Sự thành công nói trên của Mỹ trước hết phải kể đến việc Mỹ đã nhận định đúng được tình hình thực tế của mình, xác định được khu vực nào là khu vực mà mình dễ bị nạn rửa tiền làm tổn hại để đề ra biện pháp phù hợp. Với điều kiện nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế của thẻ tín dụng thì Mỹ sẽ phải tập trung phòng chống rửa tiền trong hệ thống ngân hàng hơn là chống rửa tiền với các giao dịch tiền mặt.
Điều thứ hai mà Việt Nam cần học hỏi ở Mỹ đó là việc Mỹ tập trung vào phòng trước, chống sau, ngăn chặn từ nguồn gốc chứ không chờ đến khi nó xảy ra mới tìm cách chống đỡ. Chính phủ Mỹ đã xây dựng được một loạt các văn bản luật để hướng dẫn thi hành cũng như ngăn chặn và trừng phạt tội phạm rửa tiền. Các văn bản pháp luật liên quan thường xuyên được cập nhật, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời việc thực thi pháp luật tại nước này rất có hiệu quả.
Điều tiếp theo chúng ta phải kể đến đó là việc hậu thuẫn của chính phủ Mỹ đối với các tổ chức phòng chống rửa tiền nước này. Nhà nước chỉ đạo thành lập ra các cơ quan phòng chống rửa tiền, chi ngân sách để đào tạo cán bộ, xây dựng được đội quân phòng chống rửa tiền tinh nhuệ.
Một vấn đề không thể không nhắc đến đó là sự hợp tác quốc tế của chính phủ Mỹ và các cơ quan phòng chống rửa tiền ở Mỹ với các cơ quan tương tự ở nước ngoài. Xác định mặt trận chống rửa tiền là một mặt trận chung, không thể một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự phát hành động mà cần có sự hợp tác sâu rộng giữa các nước. Mỹ thường cập nhật, chia sẻ thông tin với các nước khác về tình hình tội phạm rửa tiền để ngăn chặn hiệu quả. Đồng thời Mỹ còn giúp đỡ một số
nước khác trong đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ vì Mỹ nhận thức rõ vai trò của sự hợp tác quốc tế trong việc đẩy lùi nạn rửa tiền.
Trên đây là những điều thực tế được rút ra từ công cuộc chống rửa tiền ở Mỹ. Mỹ đã khá thành công chống lại tội phạm rửa tiền nhưng Việt Nam sẽ vận dụng những bài học đó như thế nào cho linh hoạt mới là vấn đề chúng ta cần giải quyết.