Quy hoạch nguồn cung ứng giống cây dược liệu vùng quy hoạch

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG CÂY DƯỢC LIỆU TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 (Trang 80)

III. NỘI DUNG CHÍNH CỦA QUY HOẠCH

3.3.1.Quy hoạch nguồn cung ứng giống cây dược liệu vùng quy hoạch

a. Xác định quy mô nguồn giống cây dược liệu phục vụ vùng quy hoạch

Với quy mô diện tích đề xuất quy hoạch và mức độ đầu tư, thâm canh tại các vùng nghiên cứu, dự án tính toán nhu cầu giống cây dược liệu phục vụ cho quy hoạch như sau:

- Đến năm 2020 nhu cầu giống cây dược liệu: cho nhóm cây dược liệu hàng năm là 127 triệu cây và 63 tấn hạt giống và cho nhóm cây lâu năm và trồng xen tán rừng là 17 triệu cây giống và 65 tấn củ giống (tương đương mỗi năm khoảng 4 triệu cây giống và 13 tấn củ giống).

- Đến năm 2030 nhu cầu giống cây dược liệu: cho nhóm cây dược liệu hàng năm là 230 triệu cây và 244 tấn hạt giống và cho nhóm cây lâu năm và trồng xen tán rừng là 92 triệu cây giống và 360 tấn củ giống (tương đương mỗi năm khoảng 8 triệu cây giống và 15 tấn củ giống).

(chi tiết số lượng giống cây dược liệu phục vụ nhu cầu quy hoạch tại phụ lục số 12 và số 13)

b. Phương án quy hoạch nguồn cung ứng giống cây dược liệu

Cây dược liệu có chủng loại đa dạng, đa số đều có thể tự để giống hoặc nhân nhanh trong tự nhiên. Tuy nhiên khi triển khai quy hoạch với quy mô và diện tích lớn, nhu cầu về giống cây dược liệu sẽ tăng lên và các phương thức nhân giống hiện tại của người dân sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất. Chính vì vậy việc kiểm soát được nguồn giống đầu vào trong sản xuất là yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm dược liệu, đây cũng là yêu cầu bắt buộc với vùng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Muốn vậy dự án đề xuất phương án quy hoạch nguồn cung ứng giống cây dược liệu như sau:

- Nguồn cung ứng giống qua hệ thống quản lý, giám sát của nhà nước: đây là những đơn vị, tổ chức kinh doanh giống có đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật trong việc cung ứng giống dược liệu có chất lượng tốt cho thị trường. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 30% lượng giống cây dược liệu được cung ứng qua hệ thống trên và đến năm 2030 sẽ là 60% lượng nhu cầu giống của vùng quy hoạch. Để đạt được mục tiêu trên, dự án đề xuất quy hoạch hệ thống vườn ươm cây con giống ngay tại các vùng quy hoạch tập trung để đáp ứng nhanh nhu cầu sản xuất. Cụ thể:

+ Giải đoạn 1 (đến năm 2020): sẽ xây dựng 5 cơ sở chuyên nuôi ươm và nhân giống cây dược liệu, mỗi huyện xây dựng 1 cơ sở.

+ Giải đoạn 2 (từ năm 2021 đến năm 2030): sẽ xây dựng thêm 5 cơ sở chuyên nuôi ươm và nhân giống cây dược liệu, nâng tổng số mỗi huyện 2 cơ sở.

- Nguồn cung ứng giống tự do, chủ yếu do người dân tự để giống: dự kiến đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 70% nhu cầu giống của vùng quy hoạch và đến năm 2030 sẽ giảm xuống còn khoảng 40% lượng giống sử dụng. Do cây dược liệu chủ yếu là cây thuần, cây bản địa nên việc để giống từ vụ sản xuất trước của người dân khá dễ dàng nên người sản xuất chỉ phải mua giống vụ đầu hoặc mua bổ sung do yếu tố thời tiết và nhu cầu sản xuất phát sinh, còn các vụ sau thường sử dụng giống tự để từ vụ sản xuất trước.

Một phần của tài liệu QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG CÂY DƯỢC LIỆU TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 (Trang 80)