8. Những đóng góp mới của đề tài
2.2.3. Thực trạng về bảo quản thiết bị dạy học
Trong 12 trường THPT ở tỉnh Sơn La có cơ sở vật chất sư phạm tương đối khang trang và có đầy đủ TBDH, các trường đã có phòng học bộ môn, thư viện, trung tâm thể dục thể thao.
Phòng thí nghiệm có tủ, kệ để đựng, bày nhưng việc sắp xếp chưa khoa học. Vì vậy khi muốn lấy một TBDH nào đó còn mất thời gian. Thêm vào đó là các TBDH do không được bảo quản đúng cách, khí hậu Việt Nam nóng ẩm,
mưa nhiều nên rất dễ bị ẩm mốc, hỏng hóc, có khi còn bị mối mọt, một số thiết bị bằng gỗ bị cong vênh không còn giá trị sử dụng. Giáo viên phụ trách thiết bị, thư viện có nghiệp vụ về công tác TBDH, lại là giáo viên kiêm nhiệm hoặc hợp đồng nên rất ít có thời gian dành cho công việc bố trí, sắp xếp và bảo quản các TBDH. Tuy nhiên, cuối mỗi năm học các trường đều có tổ chức kiểm kê nhưng chỉ làm một cách hình thức bằng cách đếm, rà soát lại xem có thiết bị nào thiếu, hỏng mà chưa có kế hoạch bổ sung, sửa chữa cho đúng thời điểm. Máy vi tính và các thiết bị điện tử hiện đại có chế độ bảo quản riêng, có chế độ bảo dưỡng định kỳ nên ít hỏng hóc, phải sửa chữa.
Nhà trường đã có sổ sách theo dõi mượn, trả TBDH của giáo viên. Nhưng cán bộ phụ trách thiết bị thư viện chưa quan tâm chú ý, có giáo viên mượn TBDH mà không ghi vào sổ, có giáo viên mượn không trả lại gây thất thoát, lãng phí. Có thể nói việc bảo quản TBDH ở 12 trường THPT đã được chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao. Tình trạng hư hỏng, lãng phí vẫn còn xảy ra, do vậy đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên nhà trường cần quan tâm chú ý hơn nữa.