Nhóm 9 khuyến nghị đặc biệt này cùng với 40 khuyến nghị về chống rửa tiền ở trên sẽ tạo thành một khuôn khổ pháp lý cơ bản để phát hiện, ngăn chặn và trấn áp các hoạt động khủng bố và tài trợ cho khủng bố. 9 khuyến nghị này bao gồm việc phê chuẩn và thực hiện các công cụ của Liên hợp quốc về trấn áp hoạt động tài trợ khủng bố; hình sự hóa hành vi tài trợ khủng bố và kèm theo rửa tiền; phong tỏa, tịch thu tài sản của các đối tượng khủng bố; báo cáo các giao dịch đáng ngờ; cảnh giác với những giao dịch chuyển tiền; tiến hành hợp tác quốc tế
giữa các nước. Những nội dung của các khuyến nghị cần được kết hợp thực hiện nhưng vẫn phải có sự ứng dụng linh hoạt với riêng từng quốc gia.
Như vậy, trong chương 1, chúng ta đã khái quát được thế nào là rửa tiền, những hình thức của rửa tiền ra sao, hậu quả của nạn rửa tiền gây ra đối với xã hội như thế nào. Hoạt động rửa tiền trở thành vấn nạn chung của toàn thế giới đã đặt các quốc gia phải đứng chung trên một mặt trận, do đó FATF đã đưa ra một khung pháp lý chung để các quốc gia sử dụng nó như một cẩm nang hướng dẫn trong cuộc chiến chống rửa tiền cũng như tội phạm tài chính đầy cam go này. Sau khi đã có cái nhìn khái quát về rửa tiền và chống rửa tiền, chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu cụ thể thực trạng của hoạt động rửa tiền và phòng chống rửa tiền tại Mỹ và Việt Nam trong chương tiếp theo.
Chương 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG RỬA TIỀN VÀ PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN Ở MỸ VÀ VIỆT NAM