Tăng cường các biện pháp phòng chống rửa tiền qua hệ thống

Một phần của tài liệu phòng chống rửa tiền ở thế giới và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 67)

chính cần phải đa dạng hóa, hiện đại hóa các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ thanh toán (thẻ cá nhân, thẻ thương mại,…), thanh toán qua điện thoại, qua Internet. Để thực hiện được những hình thức thanh toán ấy, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng: các máy ATM, các điểm chấp nhận thanh toán (POS). Những cơ sở hạ tầng này cần được đầu tư xây dựng ở nhiều nơi trên cả nước chứ không chỉ tập trung ở một vài tỉnh thành lớn, không nên chỉ tập trung ở các khách sạn, nhà hàng, siêu thị lớn như hiện nay để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người cùng có cơ hội thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt được dễ dàng. Cùng với đó, các ngân hàng cần khuyến khích người dân thanh toán qua các loại thẻ bằng cách phát hành miễn phí các loại thẻ này đến người dân, đảm bảo mọi người đều có thẻ thanh toán cá nhân. Nhìn chung việc chuyển đổi từ nền kinh tế tiền mặt sang một nền kinh tế không dùng tiền mặt không phải là vấn đề dễ dàng có thể thực hiện một sớm một chiều mà nó đòi hỏi phải có thời gian và đầu tư tiền bạc để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy công cuộc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn nhưng khi đã thành công, chắc chắn nó sẽ đem lại những thành tựu to lớn góp phần ngăn chặn nạn rửa tiền ở nước ta.

3.3.3. Tăng cường các biện pháp phòng chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng hàng

Tại nhiều quốc gia, việc mở các tài khoản ngân hàng và tiến hành giao dịch, thanh toán qua hệ thống ngân hàng là rất phổ biến. Ở Việt Nam, khi các đối tượng có tiền bẩn cần rửa thì có thể dùng tiền mặt để thực hiện các giao dịch luôn mà lại rất ít gây ra các nghi ngờ. Nhưng nếu các đối tượng nước ngoài muốn nhắm tới Việt Nam để rửa tiền thì phần lớn là thông qua hệ thống ngân hàng vì thông qua ngân hàng có thể chuyển một lượng tiền lớn và một khi tiền đã vào ngân hàng thì có thể coi là tiền đã tương đối “sạch”, sự di chuyển đồng tiền giữa các ngân hàng cũng ít bị chú ý. Đồng thời trong tình hình phát triển

kinh tế hiện nay, cũng có kẽ hở là một số ngân hàng mải thu hút tiền gửi vào ngân hàng mà lơ là việc kiểm tra, xác minh nguồn gốc đồng tiền. Do đó hệ thống ngân hàng của Việt Nam cũng là một đích ngắm của bọn tội phạm loại này. Thêm một điều nữa, đó là việc chúng ta đang hướng đến một nền kinh tế ít phụ thuộc vào tiền mặt, khi đó hầu hết các giao dịch đều có liên quan đến hệ thống ngân hàng. Vì vậy việc làm cho hệ thống ngân hàng đủ sức “kháng cự” lại tội phạm rửa tiền là điều hết sức cần thiết.

