Nếu như Tuyên bố Stockholm 1972 khẳng định bảo vệ môi trường như điều kiện cần thiết đảm bảo quyền con người, thì Tuyên bố Rio 1992 coi việc tôn trọng và đảm bảo quyền con người là quan trọng trong việc hoạch định và thực thi chính sách bảo vệ môi trường. Tiếp theo đó, trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và nhiều công trình nghiên cứu của nhiều tác giả đã công nhận và đồng ý với sự tồn tại của quyền sống trong môi trường an toàn và lành mạnh như là một nội dung quyền con người độc lập. Tuy nhiên hoạt động xây dựng quyền con người với môi trường gặp một số vấn đề như: khó khăn trong việc định nghĩa, tính không hiệu quả của việc xây dựng và phát triển tiêu chuẩn môi trường để đáp ứng với các khiếu nại cá nhân và về nhìn nhận chuẩn mực môi trường thông qua quyền con người.
Do tính chất và tầm quan trọng của việc thực hiện quyền con người với môi trường, một bản Dự thảo Tuyên ngôn về nguyên tắc và nội dung các quyền con người và môi trường đã chính thức được một nhóm các chuyên gia
về quyền con người và luật môi trường quốc tế trình lên các cơ quan của Liên Hợp Quốc để lấy ý kiến. Để chuẩn bị cho Dự thảo Tuyên ngôn về quyền con người và môi trường (Draft Declaration of Principles on Human rights and the Environment) 1994, các chuyên gia đã đưa hai lĩnh vực của luật: luật về quyền con người và luật môi trường lại gần nhau để thảo luận.
Bản Dự thảo Tuyên ngôn quyền con người và môi trường 1994 là văn kiện quan trọng thiết lập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người với môi trường và phản ánh sự phát triển hướng tới sự công nhận và bảo đảm pháp luật quốc tế đối với các quyền về môi trường. Lời nói đầu của Dự thảo nhấn mạnh về quyền tự quyết và quyền phát triển, sự gắn kết giữa môi trường và quyền con người: “hành vi vi phạm quyền con người dẫn tới sự xuống cấp của môi trường và sự xuống cấp của môi trường dẫn tới vi phạm quyền con người” [35].
Thông qua nội dung của Dự thảo Tuyên ngôn quyền con người và môi trường 1994 cùng các văn bản pháp luật quốc tế và quan điểm của các nhà nghiên cứu, có thể khái quát bốn nguyên tắc để bảo đảm quyền con người với môi trường bao gồm:
- Nguyên tắc khẳng định về sự phụ thuộc lẫn nhau và không chia cắt của quyền con người, môi trường sinh thái, phát triển bền vững và hòa bình;
- Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của mọi người đối với môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe và môi trường sinh thái;
- Nguyên tắc không phân biệt đối xử liên quan tới các hành động và quyết định có tác động tới môi trường;
- Nguyên tắc về tính công bằng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện nay và tương lai.