Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Một phần của tài liệu nghiên giá trị văn hóa dân tộc khmer tỉnh sóc trăng phục vụ cho phát triển du lịch (Trang 41)

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

2.1.3. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

- Khí hậu:Cũng giống như các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL, Sóc Trăng thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa cận xích đạo. Khí hậu hàng năm có hai mùa rõ rệt là mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11),với sự hoạt động của mùa Tây Nam và mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) với gió mùa Đông Bắc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của loại gió này rất yếu.

Nhiệt độ trung bình năm của tỉnh là 27,50C, cao nhất là 37,80C( tháng 4/1958), thấp nhất 24,20C( tháng 1/1996) và hầu như không có chênh lệch lớn giữa các vùng trong tỉnh. Số giờ nắng bình quân hàng năm là 2.450 giờ. Độ ẩm trung bình năm là 84%, cao nhất là 90% vào mùa mưa, thấp nhất 76% vào mùa khô. Với biên độ nhiệt chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm tương đối thấp khoảng 140C. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.489mm - 90% lượng mưa thuộc các tháng từ tháng 5 đến tháng 11. Độ ẩm trung bình hàng năm là 84%. Lượng nước bốc hơi trung bình hàng năm khoảng 1.126mm. Tốc độ gió trung bình khoảng 2,2 m/s. Tốc độ này nhanh hay chậm từng khu vực khác nhau, càng gần biển thì tốc độ càng lớn. Vào mùa gió chướng (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) luồng gió ngược dòng sông Hậu với tốc độ khoảng 6 - 11 m/s (khi cao nhất có thể đến 17 m/s) và chính nó là nguyên nhân gây nên hiện tượng xâm thực của nứơc mặn vào đất liền lớn vào mùa này.

Với điều kiện khí hậu như vậy, Sóc Trăng là khu vực rất lý tưởng cho phát triển du lịch, du khác có thể đến tham quan vào bất cứ mùa nào trong năm. Tuy nhiên, do độ ẩm tương đối cao là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, do đó cần có biện pháp phòng chống nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

- Địa hình: Sóc Trăng có địa hình thấp và tương đối bằng phẳng. Độ cao cốt đất tuyệt đối từ 0,4 - 1,5 m, độ dốc thay đổi khoảng 45 cm/km chiều dài. Nhìn chung địa hình tỉnh Sóc Trăng có dạng lòng chảo, cao ở phía sông Hậu và biển Đông thấp dần vào trong, vùng thấp nhất là phía Tây và Tây Bắc. Tiểu địa hình có dạng gợn sóng không đều, xen kẽ là những giồng cát địa hình tương đối cao và những vùng thấp trũng nhiễm mặn, phèn. Đó là những dấu vết trầm tích của thời kỳ vận động biển tiến và lùi tạo nên các giồng cát và các bưng trũng ở các huyện Mỹ Tú, thị xã Sóc Trăng, Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu. Vùng đất phèn có địa hình lòng chảo ở phía Tây và ven kinh Cái Côn có cao trình rất thấp, từ 0 - 0,5 m, mùa mưa thường bị ngập úng làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng. Vùng cù lao trên sông Hậu cũng có cao trình thấp, thường bị ngập khi triều cường, vì vậy để đảm bảo sản xuất phải có hệ thống đê bao chống lũ. Với địa hình đó, Sóc Trăng chưa có nhiều lợi thế về du lịch so với các tỉnh có vùng đồi núi. Tuy nhiên, Sóc Trăng với địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, với những vườn trái cây xum xuê trĩu quả, ruộng lúa thẳng cánh cò bay lại là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch hấp dẫn như: homestay, du lịch văn hóa...

- Thủy văn: Sóc Trăng có hệ thống kênh rạch chằng chịt và chịu ảnh hường của chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần, mực triều dao động trung bình từ 0,6 m đến 1,4 m. Thủy triều vùng biển không những gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cư dân địa phương, mà còn mang lại nhiều điều lỳ thú cho du khách khi đến tham quan, du lịch và tìm hiểu hệ sinh thái rừng tự nhiên.

