Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch

Một phần của tài liệu nghiên giá trị văn hóa dân tộc khmer tỉnh sóc trăng phục vụ cho phát triển du lịch (Trang 30)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

1.2.4. Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch

Từ những khái niệm và định nghĩa về văn hóa, du lịch như đã nêu trên, có thể thấy mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa là mối quan hệ biện chứng. Hoạt động du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội, tạo điều kiện nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng, thúc đẩy phát triển văn hóa. Ngược lại, văn hóa phát triển, bản sắc văn hóa được giữ gìn, công trình văn hóa được tôn tạo, vốn văn hóa truyền thống được khôi phục, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được hoàn thiện sẽ tạo điều kiện thu hút du khách, tăng trưởng kinh tế du lịch.

- Văn hóa là tài nguyên của du lịch

Các đối tượng văn hóa được coi là tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn. Tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn du khách bởi sự hoang sơ, độc đáo, hiếm hôi; tài nguyên nhân văn thu hút du khách do tính phong phú, đa dạng, đặc sắc bởi tính truyền thống, tính địa phương của nó. Tài nguyên nhân văn là cơ sở chủ yếu tạo nên các loại hình du lịch văn hóa phong phú. Mặc khác, nhận thức văn hóa còn nhiều yếu tố thúc đẩy động cơ du lịch của du khách.

Mỗi dân tộc dù nhỏ bé, lạc hậu về kinh tế đến đâu vẫn có khả năng đóng góp những giá trị văn hóa xứng đáng vào di sản văn hóa chung của nhân loại. Những di sản văn hóa ấy có thể trở thành tài nguyên du lịch của quốc gia. Việt Nam có những điều kiện thuận lợi rất lớn về tài nguyên du lịch. Bên cạnh thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam còn có cả một kho tài nguyên văn hóa phong phú: bề dày lịch sử và văn hóa, hàng ngàn di tích được xếp hạng thế giới và quốc gia, hàng vạn thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng làm cho nơi nào cũng phản phất khí thiêng sông núi, lung linh những giá trị lịch sử, giá trị nhân văn đặc thù. Hàng trăm lễ hội dân gian trong cả nước tạo nên sức sống cho các di tích, các địa danh với nhiều màu sắc khác nhau về văn hóa lịch sử và văn hóa tâm linh. Việt Nam mang trong mình một vốn nghệ thuật dân tộc với nhiều loại hình phong phú về dân ca, dân vũ, sân khấu truyền thống, mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc… mà mỗi loại hình đều thể hiện màu sắc đặc trưng theo từng tộc người, từng vùng, từng miền trong đó đặc biệt là nghề thủ công truyền thống rất đa dạng, phong phú và tinh xảo… Việt Nam có 54 dân tộc anh em thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau, đại diện cho các ngữ hệ, các sắc tộc của vùng Đông Nam Á. Nét đặc sắc của các tộc người như một vườn hoa đa sắc màu về văn hóa tộc người phân bố rải rác khắp mọi miền đất nước và vẫn còn giữ được đầy đủ nét hoang sơ trong phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng,nếp sống vật chất, tinh thần… Ở Việt Nam đâu đâu người ta cũng tìm thấy một nền văn hóa ẩm thực phong phú, độc đáo, hấp dẫn theo từng vùng, miền.

Trải qua nhiều thử thách của việc giao lưu và tiếp biến văn hóa, Việt Nam vẫn khẳng định được bản sắc văn hóa của mình. Qua lịch sử và thực tế giao tiếp, không ai phủ nhận được dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam nói chung có truyền thống hiếu khách, biết thương yêu và quý trọng con người, chuộng hòa bình, coi trọng đạo lý, nặng nghĩa tình…

Tóm lại, Việt Nam có rất nhiều cơ sở và điều kiện để phấn đấu xây dựng một ngành du lịch vững chắc trên nền tảng các giá trị văn hóa đúng nghĩa và chân chính nhất. Nói khác đi văn hóa là điểm tựa vững chắc nhất của du lịch Việt Nam trên bước đường hội nhập với du lịch khu vực và du lịch thế giới.

- Sản phẩm du lịch mang nội dung văn hóa

Sản phẩm du lịch là lọai sản phẩm có tính tổng hợp, ngoài sản phẩm vật chất hữu hình (văn hóa vật thể), tuyệt đại bộ phận là sản phẩm vô hình (văn hóa phi vật thể) thỏa mãn nhu cầu tinh thần của du khách. Do đó giá trị sử dụng và giá trị của sản phẩm du lịch có một số đặc điểm riêng.

Giá trị sử dụng của sản phẩm du lịch là ở chỗ nó có thể thõa mãn nhu cầu có tính tổng hợp của du khách trong quá trình du lịch, một mặt vừa bao gồm các nhu cầu cơ bản như ăn, ở, đi lại của du khách, mặt khác còn bao gồm các nhu cầu tinh thần như tham quan, du ngoạn, làm phong phú kiến thức, tăng cường giao lưu… Do đó giá trị sử dụng của nó có tính đa chức năng. Mặc khác, sản phẩm du lịch là sự kết hợp của sản phẩm vật chất, sản phẩm tinh thần và dịch vụ. Tính vô hình của sản phẩm du lịch khiến giá trị sử dụng của sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, chỉ có thể thông qua sự đánh giá của du khách, đo lường của du khách.

