Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm của năm học và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Nhà nước, Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện cụ thể các nhiệm vụ của từng ngành học, bậc học.
2.2.1.1. Giáo dục phổ thông
* Giáo dục tiểu học
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các trường học tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo chỉ đạo của Bộ và hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học, giảng dạy tích hợp một số nội dung của môn học nhằm đảm bảo kiến thức, kĩ năng cho học sinh. Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy thể dục chính khoá, tổ chức Hội khoẻ Phù đổng; tiếp tục triển khai các nội dung, yêu cầu về “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trường học an toàn; phòng chống tai nạn, thương tích cho học sinh; thực hiện hoạt động giáo dục nha khoa, xây dựng sở Y tế học đường; mua sắm, trang bị các phương tiện sơ cấp cứu; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, dịch bệnh; xây dựng chương trình và thực hiện VSATTP.
* Giáo dục trung học
Chỉ đạo, hướng dẫn các trường học thực hiện các hoạt động giáo dục, dạy học, thực hiện quy chế chuyên môn; triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh; rà soát nội dung, chương trình và thực hiện việc giảm tải; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, trọng tâm khắc phục tình trạng dạy học chủ yếu qua “đọc - chép”; gắn đổi mới phương pháp dạy học với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức và rèn luyện khả năng tự học của học sinh; khắc phục lối truyền thụ một chiều, nhồi nhét kiến thức, tiến tới dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề; khắc phục tình trạng “học vẹt”, “học tủ” của học sinh.
Tổ chức thực hiện các giải pháp về phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới phương thức tuyển sinh; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị; thực hiện cơ chế quản lý của trường, chính sách đối với của GV và học sinh nhằm xây dựng trường THPT chất lượng tốt, có trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức tự lực, tự nghiên cứu và sáng tạo; có nền tảng kiến thức vững vàng nhằm phát triển năng khiếu về các môn học chuyên trên cơ sở đảm bảo giáo dục toàn diện về đạo đức, học lực, sức khoẻ.
* Giáo dục thường xuyên
Tiếp tục củng cố và phát triển tốt hệ thống trung tâm GDTX, phát triển số lượng, nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, công nghệ thông tin; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và GV. Chỉ đạo các trung tâm GDTX thực hiện đa dạng hoá nội dung, chương trình, hình thức học tập; đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng cuộc sống cộng đồng; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học; quản lý tốt chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ ngắn hạn, liên kết đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học hệ vừa học vừa làm.
* Giáo dục chuyên nghiệp
Tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới trường trung học chuyên nghiệp, chỉ đạo các trường tập trung đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo; triển khai thực hiện chương trình khung trung học chuyên nghiệp của Bộ. Các trường chủ động xây dựng chương trình đào tạo và biên soạn giáo trình, tài liệu phù hợp với yêu cầu của từng học phần; xây dựng chương trình đào tạo theo đơn vị học trình, học phần; đảm bảo thời lượng thực hành, thực tập từ 50-75% trong tổng thời lượng toàn khóa; hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tham xây dựng, góp ý, thẩm định chương trình, giáo trình. Phòng chỉ đạo, hướng dẫn các trường đổi mới chương trình đào tạo, gắn chuẩn kiến thức đào tạo với giáo dục kỹ năng, thái độ của học sinh sinh viên; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; thi, kiểm tra; đánh giá với việc xây dựng đội ngũ GV, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
2.2.1.2. Giáo dục mầm non
- Tổ chức thực hiện Đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi theo Đề án “Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn Tỉnh Cao Bằng”: Tổ chức điều tra số trẻ em trong độ tuổi, triển khai kế hoạch mua sắm, sử dụng và bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho GDMN; ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện hoạt động điều tra trẻ em trong độ tuổi mầm non; chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt hoạt động tham mưu đưa nhiệm vụ phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, chương trình phát triển kinh tế xã
hội của địa phương, nhằm huy động mọi lực lượng và nguồn lực để thực hiện; tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi tại các huyện trên địa bàn.
- Hoàn thiện mạng lưới trường lớp; triển khai chương trình giáo dục MN mới; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hệ thống các trường MN tiếp tục phát triển mạnh, mở rộng qui mô trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị được chú trọng đầu tư theo yêu cầu chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 169 trường với tổng số 26078 trẻ ra lớp với 2164 giáo viên.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình GDMN trên toàn tỉnh. Nội dung giáo dục trẻ được xây dựng trên cơ sở hoạt động vui chơi, nhằm kích thích sự hứng thú, tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động trải nghiệm; đồng thời phù hợp với đặc điểm nhận thức của lứa tuổi.
Hiệu quả thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục trẻ đã có những kết quả cụ thể thông qua việc đánh giá trẻ theo 5 lĩnh vực phát triển, trẻ khoẻ mạnh, tự tin và linh hoạt trong các hoạt động vui chơi, học tập, sinh hoạt, giao tiếp.
- Hoạt động quản lý, chỉ đạo loại hình GDMN ngoài công lập nói chung và nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục nói riêng được các cấp quản lý ngành và UBND các cấp tiếp tục triển khai, chỉ đạo thực hiện nhằm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, chú trọng các điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn quản lý. Thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát các hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; kiên quyết thực hiện việc đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở nhóm, lớp không đủ điều kiện thu nhận trẻ.