6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
2.3.2.3. Văn nghệ dân gian
a. Văn học dân gian
Cũng giống như người Khmer ở ĐBSCL, người Khmer Sóc Trăng hiện nay con lưu truyền rất nhiều truyện cổ tích gốc Balamon, truyện ngụ ngôn, truyện giáo dục đạo đức xã hội nổi tiếng như truyện “Thmênh cheay” hay “Acheay” (giống như truyện Trạng Quỳnh ở Việt Nam) và một kho tàng ca dao, tục ngữ, câu đối, câu nói lái phong phú... Ngoài ra, còn
có rất nhiều truyện về lịch sử nhằm giải thích các địa danh, cổ tích. Đồng bào Khmer Sóc Trăng hiện nay vẫn còn lưu truyền một kho tàng văn học dân gian phong phú, biểu hiện da dạng ở cả nội dung và hình thức: thơ ca (Knâm nap), truyện thần thoại (Rương boran), truyện cổ tích (Rương prêng), tục ngữ (Sophease), câu đố (Peak bânđao), ... Hâu hết các thể loại này đều có mặt trong các vở diễn Roobam hoặc Yukê. Người Khmer sớm có chữ viết nên cho đến nay vẫn con lưu giữ nhiều tài liệu, thư tịch cổ của nhiều bộ môn dưới dạng các văn bản trên lá cây Thốt Nốt – gọi là sách “Sătra”. Nhìn chung, văn học dân gian Khmer có thể phân thành 2 dạng diễn đạt là văn xuôi (peak samarrai) và văn vần (kâm nap).
b. Sân khấu dân gian
Nghệ thuật sân khấu là một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer. Trong lịch sử, nghệ thuật sân khấu tuồng của người Khmer phát triển từ nhiều loại hình thức khác nhau từ mức độ đơn giản (dân gian) đến phức tạp (cung đình). Tuy nhiên, phần lớn các loại hình sân khấu này, theo thời gian dần dần mai một do thiếu nghệ sĩ, nghệ nhân... Cho đến nay, nghệ thuật sân khấu Khmer chỉ còn tồn tại 3 hình thức hòan chỉnh và phổ biến là sân khấu Rôbam, sân khấu Yukê và sân khấu Lakhôn. Nghệ thuật sân khấu Khmer luôn hàm chứa nhiều yếu tố khác nhau của các lĩnh vực xã hội: múa, hát, nhạc, điêu khắc, hội họa... có thể nói nghệ thuật sân khấu Khmer là linh hồn của toàn bộ hệ thống nghệ thuật dân tộc mang đậm nét văn hóa và bản sắc riêng của người Khmer.
- Sân khấu Rôbam(múa mặt nạ): Đây là loại hình sân khấu cổ truyền của người Khmer, có xuất xứ từ cung đình nhưng sau nhiều thế kỷ đã hoà nhập vào các phum, sóc của cộng đồng với mặt nạ các thần như: Chim thần Krut, thần khỉ Hanuman, thần chằn Krong Riep, thần rắn Naga,… Loại hình này lấy ngôn ngữ múa làm phương tiện chính để diễn đạt nội dung, do đó Rôbam còn được gọi là nghệ thuật múa sân khấu hay kịch múa. Tuồng tích biểu diễn của Roobam thông thường là chuyện cung đình hoặc những truyền thuyết mang mầu sắc thần thoại... Vở nổi tiếng nhất được hầu hết các đoàn Rôbam xem như kinh điển là vở “Réamkèr”, được rút ra từ áng anh hùng ca Ramayana của Ấn Độ. Ngoài những điệu múa cung đình, người Khmer còn có các điệu múa dân gian truyền thống như: múa trống Xà Dăm, múa Gáo, múa Rôm Vông, Rôm Khách...
- Sân khấu Dù Kê (kịch hát):ra đời trong dân gian từ đầu thế kỷ XX, phát triển rực rỡ nhất từ sau giải phóng. Yukê là một loại hình nghệ thuật được hình thành trên cơ sở sự giao lưu văn hóa kịch nghệ các dân tộc mà nền tảng là sân khấu Roobam đã được dân gian hóa và nó còn chịu ảnh hưởng của hát Tiều, hát Quảng, hát Cải lương... Có thể nói Yukê là một
loại hình nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn giao lưu văn hóa của cộng đồng người Khmer ở ĐBSCL.