Sản phẩm du lịch kết tinh lao động phổ biến của con người, là kết quả tiêu hao sức lực, trí lực của con người, có giá trị như hàng hóa vật chất nói chung, nhưng sản phẩm du lịch có nhu cầu phức tạp, nội dung phong phú. Giá trị của sản phẩm du lịch có thể chia ra làm ba nội dung là giá trị sản phẩm vật chất, giá trị dịch vụ du lịch và sức thu hút của du khách. Trong đó, giá trị sản phẩm vật chất và giá trị dịch vụ du lịch có thể xác định được, trong khi tố chất văn hóa, kỹ năng chuyên môn, trình độ đạo đức nghề nghiệp của cán bộ du lịch… là khó xây dựng cho nên sức thu hút du khách là nội dung quan trọng tạo thành sản phẩm du lịch. Nó vừa là sự thu hút thuần túy tự nhiên lại vừa bao gồm sự thu hút từ cảnh quan, hiện tượng xã hội, nhân văn…

Du lịch là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt của con người, được phát triển phù hợp với quy luật của nền văn minh nhân loại trên những thang bậc mới. Hoạt động du lịch hoàn

thành chức năng tái sản xuất sức lao động xã hội bằng phương thức tăng nhịp độ hoạt động của đời sống tinh thần của con người.

Trên cơ sở đó, chúng ta có thể phân tích rõ đặc thù của sản phẩm du lịch là: giá trị sử dụng của sản phẩm du lịch không phải là ở cái tồn tại vật chất, hiện hữu. Đối tượng “mua và bán” không phải là tài nguyên du lịch mà là cái chứa đựng trong tài nguyên du lịch những khả năng thỏa mãn nhu cầu của du khách. Do vậy, giá trị sử dụng của những sản phẩm du lịch không mất đi sau mỗi lần “bán” mà ngược lại, càng qua bán nhiều lần giá tri sử dụng này càng tăng. Giá trị sử dụng của sản phẩm du lịch không phải là cái ổn định ngang bằng với mọi đối tượng mua. Cấu tạo giá trị của sản phẩm du lịch là lợi nhuận của ngành du lịch phản ánh đặc thù sự hình thành sản phẩm của ngành. Du khách mua giá trị sử dụng của sản phẩm du lịch tức là mua cái khả năng thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của họ. Cấu trúc nhu cầu đặc trưng rất phong phú, đa dạng, bao gồm những mặt chủ yếu như sau: nhu cầu cảm thụ cảnh quan; cảm thụ giá trị văn hóa lịch sử và truyền thống; nhu cầu nghỉ ngơi,tìm kiếm, khám phá những tri thức, cảm xúc mới. Những nhu cầu này thể hiện tính văn hóa của hoạt động du lịch, nói cách khác sản phẩm du lịch mang nội dung văn hóa vì sản phẩm của du lịch chính là sự kết tinh của ba yếu tố: cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc và những thành tựu của nền văn minh vật chất. Như vậy, văn hóa chính là nền tảng tạo ra chất lượng và hiệu quả cho các sản phẩm của du lịch. Các giá trị văn hóa quyết định nét đặc sắc, độc đáo của các sản phẩm du lịch.

- Du lịch là một phương tiện quảng bá văn hóa

Văn hóa gắn với các hoạt động của con người nên có tính giao lưu, nhờ giao lưu mà các hoạt đọng văn hóa được lan truyền giữa các vùng, miền và các quốc gia với nhau. Du lịch ngày nay là con đường để nhận biết tính đa dạng và đặc sắc của các nền văn hóa. Du lịch là cầu nối hòa bình, thông qua du lịch du khách thấu hiểu hơn về nền văn hóa của vùng đất họ đến tạo điều kiện cho các dân tộc gần nhau hơn.

Trong thời gian đi du lịch du khách sẽ tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm du lịch, các loại hình văn hóa đa dạng, phong phú là những yếu tố quyết định chất lượng của chuyến đi, cái tạo nên sự thích thú đặc biệt của du khách.

- Ảnh hưởng tích cực của du lịch đối với văn hóa, kinh tế, xã hội

Du lịch vừa là đòn bẫy kinh tế vừa là hiện tượng văn hóa xã hội. Sự phát triển nhanh chống của du lịch có ảnh hưởng rất rõ rệt đối với kinh tế thế giới và văn hóa của nhân loại.

Đặc điểm nổi bật nhất của du lịch hiện đại là tính đại chúng. Sự to lớn về quy mô du lịch trên thế giới hiện nay khiến du lịch hình thành mối quan hệ đan chéo phức tạp hơn so với trước đây. Ảnh hưởng của nó liên quan đến nhiều lĩnh vực của văn hóa xã hội và ngày càng được coi trọng. Lúc đầu ngành du lịch của một số nước đang phát triển chỉ nặng về kinh tế, coi nhẹ sự ảnh hưởng của nó về văn hóa xã hội. Về sau, cùng với sự mở rộng về quy mô du lịch, sự trưởng thành của ngành du lịch đã coi trọng mặt ảnh hưởng của du lịch đối với văn hóa xã hội. Việc này nếu không được chú trọng thì ảnh hưởng văn hóa xã hội của du lịch sẽ trở nên phức tạp, đa dạng. Các loại mâu thuẫn lợi ích do nó sinh ra sẽ càng gay gắt.

Một phần của tài liệu nghiên giá trị văn hóa dân tộc khmer tỉnh sóc trăng phục vụ cho phát triển du lịch (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)