Theo TS. Lê Đức Luận (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), giáo dục phổ thông là bậc học đào tạo nền tảng cơ bản, là tiền đề cho những bậc học cao hơn như đại học, đồng thời phần nào giáo dục và định hướng cho học sinh trong tương lai. Chất lượng giáo dục phổ thông phản ánh chất lượng giáo dục, thể hiện chiến lược về con người của một quốc gia. Vì vậy, chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục phổ thông nói riêng là vấn đề trăn trở của mỗi quốc gia. Nhưng nâng cao chất lượng giáo dục THPT không phải là vấn đề đơn giản, nó cần có quá trình và chiến lược phát triển đúng đắn.
Yếu tố cấu thành chương trình đào tạo THPT
- Đội ngũ giáo viên: Câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chất lượng người thầy quyết định chất lượng giáo dục. Hiện nay, các trường học, số lượng giáo viên không nhiều, ở nhiều nơi còn chưa tận dụng được hết đội ngũ giáo viên này.
- Học sinh: Học sinh là người trực tiếp được đào tạo vì vậy có rất nhiều khía cạnh liên quan đến học sinh như chất lượng đầu vào, các tiêu chí đánh giá học sinh, định hướng, mục tiêu của học sinh. Yếu tố đầu ra của học sinh rất quan trọng bởi vì từ đó có thể đánh giá được chất lượng của một chương trình đào tạo.
- Nội dung chương trình đào tạo: Đây là yếu tố cần được cân nhắc đầu tiên đối với bất kì chương trình đào tạo nào: nội dung học gì, thiết kế như thế nào, có phù hợp với học sinh không,… Nếu yếu tố này không được đầu tư học hỏi, tìm hiểu chuyên sâu thì sẽ dẫn đến việc ảnh hưởng tới rất nhiều yếu tố khác.
- Phương pháp giảng dạy: Phương pháp giảng dạy là vấn đề khủng hoảng hiện nay. Hiện nay, phần lớn trong các trường phổ thông vẫn là cách dạy truyền thống. Giáo viên chỉ đọc sách giáo khoa, soạn vào bài giảng của mình rồi lên đọc, chỉ cần đọc giáo trình của tác giả mà giáo viên đã tổng hợp hoặc chủ quan là học sinh đã học thêm ở ngoài rồi nên dạy lướt qua. Chính cách dạy này làm cho học sinh lại ỷ lại vào thầy cô, chỉ biết học trên lớp, không biết học gì ở nhà, học bài giảng của thầy cô là đủ, khi kiểm tra ai viết đúng ý thầy thì được điểm cao. Làm sao để học sinh tìm được con đường đến bài giảng như giáo viên đã làm khi chuẩn bị bài giảng của mình và có
những cái phát hiện khác thầy cô, đó là sự thành công của phương pháp dạy học phổ thông. Học phổ thông không phải học một khối lượng kiến thức lớn, đồ sộ trong sách giáo khoa, mà là học để hiểu, để thực hành và có phương pháp làm việc, phương pháp tư duy đúng.
- Cơ sở vật chất: Cơ sở vật chất không chỉ là cơ sở hạ tầng, trường lớp khang trang mà quan trọng là bộ phận cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập. Thư viện, phòng thí nghiệm và thiết bị giáo cụ trực quan là cơ sở vật chất chuyên môn trong nhà trường, quan trọng là chất lượng đầu tư sách, trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc dạy và học.
- Học phí và các chi phí khác: Đây là yếu tố khá nhạy cảm của mỗi chương trình vì đó là vấn đề đáng quan tâm nhất, cần cân nhắc kĩ nhất đối với mỗi phụ huynh học sinh. Không phải học phí thấp thì đồng nghĩa với chất lượng giáo dục đào tạo kém, hay học phí cao thì chất lượng tốt hơn.
- Học liệu: Yếu tố này như một công cụ hỗ trợ khá cần thiết cho nền giáo dục hiện tại. Các tài liệu học tập hình ảnh sống động sẽ giúp cho học sinh nhanh tiếp thu bài giảng hơn, phục vụ quá trình tự học tập sáng tạo, giúp học sinh phát triển nhanh và nhạy hơn. Từ đó chất lượng chương trình đào tạo mới có thể được nâng cao.
- Các hoạt động bổ trợ: Các hoạt động bổ trợ chính là các hoạt động ngoại khóa diễn ra ngoài giờ lên lớp: các hoạt động thể thao, văn nghệ, các hoạt động xã hội, tình nguyện,... Nhiệm vụ của nhà trường không chỉ là cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản, nền tảng nằm trong sách giáo khoa mà còn giúp đỡ học sinh rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách cũng như các kĩ năng cần thiết cho cuộc sống sau này.