khoa học. Nếu rèn luyện cho người học có được phương pháp, kỹ năng, thói quen tự học, biết vận dụng những điều đã học vào những tình huống mới, biết tự lực phát hiện, đặt ra và giải quyết những vấn đề gặp phải trong thực tiễn thì sẽ tạo cho lòng ham học, khơi dậy tiềm năng vốn có trong họ. Người học được chuẩn bị để tiếp tục tự học khi vào đời, dễ dàng thích nghi với cuộc sống, công tác, lao động trong xã hội. Chính vì vậy, ngày nay người ta nhấn mạnh dạy phương pháp học trong quá trình dạy học, cố gắng tạo ra sự chuyển biến từ học tập thụ động sang tự học chủ động.
* Tổ chức hoạt động khám phá bằng cách đưa ra một hệ thống các câu hỏi hướng dẫn sinh viên tìm ra được kết quả
Kỹ năng đặt câu hỏi của GV rất quan trọng, nó quyết định đến chất lượng hoạt động của SV trong quá trình học tập. Có những câu hỏi tạo ra sự tích cực, cũng có những câu hỏi làm cho SV im lặng và cũng có những câu hỏi không kích thích cảm giác chiến thắng của SV khi tìm thấy kết quả. Chính vì vậy, GV cần chú ý dẫn dắt SV khám phá tri thức mới bằng cách gợi những câu hỏi phù hợp với từng đối tượng SV. Để câu hỏi mang hiệu quả cao, cần lưu ý đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, vừa sức đồng thời khuyến khích SV trả lời (để thời gian suy nghĩ; sử dụng phi ngôn ngữ, khen ngợi hay ghi nhận câu trả lời đúng; phân phối câu hỏi đều cho cả lớp…) [17]
* Linh hoạt trong phương pháp và ứng xử sư phạm
Sự linh hoạt trong sử dụng PPDH, ứng xử sư phạm để thích ứng với sự thay đổi của đối tượng và hoàn cảnh là yếu tố quan trọng cho sự thành công của mỗi bài dạy. Phối hợp nhiều PPDH sẽ giúp cho SV đỡ nhàm chán và có hứng thú hơn với môn học. Hơn nữa, sự phong phú về PPDH sẽ đáp ứng được yêu cầu giáo dục cá biệt và đáp ứng được lớp học đông người. Mỗi SV có những thói quen hoạt động trí óc khác nhau nên một PPDH chỉ có thể phù hợp với một số đối tượng nhất định. Linh hoạt trong sử dụng PPDH sẽ giúp cho mọi SV có cơ hội bình đẳng trong lĩnh hội kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo.
* Kiểm tra, đánh giá kiến thức và kỹ năng đạt được của sinh viên
Kiểm tra và đánh giá là khâu then chốt của quá trình dạy học. Đánh giá vừa nhằm mục đích xác định mức độ năng lực và kiến thức được hình thành ở người học, vừa giúp người thầy điều chỉnh hoạt động dạy của mình. Sự đánh giá của thầy về kết quả học của trò dần dần phải chuyển thành kỹ năng tự đánh giá ở trò. Sự tự đánh giá giúp cho sự phát triển khả năng tự học của sinh viên. Đánh giá phải theo những mục tiêu bài dạy đã đề ra và theo đúng cấp độ năng lực.