Xây dựng cơ sở pháp lý then chốt

Một phần của tài liệu phòng chống rửa tiền ở thế giới và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 34)

Chính phủ Mỹ quan tâm đến các cơ sở pháp lý để chống lại hoạt động rửa tiền hơn là đánh trực diện vào bọn tội phạm này vì họ muốn ngăn ngừa hoạt động rửa tiền ngay từ nguồn gốc của nó.

Cơ sở pháp lý đầu tiên của Mỹ về chống rửa tiền là luật bảo mật ngân hàng ra đời năm 1970 (Bank Secrecy Act). Theo đó, luật không hình sự hóa các hoạt động rửa tiền nhưng yêu cầu các tổ chức tài chính xây dựng và đảm bảo “dấu vết giấy tờ” liên quan đến một số giao dịch đáng ngờ. Đó là những giao dịch riêng lẻ có giá trị vượt quá 10.000 USD hoặc tập hợp của nhiều giao dịch nhỏ có giá trị vượt quá 10.000 USD được thực hiện từ một tài khoản trong một ngày. Nếu một nhân viên ngân hàng khi phát hiện ra những giao dịch đáng ngờ như vậy mà không tiến hành lập hồ sơ theo dõi và báo cáo thì có thể nhận mức án lên tới 10 năm tù giam. Khi ra đời, luật BSA liên tục bị phản đối, một số người thì chì trích những chi phí áp dụng, một số người lại cho rằng nó trái với điều sửa đổi lần 4 của Hiến pháp Mỹ về chống lại khám xét và bắt giữ vô cớ và điều sửa đổi lần 5 về tự buộc tội. Tuy vậy luật này vẫn được nhiều người đồng tình và ngày nay vẫn được áp dụng.

Luật về bảo mật ngân hàng ra đời và được áp dụng trong một thời gian dài cho đến năm 1986, một đạo luật riêng về chống rửa tiền mới ra đời (Money Laundering Control Act). Đạo luật này thừa nhận rửa tiền là một loại tội phạm liên bang và nó có bổ sung một số tội danh mới: cố ý dụ dỗ thực hiện giao dịch, một giao dịch lớn hơn 10.000 USD có được từ các hoạt động phạm pháp và cố ý thực hiện các giao dịch nhằm tránh những quy định về lưu trữ hồ sơ trong luật bảo mật ngân hàng. Đồng thời đạo luật này cũng hướng dẫn cụ thể hơn về việc lưu trữ và báo cáo các giao dịch đáng ngờ đối với các ngân hàng.

Sau đó hai năm, đạo luật về phòng chống ma túy (Anti- drug Abuse Act of 1988) ra đời, đưa ra những điều lệ làm gia tăng đáng kể mức hình phạt và đòi hỏi sự nghiêm ngặt, chính xác trong điều tra, phát hiện ra các tài liệu ghi chép về

lượng tiền mặt từ hoạt động làm tiền cụ thể. Đồng thời luật này cũng mở rộng định nghĩa về các định chế tài chính sang cả những người làm môi giới xe hơi, bất động sản và yêu cầu các tổ chức này cũng phải thực hiện việc lưu trữ và báo cáo các giao dịch tiền tệ lớn với cơ quan chuyên trách. Thêm vào đó, việc mua bán các công cụ tiền tệ từ 3.000 USD trở lên cũng cần phải có sự chứng thực để tránh bị tội phạm rửa tiền lợi dụng.

Tiếp theo đó, năm 1992, đạo luật chống rửa tiền Annunzio- Wylie (Annunzio- Wylie Anti- Money Laundering Act) ra đời. Đạo luật củng cố thêm cho các phê chuẩn trong luật bảo mật ngân hàng, yêu cầu thêm về việc xác nhận các điện chuyển tiền và thông báo, hướng dẫn thành lập ban cố vấn luật bảo mật ngân hàng (Bank Secrecy Act Advisory Group).

Năm 1994, luật về ngăn chặn rửa tiền (Money Laundering Suppression) ra đời. Luật này đưa thêm các quy định về việc các ngân hàng đại lý cũng cần phải hoàn thiện hệ thống báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Điều mới hơn so với các luật khác của luật này là nó điều chỉnh vai trò và trách nhiệm của các công ty dịch vụ tiền tệ trong phòng chống rửa tiền.

Đạo luật về chống tội phạm rửa tiền và tội phạm tài chính (Money Laundering And Financial Crimes Strategy Act 1998) yêu cầu các ngân hàng đại lý kiểm soát và nâng cao quy trình chống rửa tiền. Bộ tài chính và các ban ngành liên quan phải có chiến lược cụ thể đối phó với tội phạm rửa tiền và các tội phạm tài chính khác. Luật còn đưa ra yêu cầu thành lập một lực lượng đặc nhiệm để xác định những khu vực, những vùng địa lý hoặc các ngành dễ bị các loại tội phạm này hướng tới nhằm đưa ra các biện pháp hiệu quả.

Thêm một đạo luật nữa về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố ra đời vào tháng 10 năm 2001, sau sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9: USA PATRIOT Act- Uniting and Strengthenning America by Providing Appropriate Tools to Restrict, Intercept and Obstruct Terrorism Act of 2001). Luật củng cố thêm

khung pháp lý cho đạo luật bảo mật ngân hàng; nghiêm cấm các định chế tài chính làm ăn với các ngân hàng vỏ bọc nước ngoài; yêu cầu các tổ chức tài chính tiến hành nhận dạng khách hàng nhất là với những cá nhân, tổ chức lần đầu lập tài khoản; mở rộng chương trình phòng chống tội phạm rửa tiền ra với mọi định chế tài chính và yêu cầu các tổ chức tài chính phải cung cấp thông tin cho lực lượng chống rửa tiền.

Gần đây nhất, Mỹ đã cho ra đời đạo luật về thông tin tình báo và ngăn chặn khủng bố vào năm 2004 (Intelligence Reform & Terrorism Prevention Act of 2004). Đạo luật yêu cầu các định chế tài chính phải luôn sẵn sàng báo cáo và cung cấp thông tin về các giao dịch chuyển tiền bằng điện giữa các nước để phục vụ công cuộc chống rửa tiền và khủng bố.

Nhìn chung, Mỹ thường xuyên bổ sung hệ thống luật pháp để có thể đối phó được với tội phạm rửa tiền đang ngày càng phát triển tinh vi hơn. Chính những nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp lý đã giúp nước này đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc phòng chống rửa tiền.

Một phần của tài liệu phòng chống rửa tiền ở thế giới và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 34)