Trong hệ thống tài chính toàn cầu, các quỹ tiền tệ có thể dịch chuyển dễ dàng từ quốc gia này tới quốc gia khác, qua các định chế tài chính khác nhau để cắt đứt dấu vết của đồng tiền. Do đó sự hợp tác quốc tế là cần thiết và quan trọng. Đứng trước những đe dọa của vấn nạn rửa tiền, năm 1989, Mỹ đã cũng
các nước trong nhóm G7 thành lập lực lượng đặc nhiệm về các hoạt động tài chính (FATF) để cùng đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho công cuộc phòng chống rửa tiền. Qua nhiều lần sửa đổi, hiện nay bộ khuyến nghị của FATF bao gồm 40+9 khuyến nghị về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Việc thành lập FATF và sự ra đời của bộ khuyến nghị có ý nghĩa to lớn vì nó là tổ chức hợp tác quốc tế đầu tiên trên mặt trận phòng chống rửa tiền và 40+9 khuyến nghị như cẩm nang cho các nước chiếu theo đó xây dựng khung pháp lý phù hợp để chống lại loại tội phạm ngày càng tinh vi này.
Hàng năm, Mỹ cùng một số nước tiến hành hội nghị thường niên, đánh giá về tình hình diễn biến của tội phạm rửa tiền, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của tội phạm này trên nước mình, hỗ trợ nhau điều tra, xử lý các đường dây rửa tiền xuyên quốc gia.
Nhận thức đây là mặt trận chung mà toàn cầu phải đối phó, quốc gia đơn lẻ không thể một mình chống trọi được với loại tội phạm này, Mỹ đã đầu tư vốn và đào tạo nhân lực cho công cuộc phòng chống rửa tiền tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam.
Với những cố gắng trong việc hoàn thiện khung pháp lý, điều tra các giao dịch đáng ngờ và hợp tác quốc tế thì Mỹ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong mặt trận chống lại nạn rửa tiền.