Chúng ta chỉ có một vài điều kiện thuận lợi nhưng lại có rất nhiều khó khăn khi phải đối phó với loại tội phạm này. Những khó khăn này xuất hiện từ điều kiện về kinh tế, xã hội của nước ta. Điểm nút của vấn đề có lẽ là do nền kinh tế của nước ta cho đến bây giờ vẫn là một nền kinh tế tiền mặt, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân rất khó thay đổi. Việc sử dụng tiền mặt ở nước ta tỏ ra thuận tiện, dễ dàng và được người dân ưa thích. Nhưng khi các giao dịch, thanh toán diễn ra bằng tiền mặt thì rất khó có khả năng kiểm soát. Điều này hoàn toàn có lợi cho các cá nhân, tổ chức có tiền bẩn dễ dàng mua bán những hàng hóa xa xỉ, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng bởi khi thực hiện các giao dịch này, không hề có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm tra xem nguồn gốc của những đồng tiền này từ đâu mà ra.
Một vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam đó là việc liệu chúng ta chưa nhận thực được tầm quan trọng của việc phòng chống tội phạm nguồn của tội phạm rửa tiền hay là chúng ta biết nhưng chúng ta chưa chú tâm đến đấu tranh chống lại tội phạm nguồn một cách bài bản và hiệu quả? Hiện nay tình trạng tham ô, tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Và nếu chúng ta ngăn chặn được những vấn nạn này ngay từ đầu thì chắc chắn chúng ta sẽ dành được những hiệu quả nhất định trên mặt trận chống tội phạm rửa tiền này.
Khó khăn tiếp theo đối với nước ta đó là về vấn đề hệ thống pháp luật. Mặc dù được thường xuyên cập nhật các văn bản mới nhưng dường như luật pháp Việt Nam vẫn chưa bắt kịp được tình hình phát triển của loại tội phạm này. Luật ra đời nhưng lại đem lại những băn khoăn, thắc mắc cho người dân và doanh nghiệp, lo ngại về sự bất tiện. Nếu như theo 40+9 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính thì cần thiết mỗi quốc gia phải chỉ ra cụ thể tội phạm chỉ định gồm những tội phạm loại nào, tội phạm nguồn là những tội phạm nào. Tuy nhiên, đối chiếu vào các văn bản pháp quy của Việt Nam thì lại chưa hề quy định về tội phạm chỉ định và tội phạm nguồn. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc xác định cụ thể, đích danh những loại tội phạm nào có liên quan. Đó là do vấn đề luật của Việt Nam chưa bao quát hết. Bên cạnh đó, còn tồn tại vấn đề là một số nội dung của luật đưa ra đã nhanh chóng bị lỗi thời và có thể trở thành điều cản trở sự phát triển của xã hội. Ví dụ như, điều khoản quy định về hạn mức thanh toán của một giao dịch mà có thể bị liệt vào các giao dịch đáng ngờ trong nghị định 74/2005. Trong một ngày, một ngân hàng tiến hành một hoặc nhiều giao dịch thanh toán tiền mặt cho một cá nhân, tổ chức có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc trong một ngày, một tổ chức, cá nhân gửi lượng tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên thì các ngân hàng, định chế tài chính thực hiện các giao dịch ấy phải báo cáo, lưu giữ hồ sơ về Cục phòng chống rửa tiền. Nhưng với thời điểm hiện tại, khi đời sống được nâng lên thì những giao dịch dạng như vậy rất nhiều. Và cũng rất nhiều các giao dịch trong đó là những giao dịch hợp pháp. Nếu tiến
hành báo cáo tất cả các giao dịch như vậy thì sẽ quá tải cho cả ngân hàng và các cơ quan hữu quan tiếp nhận hồ sơ. Việc báo cáo, điều tra sẽ làm giảm tốc độ của các hoạt động trong nền kinh tế. Như vậy, luật pháp phải là cái có giá trị răn đe, có giá trị là cái đối chứng với thực tế. Để giải quyết vấn đề xảy ra trong thực tế thì nó phải có tính chất dẫn đường, đi trước chứ không thể là cái chạy theo sau những điều thực tế diễn ra.