Trước hết, chúng ta cần xét đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước bởi nó là đầu tầu của hệ thống ngân hàng. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần phải tích cực phối hợp với cơ quan chức năng như Interpol, an ninh kinh tế và các cơ quan chuyên trách tương đương ở các nước bạn để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình về tội phạm rửa tiền từ đó đặt ra kế hoạch hành động hiệu quả. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước trong đó có Cục phòng chống rửa tiền chuyên làm nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, xử lý, lưu giữ, cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến rửa tiền rồi chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Như các báo cáo của đơn vị này đã nêu, số lượng các giao dịch đáng ngờ mà đơn vị này nhận được kể từ khi thành lập là rất nhiều nhưng số vụ rửa tiền được tìm ra từ các báo cáo này lại là những con số hết sức khiêm tốn. Do vậy Cục phòng chống rửa tiền cần phải bổ sung thêm lực lượng và đào tạo nghiệp vụ tăng cường cho các cán bộ, nhân viên của mình có đủ năng lực đáp ứng tình hình thực tế. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể nội dung của Nghị định 74/2005/NĐ - CP đến các ngân hàng thương mại và công bố rộng rãi trong nhân dân để mọi người có thể nắm bắt và thực hiện. Nghị định về chống rửa tiền này được ban hành từ năm 2005 và mãi cho đến năm 2009, Ngân hàng Nhà nước mới đưa ra thông tư để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện. Với vai trò đầu tầu của mình, Ngân hàng Nhà nước cần phải tích cực và nhanh chóng hơn nữa đưa ra những hướng dẫn hợp lý trong các trường hợp tương tự. Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện kiểm toán

bắt buộc hàng năm và tiến thành thanh tra hoạt động của các ngân hàng thương mại một cách quy củ chặt chẽ, qua đó có thể kiểm soát được các hoạt động tài chính bất hợp pháp, các thông tin nội bộ bị tiết lộ hoặc các hoạt động lợi dụng hệ thống ngân hàng để rửa tiền.

Các ngân hàng thương mại mới là đối tượng trực tiếp mà tội phạm rửa tiền nhằm tới, vậy các ngân hàng thương mại cần phải làm những gì?

Thứ nhất, các ngân hàng cần phải tiến hành nhận biết khách hàng, hiểu được những vấn đề mấu chốt của khách hàng. Đây là nguyên tắc hàng đầu trong kinh doanh của ngân hàng để vừa phòng chống rủi ro cũng như để phục vụ ngân hàng tốt nhất. Vì vậy các ngân hàng cần phải thu thập thông tin và tìm hiểu khách hàng kỹ lưỡng trên tất cả các hoạt động nghiệp vụ then chốt của ngân hàng từ nghiệp vụ tín dụng, bảo lãnh, nhận tiền gửi, thanh toán,… Khâu thu thập thông tin nhận biết khách hàng cần phải tiến hành ngay từ khi khách hàng đăng ký tài khoản tại ngân hàng. Sau đó, các ngân hàng thương mại cần liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng như trung tâm thông tin tín dụng CIC (Credit Information Center) của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan Interpol để chủ động nắm bắt thông tin về khách hàng. Hiện nay một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã hoàn thiện Module CIF (Customer Identity File) quản lý hồ sơ khách hàng để bất kỳ lúc nào truy cập vào hệ thống sẽ tìm thấy hệ thống dữ liệu của khách hàng với những thông tin đầy đủ, chi tiết và thường xuyên được cập nhật. Đây là điểm mà các ngân hàng khác chưa làm được cần phải noi theo, như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý giao dịch khách hàng.

Thứ hai, các ngân hàng cần phải hiểu được mục đích của khách hàng khi đến ngân hàng. Ở nhiều nước, các ngân hàng thương mại luôn có phòng dịch vụ khách hàng để khách hàng bày tỏ những nguyện vọng của mình khi giao dịch với ngân hàng. Theo đó ngân hàng có thể kiểm tra chặt chẽ mục đích sử dụng các giao dịch của khách hàng. Ví dụ, đối với hoạt động tín dụng, cần giám sát các

khoản vay khách hàng thông qua việc theo dõi sát sao hoạt động đầu tư kinh tế của doanh nghiệp trong từng giai đoạn trước, trong và sau khi cho vay. Từ đó, ngân hàng có thể kiểm soát được các khoản cho vay của ngân hàng, hạn chế được việc sử dụng vốn vay vào các mục đích bất hợp pháp. Đối với các khoản tiền gửi, trong quá trình tư vấn, ngân hàng sẽ hiểu rõ được nguồn gốc khoản tiền đó cũng như hình thức đầu tư của khoản tiền để tiện theo dõi, quản lý.

