Thập niên 2011-2020 tới là giai đoạn then chốt của Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, trong đó các quá trình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và hội nhập quốc tế phải đồng thời tăng tốc và đi vào chiều sâu, đời sống của toàn xã hội. Trong thập niên này đang diễn ra quá trình tái cấu trúc và thay đổi mô thức tăng trưởng kinh tế toàn cầu để đối phó với nguy cơ biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính, năng lượng và lương thực. Việt Nam sẽ hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, chính vì thế các biến động quốc tế sẽ tác động ngày càng mạnh đến phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của Việt Nam. Và vấn đề quyền con người với môi trường cũng đứng trước những thách thức mới cần được nhận diện kịp thời, chính xác.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu kéo theo những hệ lụy đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh sinh thái và ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của nhân loại. Việt Nam là một trong những quốc gia được dự báo là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu do có đường bờ biển dài và các vùng châu thổ đất thấp, tập trung phần lớn dân cư và các hoạt động kinh tế. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, do đó tác động của biến đổi khí hậu có thể sẽ nặng nề hơn. Từ góc độ quyền con người, biến đổi khí hậu có khả năng gây ra tác động tiêu cực. Cụ thể, đất nông nghiệp sẽ bị mất đi hoặc bị bỏ hoang vì nhiễm mặn, nếu Việt Nam không tích cực theo đuổi các chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác động như việc xây đê bao chống mặn, nâng cấp hạ tầng cơ
sở, xây dựng đập giữ nước tại các lưu vực sông để làm nguồn cung cho mùa khô hạn, trồng rừng chống xói mòn và lưu giữ các bon. Sinh kế người dân sẽ trở nên kém bền vững nếu không có kế hoạch cụ thể cho việc chuyển đổi nghề cho người dân ven biển, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn và ngập mặn... Nói cách khác, các điều kiện môi trường xấu đi có thể tác động tiêu cực tới tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam, làm tổn hại đến những tiến bộ đã đạt được trong những thập niên vừa qua. Các hộ gia đình cận nghèo sẽ có nhiều nguy cơ tái nghèo. Việc thời tiết nóng lên và nước biển dâng có thể làm bùng nổ các dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân.
“Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật” [27, Điều 3]. Nói đến môi trường đó là một thể thống nhất, sự kết hợp của các yếu tố đang tác động và tồn tại xung quanh con người và toàn bộ sinh vật khác. “Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác” [27, Điều 3]. Môi trường là một khái niệm rất rộng, xét theo quan điểm rộng lớn nhất để đảm bảo được quyền con người đối với môi trường thì mỗi một thành phần của môi trường phải luôn được duy trì trong trạng thái ổn định, tích cực và hài hòa với các yếu tố khác. Tuy nhiên, trong phạm vi luận văn này chỉ đề cập môi trường sống với các yếu tố cấu thành điển hình nhất đó là đất, nước và không khí.
Việc phân tích thực trạng môi trường sống, mức độ ô nhiễm, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố thành phần đang hàng ngày tác động lên đời sống con người là cách để đánh giá được mức độ an toàn, mức độ được bảo vệ, bảo đảm các quyền con người về môi trường hiện nay.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam trong những năm gần đây đang ngày càng có xu hướng xấu đi trầm trọng. Mặc dù đã có được sự quan
tâm từ các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong vấn đề quản lý, cải tạo nhưng tình hình môi trường chưa được cải thiện rõ nét. Mức độ ô nhiễm đất, nước, không khí tại các địa bàn khác nhau đều vượt mức cho phép, có nơi hơn rất nhiều lần, chứng tỏ lượng chất thải không qua xử lý hoặc xử lý không đúng quy định từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt không có chiều hướng giảm. Vấn đề ô nhiễm môi trường còn gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của quốc gia.
Theo Ngân hàng Thế giới, hàng năm Việt Nam sẽ phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP (như vậy, Việt Nam sẽ mất 3,9 tỷ USD trong 71 tỷ USD của GDP năm 2007, và khoảng 4,2 tỷ USD trong 76 tỷ USD của GDP năm 2008. Ngoài ra mỗi năm Việt Nam còn thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm môi trường [21, tr.82-83].