Hệ thống các cơ quan lập pháp, tư pháp

Một phần của tài liệu Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở việt nam (Trang 81)

2.3.1.1. Quốc hội

Là cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra, Quốc hội trở thành cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, do đó, Quốc hội là thiết chế phù hợp nhất để biến ý chí của nhân dân thành pháp luật của Nhà nước và chính đặc trưng này đã quyết định đến vị trí, chức năng của Quốc hội và trở thành thiết chế có ưu thế hơn cả các thiết chế khác trong bộ máy nhà nước để bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người.

cụ thể bằng việc Quốc hội thực hiện các chức năng của mình, đó là quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; đồng thời tiếp công dân, tiếp xúc cử tri của đại biểu; xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước.

Quốc hội thực hiện bảo đảm quyền con người trong hoạt động lập hiến, lập pháp; bảo đảm quyền con người trong hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm quyền con người thông qua hoạt động giám sát tối cao; bảo đảm quyền con người qua hoạt động của đại biểu Quốc hội. Quốc hội thực hiện bảo đảm quyền con người về môi trường trực tiếp thông qua các Ủy ban (chủ yếu là Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường và Ủy ban kinh tế). Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường sinh thái; giám sát việc thực hiện pháp luật; giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về chính sách đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường sinh thái. Ủy ban kinh tế có nhiệm vụ và quyền hạn thẩm tra dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh; chủ trì thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; giám sát việc thực hiện pháp luật; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh.

Thông qua việc thẩm tra và phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến môi trường, Quốc hội (qua hoạt động của các Ủy ban) đã thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền lợi của người dân, đại diện cho nhân dân thực hiện quyền được tham gia vào xây dựng pháp luật. Theo Báo cáo số 1184/BC-UBKHCNMT12 ngày 08 tháng 3 năm 2011

Tổng kết hoạt động của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011), từ năm 2207-2011, Ủy ban đã giúp Quốc hội thẩm tra 12 dự án Luật (11/12 dự án Luật đã được thông qua). Từ năm 2012- 2014, một số dự án Luật quan trọng liên quan đến quyền con người về môi trường về môi trường đã được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai (29/11/2013), Luật Bảo vệ môi trường (23/6/2014).

2.3.1.2. Chủ tịch nước

Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam "là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại" [26, Điều 86]. "Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội" [26, Điều 87]. Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản của chủ tịch nước nếu thấy các văn bản trái với các quy định về quyền con người được quy định trong Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội.

2.3.1.3. Tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân [26, Điều 102].

Tòa án thực hiện bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động xét xử. Bằng cách áp dụng các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi bị xâm phạm. Qua quá trình xét xử Tòa án sẽ kiến nghị với Quốc hội nhằm sửa đổi, bổ sung kịp thời các nội dung còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

Hiện nay, trừ lĩnh vực đất đai có quy định trực tiếp các trường hợp, trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 203,

Luật Đất đai 2013) thì pháp luật nội dung về môi trường nói chung không quy định cụ thể nội dung này. Theo đó, việc bảo vệ quyền con người về môi trường, quyền tham gia tư pháp cũng được thực hiện theo các trình tự thủ tục chung về tố tụng.

2.3.1.4. Viện kiểm sát nhân dân

Là cơ quan giữ quyền công tố, Viện kiểm sát nhân dân có quyền truy tố hành vi vi phạm pháp luật của một người ra trước cơ quan xét xử nếu thấy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc không truy tố nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đối với các vụ việc liên quan đến quyền con người về môi trường, pháp luật không quy định trình tự đặc thù đối của Viện kiểm sát nhân dân, theo đó, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện bảo vệ quyền con người (trong đó có nội dung bảo vệ quyền con người về môi trường) theo các quy định chung, thông qua hoạt động công tố và kiểm sát.

Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất [26, Điều 107].

Một phần của tài liệu Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở việt nam (Trang 81)