Thứ ba là cần phải theo dõi sát sao mục đích của các khoản chuyển tiền để tránh hiện tượng hợp thức hóa các khoản tiền bất hợp pháp vào ngân hàng. Bởi trên thực tế, bọn tội phạm thường rửa tiền qua ngân hàng thông qua hình thức chuyển tiền, các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản trong một thời gian ngắn hoặc ngược lại, hoặc tiền được chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản. Do đó, ngân hàng cần có bộ phận quản lý và xử lý thông tin nằm trong trung tâm chuyển tiền để có thể theo dõi mục đích các khoản chuyển tiền, đề phòng sự lợi dụng của bọn tội phạm.

Thứ tư, các ngân hàng cần phải cẩn trọng trong việc lựa chọn các ngân hàng đối tác trong các giao dịch thương mại quốc tế. Các ngân hàng nên lựa chọn các ngân hàng phát hành, ngân hàng xác nhận là những ngân hàng có uy tín, có tình hình tài chính lành mạnh, tuân thủ các quy định quốc tế về chống rửa tiền làm đối tác trong hoạt động thanh toán quốc tế để tránh việc lợi dụng mở L/C và các phương thức tài trợ thương mại khác nhằm chuyển tiền giữa các quốc gia.

Thứ năm, các ngân hàng cần tích cực hơn nữa để thúc đẩy việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thanh toán qua thẻ, mở tài khoản miễn phí cho các cá nhân, tổ chức kinh tế, mở rộng mạng lưới ATM. Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần hạn chế việc tội phạm thường xuyên rửa tiền thông qua các giao dịch xuyên quốc

gia bằng tiền mặt như thuê người vận chuyển qua biên giới, sau đó đổi tiền ở các nước sở tại.

Thứ sáu, các ngân hàng thương mại cần thành lập bộ phận kiểm tra, kiểm toán nội bộ hoạt động chuyên trách dưới sự chỉ đạo của Tổng giám đốc bao gồm Phòng Kiểm tra nội bộ tại Hội sở chính và Phòng Kiểm tra nội bộ tại các chi nhánh. Thông qua hoạt động của bộ máy kiểm tra, kiểm toán nội bộ, ngân hàng giám sát việc chấp hành cách quy định của pháp luật, quy định của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thẩm quyền cũng như các quy trình nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh và các quy định nội bộ khác của các bộ phận trong ngân hàng nhằm phòng chống việc lợi dụng hệ thống ngân hàng để rửa tiền.

Thứ bảy, các ngân hàng cần phổ biến kịp thời và rộng rãi các thông tin liên quan đến các giao dịch đáng ngờ đến các phòng chức năng để các phòng lưu ý, xem xét, nếu có vấn đề phát sinh sẽ báo cáo với Ban lãnh đạo để xử lý kịp thời.

Thứ tám, việc xúc tiến thành lập một bộ phận chuyên trách về phòng chống rửa tiền để thu thập, tổng hợp mọi thông tin về các giao dịch đáng ngờ báo cáo lên Ban lãnh đạo ngân hàng là điều cần thiết.

Thêm một vấn đề cuối cùng thuộc về đạo đức kinh doanh của các ngân hàng. Đất nước chúng ta đang phát triển, cần nhiều vốn và các ngân hàng đang tích cực huy động tiền gửi, vốn vay từ nhiều nguồn nhưng không phải chúng ta sẽ huy động vốn bằng mọi giá. Có nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài chào mời chúng ta những khoản vốn cho vay với lãi suất thấp, thời hạn dài nhưng lại yêu cầu được dấu tên đối tác chẳng hạn. Đó là dấu hiệu cho thấy đây có thể là một vụ rửa tiền. Các ngân hàng nhạy bén có thể hiểu được vấn đề này, hãy sáng suốt lựa chọn, đừng chấp nhận bằng mọi giá để rồi biến mình thành công cụ của bọn rửa tiền.

Một phần của tài liệu phòng chống rửa tiền ở thế giới và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 67)