III. NỘI DUNG CHÍNH CỦA QUY HOẠCH
3.1.2. Quy hoạch chủng loại, diện tích và sản lượng cây dược liệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Ca
trên địa bàn tỉnh Lào Cai
a. Quy mô diện tích, chủng loại và phân bố vùng sinh thái cây dược liệu hàng hóa tỉnh Lào Cai
Nhằm khai thác các lợi thế về đất đai và điều kiện khí hậu của các vùng nghiên cứu quy hoạch, dự án đề xuất tập trung phát triển 23 chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế phát triển trên địa bàn. Cụ thể:
- Nhóm cây dược liệu trồng trên đất trồng cây hàng năm có 12 cây, tập trung chủ yếu là những chủng loại cây có nguồn gốc á nhiệt đới mà thích hợp với điều kiện khí hậu ưu đãi trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Cụ thể gồm các chủng loại cây như: Actisô, đương quy, xuyên khung, tục đoạn, đảng sâm, độc hoạt, vân mộc hương, bạch truật, bạch chỉ, dương cam cúc, huyền sâm, y dĩ. Trong đó tập trung phát triển cây actisô, đương quy, xuyên khung, tục đoạn, đảng sâm.
- Nhóm cây dược liệu thích hợp với đất rừng được khai thác phát triển dựa trên nguồn tài nguyên rừng với việc trồng xen cây dược liệu với cây lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Ngoài nhóm cây trồng xen còn có một số đối tượng cây dược liệu lâm nghiệp cần chú trọng phát triển như: Đỗ trọng, Hoàng Bá, Hồi, đây là nhóm cây trồng có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ ưa khí hậu mát mẻ, ôn hòa thích hợp cho các vùng nghiên cứu quy hoạch mà các vùng khác không có điều kiện phát triển.
Ngoài 23 chủng loại cây dược liệu dự kiến phát triển, thực tế còn nhiều chủng loại cây dược liệu bản địa xen lẫn trong đất rừng vẫn được người dân địa phương vùng nghiên cứu khai thác, chế biến và sử dụng như: chè đắng, thảo quả, quế, nhóm dược liệu thuốc tắm của người dao đỏ...Các chủng loại cây này chưa nằm trong kế hoạch quy hoạch mà chủ yếu phát triển dựa theo khoanh nuôi bảo vệ, trồng mới và khai thác tự nhiên của người dân địa phương.
Cụ thể về quy mô diện tích, chủng loại và phân bố vùng sinh thái các cây dược liệu hàng hóa được thể hiện tại phần phụ lục số 8a,8b,8c và 8d.
b. Xác định quy mô diện tích và sản lượng cây dược liệu hàng hóa tỉnh Lào Cai.
Việc xác định sản lượng cây dược liệu hàng hóa vùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ là điều kiện cần thiết để lập kế hoạch, quy hoạch hệ thống sơ chế, bảo quản và chế biến, tiêu thụ trong thời gian tới. Sản lượng cây dược liệu vùng quy hoạch phụ thuộc vào diện tích, năng suất dự kiến tại từng thời kỳ quy hoạch. Theo dự kiến, vùng quy hoạch nhờ được ứng dụng các giống mới sạch bệnh và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, đồng bộ nên năng suất bình quân chung toàn vùng dự kiến sẽ tăng lên theo từng giai đoạn quy hoạch.
- Giai đoạn 1 (đến năm 2020): sản lượng cây dược liệu hàng hóa đạt từ 13.718tấn đến 18.582 tấn sản phẩm. Trong đó nhóm cây dược liệu được trồng trên đất trồng cây hàng năm chiếm tỷ lệ lớn, trên 67% cơ cấu sản lượng dược liệu hàng hóa của tỉnh.
- Giai đoạn 2 (tầm nhìn đến năm 2030): sản lượng cây dược liệu hàng hóa đạt từ 56.160 tấn đến 76.594 tấn sản phẩm. Trong đó nhóm cây dược liệu được trồng trên đất trồng cây hàng năm sẽ chỉ chiếm khoảng 32% đến 38% cơ cấu sản lượng dược liệu hàng hóa của tỉnh.
Như vậy ta có thể thấy, trong chiến lược phát triển cây dược liệu của tỉnh Lào Cai, trong giai đoạn 1 của dự án sẽ tập trung nguồn lực mở rộng diện tích cây dược liệu hàng hóa trên đất trồng cây hàng năm để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu của tỉnh. Bước vào giai đoạn 2 (từ 2021 đến năm 2030) sẽ tập trung mở rộng diện tích cây dược liệu tại những khu vực đất
rừng có tiềm năng chuyển đổi để nâng cao giá trị kinh tế của đất rừng từ nguồn tài nguyên dược liệu.
(Chi tiết tại phụ lục 9)