Như đã tìm hiểu ở trên, một nền kinh tế tiền mặt gặp rất nhiều bất cập: chi phí phát hành tiền, chi phí đảm bảo sự an toàn của đồng tiền khi mang vào vận hành trong nền kinh tế, kinh tế tiền mặt dung dưỡng cho kinh tế ngầm phát triển, gây khó khăn trong việc kiểm soát các chính sách tài khóa,… Hơn thế nữa, nhìn vào kinh nghiệm và thành tựu chống rửa tiền của Mỹ, Mỹ thành công trong phòng chống rửa tiền một phần cũng là do Mỹ không dùng tiền mặt để thanh toán cho các khoản chi tiêu lớn mà hầu như là dùng thẻ tín dụng, các công cụ tiền tệ không phải tiền mặt. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta vẫn được coi là nền kinh tế tiền mặt. Vậy chúng ta hãy thử so sánh để thấy được sự khác nhau cơ bản giữa nền kinh tế hầu như không sử dụng tiền mặt ở Mỹ và nền kinh tế tiền mặt ở nước ta. Trong nền kinh tế của Mỹ và các nước công nghiệp phát triển khác, các giao dịch lớn chủ yếu được thực hiện qua hệ thống ngân hàng, các tổ
chức và cá nhân không dùng tiền mặt để thực hiện các giao dịch lớn. Họ đã quen gửi tiền vào ngân hàng và giao dịch thanh toán mọi thứ qua hệ thống này. Lâu dần, các chính phủ dựa theo tập quán này để thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát hữu hiệu về thuế bằng cách quy định bắt buộc mọi giao dịch lớn đều phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Hậu quả là toàn xã hội trở nên xa lạ với hiện tượng dùng tiền mặt để mua nhà, mua xe hoặc những tài sản có giá trị lớn khác. Việc dùng một số lượng tiền mặt lớn từ vài chục đến vài trăm ngàn USD để mua bán, giao dịch đều bị xem là những hiện tượng bất thường và không được những người làm ăn đàng hoàng chấp nhận. Không người lương thiện nào dám bán tài sản có giá trị lớn của mình để nhận lại một số tiền mặt lớn, họ không dám giữ lượng tiền mặt lớn trong nhà. Trừ khi chứng minh được là thắng canh bạc lớn tại các sòng bạc, một người tự nhiên có trong tay một số tiền mặt vài chục ngàn hay vài trăm ngàn USD chắc chắn sẽ bị nghi ngờ về một nguồn gốc bất minh của số tiền đó. Hầu như chỉ có giới tội phạm, các tay buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí mới có trong tay những khoản tiền mặt lớn như thế. Ở các nước này, đồng tiền mặt với số lượng lớn và tập trung được xem là đã bị nhuốm bẩn. Ngược lại, trong những nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam, tiền mặt là phương tiện thanh toán phổ biến nhất. Không chỉ tiền mặt bản xứ mà vàng, đô la Mỹ cũng được sử dụng rộng rãi trong việc mua bán các loại hàng hóa, tài sản có giá trị lớn. Việc mua bán các tài sản, hàng hóa như nhà cửa, xe cộ, đất đai với giá trị tương đương hàng tỉ đồng, hàng trăm, hàng ngàn lượng vàng, hàng trăm ngàn USD không phải là chuyện hiếm. Các giao dịch như thế đều được xã hội mặc nhiên thừa nhận, hơn nữa còn tỏ ra tiện lợi, nhanh chóng. Mà theo luật, đồng bạc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành có hiệu lực thanh toán không hạn chế trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Rất ít các giao dịch được thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan nào giám sát và cũng chưa có một văn bản nào điều chỉnh các giao dịch mua bán, trao đổi thông thường trong đời sống như vậy. Đồng tiền mặt do vậy đã hợp pháp và “sạch” ngay từ khi nó còn ở ngoài hệ thống ngân hàng.
Một khi nó đã được làm sạch ngay từ khi nằm ngoài hệ thống ngân hàng thì bọn tội phạm cần gì phải “rửa” nó bằng cách đưa vào hệ thống ngân hàng để rồi có thể bị “lộ tẩy”. Như vậy, nếu với mục tiêu chống rửa tiền, biện pháp giám sát các lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng ở một mức độ nhất định có thể chỉ ngăn chặn được phần ngọn mà chưa đánh thẳng vào phần gốc, chưa kể những tác động phụ không mong muốn đối với những người gửi tiền lương thiện nhưng ngại phiền phức và cả đối với hệ thống ngân hàng nước ta đang nỗ lực thu hút tiền mặt. Việc phân biệt tiền sạch, tiền bẩn cho mục tiêu chống rửa tiền cần phải được thực hiện ngay từ các giao dịch ngoài hệ thống ngân hàng. Chính các giao dịch có giá trị lớn ngoài hệ thống ngân hàng mới cần được giám sát và kiểm soát trước nhất. Việc mua nhà, mua đất, mua xe muốn được đóng thuế trước bạ hợp lệ, tức là muốn được công nhận hợp pháp, phải được thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Điều này sẽ khuyến khích việc dân chúng gửi tiền vào thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Với tình hình nước ta hiện nay, để chống rửa tiền có hiệu quả, nhà nước cần phải xây dựng cho cộng đồng xã hội tập quán thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhận thức được những bất cập trong nền kinh tế tiền mặt và những ưu điểm của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, từ nhiều năm trước nhà nước ta đã đưa ra các đề án, các chương trình khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt nhưng vẫn chưa có nhiều hiệu quả. Nhiều năm trước, các ngân hàng đã đưa ra hai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là thẻ thanh toán và sec cá nhân nhưng hiện nay chỉ có thẻ thanh toán được duy trì và mở rộng còn sec cá nhân không có hiệu quả. Trong năm 2007, thủ tướng chính phủ đã ra chỉ thị 20/2007/CT – TTg về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đối tượng mà chỉ thị này hướng tới chỉ khoanh vùng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, như vậy chưa bao quát được tới tất cả các đối tượng trong xã hội. Nhà nước cần mở rộng yêu cầu thanh toán tiền lương cho nhân viên đến tất cả các
doanh nghiệp để có thể mở rộng khả năng kiểm soát thu nhập của mọi cá nhân,