nguyên nhân
Nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế tiền mặt và các giao dịch tiền mặt cũng rất dễ bị hoạt động rửa tiền làm tổn thương nhưng dường như chúng ta mới chỉ tập trung vào chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng, mới nhìn thấy phần nổi
trong các giao dịch kinh tế còn giao dịch kinh tế tiền mặt lại là phần chìm và phần này lớn hơn rất nhiều so với phần nổi kia. Nghị định về giao dịch tiền mặt ra đời năm 2006 nhưng không hiệu quả. Nghị định nhằm hạn chế việc thực hiện giao dịch bằng tiền mặt nhưng hạn mức được thanh toán bằng tiền mặt còn quá thấp: 5 triệu đồng và 30 triệu đồng có phải con số xác đáng không vì có rất nhiều hoạt động cần chi hợp lý vượt quá những con số này, điều này sẽ cản trở việc thanh toán? Hơn nữa trong nghị định còn đưa ra hướng dẫn về việc chi các khoản dưới định mức vẫn có thể dùng tiền mặt để chi trả. Như vậy hướng dẫn này không thể tối đa hóa mục tiêu là hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.
Chúng ta tập trung vào chống rửa tiền qua các giao dịch qua hệ thống ngân hàng, chúng ta đã có nghị định hướng dẫn để tránh bị tội phạm rửa tiền lợi dụng làm công cụ nhưng chính sự yếu kém về quản trị ở ngân hàng và các định chế tài chính đã tạo cơ hội cho tội phạm rửa tiền phát triển. Người dân và các tổ chức tín dụng vẫn còn những ý kiến e ngại, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo lãnh đạo của một ngân hàng cổ phần, việc ban hành nghị định 74 về phòng chống rửa tiền là việc phải thực hiện theo cam kết quốc tế nhưng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và tạo tâm lý cho người dân có tiền gửi tiết kiệm, thay vì gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi tiết kiệm thì người đầu tư sẽ đầu tư vào vàng, đô la Mỹ hoặc nhà đất để đảm bảo tính bí mật, nguồn kiều hối gửi về nước vì thế cũng sẽ giảm đi nhanh chóng. Còn các doanh nghiệp sẽ ưu tiên phương thức thanh toán bằng tiền mặt để khỏi bị “nhòm ngó” mỗi khi giao dịch qua ngân hàng với giá trị lớn. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng rất miễn cưỡng khi nghĩ tới việc phải tuân thủ hoàn toàn các điều khoản trong Nghị định, một phần lo ngại sẽ mất khách và tổng giá trị giao dịch của một khách hàng đạt 200 đến 500 triệu đồng phải báo cáo là số lượng vô cùng lớn. Thêm vào đó, người ta còn lo ngại về tính bảo mật thông tin tài khoản nên càng dè dặt hơn trong việc tiến hành giao dịch qua ngân hàng.
Theo luật sư Lê Thanh Sơn, văn phòng luật sư AIC, người đã nghiên cứu khá kỹ về vấn đề này cho rằng: “tính thiếu hiệu quả” trong các hoạt động chống rửa tiền tại Việt Nam cơ bản là do chúng ta thiếu một khung pháp luật hoàn thiện và một cơ chế kiểm soát đồng bộ và có hiệu quả. Thực tế là hiện nay các quy định về chống tội phạm rửa tiền được quy định rải rác tại các văn bản khác nhau, các thiết chế có chức năng đấu tranh chống loại tội phạm này lại chưa có một cơ chế hợp tác, phối hợp hiệu quả và chuyên trách.
Nói tóm lại, công cuộc phòng chống rửa tiền của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế là do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa xác đáng, chưa đồng bộ, hiệu lực pháp lý chưa thực sự cao; sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng trong nước cũng như trên thế giới chưa thực sự sâu sắc. Đó là những điểm mà chúng ta cần khắc phục để công tác phòng chống rửa tiền ở nước ta đạt được hiệu quả.
Như vậy, trong chương 2, chúng ta đã có một cái nhìn bao quát về tình hình rửa tiền cũng như hoạt động phòng chống rửa tiền diễn ra tại Mỹ và Việt Nam, rút ra được bài học kinh nghiệm từ hoạt động phòng chống rửa tiền của Mỹ, nhận thấy những hạn chế còn tồn tại trong cuộc chiến chống rửa tiền của chúng ta. Vì vậy trong chương 3 tới, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả trong công cuộc phòng chống rửa tiền ở nước ta.
Chương 3: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG CUỘC PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN TẠI VIỆT NAM