Nền kinh tế Việt Nam hiện nay được coi là nền kinh tế tiền mặt bởi tiền mặt vẫn là công cụ thanh toán phổ biến nhất. Người dân chưa có thói quen dùng thẻ thanh toán, thanh toán qua ngân hàng, số lượng thanh toán dù lớn hay nhỏ thì hầu hết vẫn còn thực hiện bằng tiền mặt. Nền kinh tế tiền mặt làm tăng chi phí
cho việc in ấn, vận chuyển, tính đếm, bảo quản đồng tiền; chưa đảm bảo cho sự an toàn của đồng tiền mỗi khi thanh toán, vận chuyển; khó kiểm soát được dòng lưu chuyển tiền tệ đồng thời nó còn tạo ra một hệ quả hết sức nghiêm trọng đó là nó dễ dung dưỡng cho các hoạt động kinh tế ngầm, các hoạt động buôn gian bán lận, trốn thuế, tham nhũng và đặc biệt nó tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm rửa tiền hoạt động. Tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có những văn bản pháp lý đủ mạnh để kiểm soát thu nhập của cá nhân, kiểm soát các giao dịch bằng tiền mặt có giá trị lớn do đó những tên tội phạm có thể tận dụng những kẽ hở, lách luật để rửa tiền. Với lượng lớn tiền bẩn trong tay, bọn chúng có thể mua những hàng hóa xa xỉ như ô tô, du thuyền, vàng bạc, kim loại quý hoặc đầu tư sang các loại chứng khoán, bất động sản, thành lập các cơ sở kinh doanh. Việc thực hiện những giao dịch có giá trị lên tới hàng tỉ đồng hay hàng ngàn đô la Mỹ không phải là chuyện hiếm và được xã hội mặc nhiên thừa nhận. Điều này rất khác với nền kinh tế Mỹ. Việc thực hiện những giao dịch này chủ yếu diễn ra giữa bên bán, bên mua, ít khi có sự can thiệp trực tiếp của nhà nước nên rất khó lần ra dấu vết của đồng tiền. Các giao dịch tiền mặt này có thể được thực hiện liên tục, tạo thành những bước đi chằng chịt của đồng tiền, rất phù hợp với mục tiêu của giai đoạn thứ hai trong quy trình rửa tiền. Nhìn chung với đặc điểm nền kinh tế của nước ta chủ yếu còn thực hiện các giao dịch bằng tiền mặt và việc kiểm soát các giao dịch như thế này chưa được thắt chặt nên tội phạm rửa tiền dùng các giao dịch bằng tiền mặt như một phương thức thuận lợi nhất để rửa tiền tại Việt Nam.