Cao Bằng là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam. Hai mặt Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với đường biên giới dài 333.403 km. Phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Phía nam giáp tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Theo chiều Bắc- Nam là 80 km, từ 23°07'12" - 22°21'21" vĩ bắc (tính từ huyện Trọng Con huyện Thạch An đến huyện Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm). Theo chiều đông- tây là 170 km, từ 105°16'15" - 106°50'25" kinh đông (tính từ huyện Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm đến huyện Lý Quốc, huyện Hạ Lang).
Tỉnh Cao Bằng có diện tích đất tự nhiên 6.690,72 km², là cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất, có độ cao trung bình trên 200 m, vùng sát biên có độ cao từ 600- 1.300 m so với mặt nước biển. Núi non trùng điệp. Rừng núi chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh. Từ đó hình thành nên 3 vùng rõ rệt: Miền đông có nhiều núi đá, miền tây núi đất xen núi đá, miền tây nam phần lớn là núi đất có nhiều rừng rậm.
Là một tỉnh nghèo thuộc miền núi biên giới phía Đông Bắc, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao nên phần nào ảnh hưởng đến yêu cầu phát triển Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn hiện nay;
Trình độ dân trí không đồng đều, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ít người còn nhiều hạn chế;
Địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt mạnh, giao thông đi lại còn khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, một số phong tục tập quán lạc hậu, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới việc quy hoạch và phát triển mạng lưới trường lớp, tỉ lệ huy động, duy trì sĩ số, tổ chức các hoạt động dạy học và công tác Phổ cập giáo dục, đặc biệt là Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đã được tăng cường song chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, nhiều địa phương còn thiếu quỹ đất cho việc xây dựng trường học, nhiều trường chưa đảm bảo diện tích đất theo quy định, nhất là khu sân chới, hệ thống các phòng chức năng còn thiếu.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự nghiệp GD & ĐT của tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Quy mô GD được phát triển mạnh theo hướng đa dạng hoá các loại hình trường, lớp ở các cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 630 trường (công lập: 629; ngoài công lập: 01 chiếm 0,15 %) với 112.489 học sinh và 11.900 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên;
GDMN có 169 trường (công lập: 168; ngoài công lập: 01), với tổng số 26.078 trẻ ra lớp;
GD tiểu học có 242 trường (công lập: 242; ngoài công lập; 0) với tổng số 43.438 học sinh.
Bậc THCS có 189 trường ( công lập: 189; ngoài công lập; 0) với 28.542 học sinh. Bậc THPT có 30 trường ( công lập: 30; ngoài công lập; 0) với 14.431 học sinh. Có 12 Trung tâm GDTX ; 02 trung tâm GDTX và Hướng nghiệp; 01 trung tâm KTTH- HN; 01 trung tâm PHCN&GDHN trẻ Khuyết tật; 01 trường CĐSP; 02 trường Trung cấp chuyên nghiệp; 199 trung tâm học tập cộng đồng trực thuộc Sở.
Toàn tỉnh có 45 trường đạt chuẩn quốc gia trong đó: MN 12; tiểu học: 21; THCS 10; THPT: 02.