Củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống rửa tiền

Một phần của tài liệu phòng chống rửa tiền ở thế giới và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 62)

Theo luật sư Lê Thanh Sơn thì rõ ràng “tính thiếu hiệu quả” trong các hoạt động chống rửa tiền tại Việt Nam cơ bản là do chúng ta thiếu một khung pháp luật hoàn thiện và một cơ chế kiểm soát đồng bộ và hiệu quả. Thực tế là hiện nay các quy định về chống tội phạm rửa tiền được quy định rải rác tại các văn bản khác nhau, các thiết chế có chức năng đấu tranh chống loại tội phạm này lại chưa có một cơ chế hợp tác và phối hợp hiệu quả, chuyên trách. Chúng ta đã có nghị định 74/2005/NĐ – CP là văn bản cụ thể và chuyên biệt nhất về chống rửa tiền nhưng vẫn chưa bao quát được hết các vấn đề. Chúng ta nên mau chóng cho ra đời một luật riêng về phòng chống rửa tiền chứ không phải chỉ ở dạng nghị định như hiện nay. Ngay cả trong nghị định 74/2005/NĐ – CP tại điều 3 khoản 1 có quy định tội rửa tiền là gì nhưng mới chỉ gói gọn trong 3 mục, như vậy còn quá ít, quá đơn giản. Trong khi đó theo như 40+9 khuyến nghị của FATF thì cần thiết phải liệt kê ra ít nhất là 20 loại tội danh có liên quan. Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 33 của nhóm châu Á – Thái Bình Dương APG,

tổ chức tự quản và hợp tác về chống rửa tiền. Việt Nam đã cam kết thực hiện các điều khoản về chống rửa tiền, đặc biệt là các khuyến nghị của FATF, theo đó, tại khuyến nghị 1 và 2, Việt Nam cần phải hình sự hóa hành vi rửa tiền sao cho phù hợp với tiêu chuẩn công bố trong công ước Viên và công ước Palermo. Đối chiếu với yêu cầu hình sự hóa của Công ước Viên và Công ước Palermo và các khuyến nghị của FATF, Việt Nam đã hình sự hóa khá nhiều hành vi rửa tiền, tuy nhiên vẫn cần phải bổ dung các tội danh mới vào Bộ luật Hình sự cho phù hợp cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố như tội giao dịch nội gián, tội thao túng thị trường, tội tài trợ khủng bố, tội buôn người, tội mua bán, đánh tráo hoặc trao đổi trẻ em, tội đưa người vào nhập cư bất hợp pháp. Đồng thời, khi chúng ta chưa đưa ra một văn bản pháp lý nào cao hơn nghị định 74/2005 về chống rửa tiền thì chúng ta cần thiết phải bổ sung thêm vào văn bản này những loại tội phạm có liên quan đến hoạt động rửa tiền, những loại tội phạm nguồn dẫn tới hoạt động rửa tiền.

Sau khi nghị định 74/2005/NĐ – CP về chống rửa tiền được ra đời thì năm 2006, chính phủ lại ban hành nghị định số 161/2006/NĐ – CP quy định về thanh toán tiền mặt. Nhiều người băn khoăn liệu nghị định thanh toán bằng tiền mặt có thực sự là cần thiết và có tác dụng như mong muốn trong nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt như nước ta hiện nay? Mức giới hạn chi bằng tiền mặt cho một khoản chi đối với doanh nghiệp có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và không sử dụng kinh phí nhà nước là 10 và 15 triệu đồng. Mức giới hạn này có đủ khả năng để hạn chế các hành vi tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ hay không? Tác giả thiết nghĩ nhà nước nên xem xét lại định mức này cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đất nước qua mỗi thời kỳ.

Giống nhiều nước trên thế giới đã thành công trong công cuộc phòng chống rửa tiền như Mỹ, Singapore, Thái Lan,… Việt Nam cũng cố gắng xây dựng hệ thống pháp luật để đối phó lại với vấn nạn này đồng thời thành lập ra đơn vị chuyên trách làm đầu mối thu thập, xử lý thông tin và hơp tác với các cơ

quan điều tra khác. Trước kia đơn vị này có tên là Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền và nay là Cục phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan Giám sát và Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là bước đầu thành công của nước ta có được một cơ quan chuyên về mảng tội phạm nguy hiểm này. Tuy nhiên đơn vị này trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước chỉ là một cơ quan ngang bộ, do vậy Cục phòng chống rửa tiền vẫn chưa có vị trí độc lập như các cơ quan tình báo chuyên trách của các nước khác trên thế giới. Hiện tại Ngân hàng Nhà nước được coi như là đầu tầu trong hoạt động tài chính của nước ta nên Cục phòng chống rửa tiền do Ngân hàng Nhà nước quản lý là một điều phù hợp. Nhưng trong thời gian tới, nếu nền kinh tế nước ta có thêm nhiều kênh dẫn vốn mới và Ngân hàng Nhà nước không còn là trung tâm tài chính nữa thì Nhà nước ta nên quan tâm đến việc thiết lập Cục phòng chống rửa tiền như một cơ quan chuyên trách ngang bộ. Khi đó đơn vị này không chỉ điều tra, xử lý các hoạt động có liên quan hoặc bị nghi ngờ có liên quan đến rửa tiền trong ngành ngân hàng mà cả các ngành khác.

Một phần của tài liệu phòng chống rửa tiền ở thế giới và bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 62)