III. SƠ BỘ ĐÁNH GIÁ, ĐIỀU KIỆN SINH THÁI VÙNG NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT CÂY DƯỢC LIỆU TẠI 5 HUYỆN (SAPA, BẮC HÀ,
b. Nhóm dược liệu có lợi thế tại vùng khí hậu mát và không dưới tán rừng
b.12. Cây Huyền Sâm
- Tên khoa học: Scrophularia ningpoensis Hemsl - Họ: Hoa mõm sói - Scrophulariaceae.
- Tên khác: Nguyên sâm, Hắc sâm, Ô nguyên sâm. - Đặc điểm thực vật:
+ Cây thảo sống nhiều năm, cao 1,5-2m. Rễ củ hình trụ dài 5-15cm, đường kính 0,6-3cm, vỏ ngoài màu vàng xám. Thân vuông màu lục, có rãnh dọc. Lá mọc đối, hình trứng hay hình mác, dài 10-17cm, mép có răng cưa nhỏ, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nhạt, có ít lông nhỏ rải rác. Cụm hoa là những xim tán họp thành chuỳ to, thưa hoa ở nách lá và ngọn cành, hoa màu vàng nâu hoặc tím đỏ có 5 lá đài hàn liền nhau, 5 cánh hoa họp thành tràng hoa hình chén có môi trên dài hơn môi dưới, nhị 4 có 2 cái dài, 2 cái ngắn. Quả nang hình trứng, dài 8-9mm mang đài tồn tại, chứa nhiều hạt nhỏ màu đen.
+ Mùa hoa tháng 6-10.
- Bộ phận dùng làm thuốc: Rễ củ - Radix Scrophulariae. - Nơi sống và thu hái:
+ Loài cây của Trung Quốc được di thực vào nước ta vào những năm 1960. Ban đầu được trồng ở Sapa, Bắc Hà (tỉnh Lào cai) và Phó Bảng (Hà Giang) sau đó được nghiên cứu trồng ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ và đem vào trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng).
+ Ta thường trồng chủ yếu bằng hạt, gieo vào tháng 10-11 ở đồng bằng và tháng 2-3 ở miền núi. Có thể thu hoạch rễ Huyền sâm vào tháng 7-8 ở đồng bằng và tháng 10-11 ở miền núi; năng suất bình quân là 1,5-2,5 tấn/ha. Khi thu hoạch, đào lấy củ, rửa sạch, cắt rễ con, cắt đầu chồi chừa 3mm, tách riêng từng rễ. Phân chia riêng loại to nhỏ để phơi hoặc sấy ở 50-60 độ, đến gần khô (còn mềm) đem ủ 5-10 hôm đến khi trong ruột có màu đen hay nâu đen, rồi phơi hoặc sấy khô tới
độ ẩm dưới 14%. Cách ủ: dược liệu phơi gần khô đem tãi ra nong, nia thành một lớp dày chừng 15cm. Để chỗ mát, hàng ngày trở vài lần, có thể đậy lên trên một lớp rơm mỏng hay một cái nong hoặc nia khác. Không nên để dày quá hoặc đậy kín quá, dễ bị hấp hơi, hỏng, thối. Khi dùng, rửa sách, ủ mềm, thái lát, phơi khô. Bảo quản nơi khô ráo, thoáng. Người ta thường phân biệt loại tốt là loại củ mập màu đen, mềm, có dầu; loại kém rễ nhỏ, xơ, màu nhạt.
- Thành phần hóa học: Rễ chứa harpagid, chất này không bến vững, dễ bị chuyển hoá thành dẫn xuất màu đen. Còn có scrophularin, asparagin, phytosterol, tinh dầu, acid béo, chất đường.
- Tính vị, tác dụng: Huyền sâm có vị ngọt đắng, hơi mặn, tính mát; có tác dụng tư âm, giáng hoả, sinh tân dịch, chống khô khát, lương huyết, giải độc, nhuận táo, hoạt trường.