III. SƠ BỘ ĐÁNH GIÁ, ĐIỀU KIỆN SINH THÁI VÙNG NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT CÂY DƯỢC LIỆU TẠI 5 HUYỆN (SAPA, BẮC HÀ,
b. Nhóm dược liệu có lợi thế tại vùng khí hậu mát và không dưới tán rừng
b.9. Cây Bạch truật
- Tên khoa học: Atractylodes macrocephala Koidz. - Họ cúc - Asteraceae
- Đặc điểm thực vật:
+ Bạch Truật là cây thảo, sống nhiều năm, cao 40-60cm. Rễ củ mập, có vỏ ngoài màu vàng xám. Thân hình trụ, mọc đứng phía trên phân nhánh, phần dưới hóa gỗ. Lá mọc so le, lá phía dưới có cuống dài, xẻ sâu thành 3 thùy (ít khi 5) như những lá chét riêng biệt, thùy giữa to hơn, hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc lệch, đầu nhọn, mép có răng cưa như gai; lá gần ngọn có cuống ngắn, không chia thùy, mép khía răng; gân lá nổi rất rõ ở mặt dưới.
+ Cụm hoa mọc thành đầu ở đầu cành; mỗi đầu gồm nhiều hoa hình ống, màu tím; tổng bao lá bắc hình chuông gồm những lá hẹp xẻ nhiều thùy rất sâu hình lông chim; nhị 5, hàn liền.
+ Quả bế hình cầu hoặc bầu dục, hơi dẹt có một chùm lông dài trắng. + Mùa hoa quả: tháng 8-11
- Bộ phận dùng:
+ Rễ củ thu hoạch vào tháng 6-7 (ở đồng bằng) và tháng 12 (ở miền núi). Thời vụ thu hái tốt nhất là khi lá ở gốc cây đã úa vàng, thân tàn lụi.
+ Rễ củ đào về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, sấy diêm sinh 12 giờ rồi phơi khô, phân loại củ to, củ nhỏ.
- Điều kiện sinh thái và phân bố:
+ Cây nhập từ Trung Quốc từ những năm 60, nay đã được trồng rộng rãi. Đặc biệt ở nước ta cây trồng được cả ở miền núi cao lạnh và đồng bằng thấp nóng. Nơi cao lạnh chủ yếu nhân và giữ giống, đồng bằng thu lấy củ.
+ Bạch truật ưa khí hậu lạnh mát quanh năm, thích hợp ở đọ cao 1000- 1500m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình năm 15-18oC, lượng mưa 1800-2000mm, độ ẩm không khí 70-80%. Cây cần đất pha cát, nhiều mùn, thoát nước, độ pH=6,5-7.Ở vùng núi cao mát có thể gieo trồng vào các tháng 1,2,3 tuý mùa xuân đến sớm hay đến muộn, có khi gieo vào các tháng 9,10. Ở trung du và
đồng bằng Bắc bộ, nên gieo sớm vào đầu mùa đông, chọn chân đất cao, thoát nước và dễ tưới tiêu trong mùa khô hạn. Ở đồi núi mới khai phá, nên cày vỡ đất trước một tháng. Do rễ Bạch truật ăn nông nên trồng không cần luống cao. Tuỳ chân đất cao hoặc thấp và mức độ thoát nước, luống cao 20-30cm, mặt luống rộng 40-50cm. Trồng ở vùng núi cao lạnh phải 2-3 năm sau mới có thể thu hoạch củ được. Trồng ở đồng bằng thời gian thu hoạch có thể rút xuống còn 8-10 tháng.
- Thành phần hoá học:
+ Trong rễ củ bạch truật có tinh dầu 1,4%. Thành phần tinh dầu chủ yếu gồm: atractylon, acetoxy atractylon, hydroxyatractylon, atractylat kali.
Các sesquiterpen: α – eudesmol, β – eudesmol. Các dẫn chất lacton như atractynolid I, II, III.
+ Từ phân đoạn ái dầu của bạch truật người ta tách được Juniper camphor (Chinese Drugs of Plant origin, 1992).
- Tính vị, tác dụng: chống loét dạ dày, tăng tiết mật, tăng cường chức năng giải độc của gan và chống viêm.