- Tài nguyên đất: Sóc Trăng có tổng diện tích đất tự nhiên là 331.176,29 ha. Đất đai của Sóc Trăng có độ phì nhiêu cao, thích hợp cho việc phát triển cây lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày như: mía, đậu nành, bắp, các loại rau màu như hành, tỏi và các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, sầu riêng... Hiện đất nông nghiệp là 276.677 ha, chiếm 82,89%; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 205.748 ha (chiếm 62,13%), đất lâm nghiệp có rừng 11.356 ha (chiếm 3,43%), đất nuôi trồng thuỷ sản 54.373 ha (chiếm 16,42%), đất làm muối và đất nông nghiệp khác chiếm 0,97%. Trong tổng số 205.748 ha đất sản xuất nông nghiệp có 144.156 ha sử dụng cho canh tác lúa, 21.401 ha cây hàng năm khác và 40.191 ha dùng trồng cây lâu năm và cây ăn trái. Riêng đất phi nông nghiệp là 53.963 ha và 2.536 ha đất chưa sử dụng1

1Niên giám thống kê Sóc Trăng 2009

Mặc dù còn một số hạn chế về điều kiện tự nhiên như thiếu nước ngọt và bị xâm nhập mặn trong mùa khô, một số khu vực bị nhiễm phèn, nhưng việc sử dụng đất ở Sóc Trăng lại có nhiều thuận lợi cơ bản để phát triển nông, ngư nghiệp đa dạng và trên cơ sở đó hình thành những khu du lịch văn hóa phong phú.

Đặc biệt, Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung chạy dài ra tận cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như cồn Mỹ Phước, Khu du lịch Song Phụng, Cù Lao Dung... là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch văn hóa.

- Tài nguyên rừng

Sóc Trăng còn có nguồn tài nguyên rừng với diện tích 11356 ha với các loại cây chính: Tràm, bần, giá, vẹt, đước, dừa nước phân bố ở 4 huyện Vĩnh Châu, Long Phú, Mỹ Tú và Cù Lao Dung. Rừng của Sóc Trăng thuộc hệ rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ở khu vực đất nhiễm phèn.

Với chủ trương giao đất giao rừng cho nhân dân đầu tư theo hướng thâm canh, thực hiện mô hình – nông – lâm – ngư kết hợp, Sóc Trăng sẽ tạo điều kiện tốt để phát triển sản xuất, cải thiện môi trường, môi sinh, nâng cao mức sống dân cư, tạo cơ sở cho phát triển du lịch.

- Tài nguyên nước

Nguồn nước từ sông Hậu thông qua hệ thống kênh rạch chằng chịt là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất và sinh hoạt của tỉnh. Ngoài ra, nguồng nước ngầm ở độ sâu từ 100 – 180m, có chất lượng khá tốt có thể khai thác phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Nhà máy nước Sóc Trăng đã khai thác nguồn nước ngầm ở độ sâu khoảng 490 m, có trữ lượng khá lớn phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở thành phố Sóc Trăng, đặt biệt là mạch nước nóng tự nhiên vùng Mỹ Xuyên và phường 2, thành phố Sóc Trăng đang được khai thác phục vụ sinh hoạt. Ngoài ra, Sóc Trăng còn có loại nướ ngầm mạch nông từ 5 – 30m, lưu lượng tùy thuộc vào lượng nước mưa, bị nhiễm mặn vào mùa khô.

Sông rạch ở Sóc Trăng rất phát triển với chiều dài hơn 3000 km, là một nguồn tài nguyên phong phú phục vụ cho việc đi lại của dân cư, đưa lượng phù sa lớn về bồi đắp cho những cánh đồng, hình thành nên những cù lao màu mỡ thuận lợi ho trồng cầy ăn trái, là nguồn tài nguyên quí giá phục vụ cho du lịch. Mặc dù Sóc Trăng có rất nhiều con sông chảy qua, nhưng có thể nói: Sông Hậu, sông Mỹ Thanh và kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp là ba con sông chính có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên hệ thống sông ngòi ở Sóc Trăng.

+ Tài nguyên biển

Biển Sóc Trăng theo điều tra bước đầu, vùng biển có trữ lượng trên 1,2 triệu tấn, khả năng khai thác hàng năm 630.000 tấn. Đây là vùng biển có trữ lượng thủy sản lớn với nhiều loại tôm, cá, có giá trị kinh tế lớn như: cá hồng, gộc, sao, thu, chim, đường, dứa...

Sóc Trăng có 72 km bờ biển, có nguồn hải sản đáng kể bao gồm cá đáy, cá nổi và tôm. Sóc Trăng có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển tổng hợp, thuỷ hải sản, nông - lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, thương cảng, cảng cá, dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu, du lịch và vận tải biển.

Những kết quả thăm dò bước đầu cho thấy dưới thềm lục địa ngoài khơi gần Sóc Trăng (Nam Côn Sơn) còn có triển vọng về việc khai thác dầu, khí đốt...khi đưa vào khai thác sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống cư dân của khu vực ĐBSCL và tạo điều kiện đưa khu vực này phát triển.

Một phần của tài liệu nghiên giá trị văn hóa dân tộc khmer tỉnh sóc trăng phục vụ cho phát triển du lịch (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)