- Sân khấu Lakhôn:Đây là một dạng tương tự như kịch nói của người Việt, hình thành trên cơ sở sân khấu Yukê, được thể hiện trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc kết hợp với những thành công của nghệ thuật sân khấu Campuchia. Sân khấu Lakhôn có 2 dạng phổ biến là Lakhôn cheat và Chhak khliêng (hài kịch).
Nói đến văn nghệ dân gian của người Khmer không thể không đề cập đến hệ thống các loại nhạc cụ. Nhạc cụ của người Khmer rất phong phú và đa dạng, được chia làm hai loại: dàn nhạc dân gian (nhạc dây) và dàn nhạc lễ (nhạc ngũ âm). Dàn nhạc ngũ âm độc đáo, là linh hồn của âm nhạc Khmer. Dàn ngũ âm không thể thiếu được trong những đêm hội dân gian, dàn nhạc hoàn chỉnh thường cần 9 người chơi để tạo ra dòng âm thanh đặc trưng của dân tộc Khmer Nam Bộ, gồm những nhạc cụ được chế tác bằng 5 chất liệu khác nhau: bộ đàn Rô-net-dek (sắt), đôi chũm choẹ Chhưng (đồng), đàn Rô-net-thun (gỗ), bộ trống Skô- som-phô (da) và kèn Srôlây (hơi).
c. Ca múa
Đồng bào Khmer rất thích và rất xem trọng ca hát, họ có cả hệ thống những bài hát dân gian được phân chia cụ thể dành riêng cho từng dịp lễ, hội. Chẳng hạn như trong lễ cưới, các bài hát vừa diễn tả vừa ca ngợi tình cảm con người trong hôn nhân, những cuộc hôn nhân tốt đẹp là kết quả của tình yêu đôi lứa. Chúng được hát tuần tự trong từng phần nghi thức của buổi lễ, ví dụ như lúc nhà trai tìm cớ xin vào nhà, họ bắt đầu múa và hát lời xa, gần, nào là chuyện xin đất làm nhà, nào là chuyện xin múc nước giếng,… Sau đó, tuần tự các bài hát khác cũng được hát suốt lễ cưới như bài: “Cắt tóc”, “Lễ cột tay” rồi đến “Tiễn khách ra về”. Và như trong làn điệu dân ca có xướng xô và nhịp điệu gắn bó với động tác chèo ghe trong lễ hội đua ghe Ngo hằng năm của người Khmer…
Múa là hình thức sinh hoạt nghệ thuật đặc sắc của người Khmer, đặc biệt là múa dân gian. Những điệu múa phổ biến trong moại tầng lớp quần chúng nhân dân, bất cứ lúc nào, ở đâu, gặp khi quần tụ vui chơi, sinh hoạt tập thể thì người Khmer có thể cùng múa với nhau. Các điệu múa nổi tiếng của người Khmer phải kể đến múa Râm vông, múa Lâm lêv, múa Sarvanđây là 3 điệu múa phổ biến nhất trong nội dung múa của hầu hết mọi cuộc sinh hoạt tập thể. Có thể nói người Khmer nào cũng biết múa 3 điệu này. Ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời gian nào nếu có điều kiện sinh hoạt chung và trong tâm trạng vui tươi phấn khích người ta có thể múa các điệu múa này.
Như vậy, khai thác những giá trị văn hóa người Khmer Sóc Trăng trong hoạt động du lịch không thể không đề cập tới văn nghệ dân gian. Người Khmer Nam bộ nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng từ lâu đã sáng tạo và gìn giữ những tinh hoa văn nghệ dân gian cho tới hiện nay. Du lịch hiện nay đang phát triển theo hướng đa dạng loại hình du lịch, đa dạng sản phẩm du lịch... Do đó, ngành du lịch Sóc Trăng hoàn toàn có thể khai thác yếu tố văn nghệ dân gian vào việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù chẳng hạn như xây dựng “Làng văn hóa người Khmer”, giao lưu văn hóa...