Quyền con người về môi trường đất

Một phần của tài liệu Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở việt nam (Trang 31)

Tiếp cận đất đai là quyền thuộc nhóm quyền nội dung, được ghi nhận trong Dự thảo Tuyên ngôn về quyền con người và môi trường 1994. Trước đó đã có nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa tình trạng đói nghèo và người lao động không có đất sản xuất.

Đất đai là một nguồn lực tự nhiên quan trọng bậc nhất đối với sinh kế bền vững ở nông thôn. Có một mối quan hệ mật thiết và trực tiếp giữa tiếp cận đất đai và sinh kế. Nhưng thực tế cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng trong tiếp cận đất đai. Nguyên nhân xuất phát từ hoạt động quản lý, sử dụng đất không hiệu quả, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trước Dự thảo Tuyên ngôn về quyền con người và môi trường 1994, Luật pháp quốc tế về quyền con người không quy định một cách rõ ràng quyền tiếp cận đất đai là quyền con người. Tuy nhiên, như Danilo Turk đã chỉ ra:

Người ta ngày càng nhận ra rằng, quyền sử dụng đất và cải cách ruộng đất là trung tâm của việc thực hiện quyền con người.

Thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho thấy mối quan hệ trực tiếp với đất đai, chẳng hạn như quyền được đảm bảo lương thực, nhà ở, quyền có cuộc sống đầy đủ, các quyền văn hóa, quyền dân tộc bản địa và những quyền khác [21, tr.103].

Có thể liệt kê nội dung của một số Công ước quốc tế về quyền con người có liên quan đến tiếp cận đất đai như:

- Điều 17 Tuyên ngôn Toàn thế giới về quyền con người 1948 với hàm ý khẳng định mọi người đều có quyền sở hữu bất động sản như là quyền sở hữu tài sản của riêng mình hoặc tài sản sở hữu chung với những người khác.

- Điều 1 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) công nhận quyền của mọi dân tộc được tự định đoạt thể chế chính trị, đường lối phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, gồm cả quyền tự do định đoạt các nguồn tài nguyên của mình.

- Điều 11 của ICECSR công nhận quyền con người được thụ hưởng mức sống phù hợp, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, ở và được không ngừng cải thiện điều kiện sống.

- Điều 14 Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ 1979 (CEDAW) yêu cầu các nước tham gia phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ nông thôn, đặc biệt được đối xử bình đẳng trong các chính sách ruộng đất cũng như các dự án quy hoạch đất đai. Điều 15 của Công ước này cũng quy định quyền bình đẳng của phụ nữ trong việc giao kết các hợp đồng và quản lý tài sản.

- Điều 13-19 của Công ước số 169 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về các dân tộc bản địa và bộ tộc 1989 cũng thể hiện sự bảo vệ một cách toàn diện các quyền của người địa phương đến các vùng đất và vùng lãnh thổ của họ. Công ước công nhận quyền của người dân trên các vùng đất, vùng lãnh thổ và tài

nguyên họ truyền thống sở hữu hoặc chiếm và sử dụng, Công ước cung cấp một loạt các biện pháp bảo vệ, đặc biệt là chống lại trục xuất bắt buộc và tùy ý tịch thu, trưng thu, trưng dụng đất đai. Trong khi mới chỉ có một số ít nước phê chuẩn công ước này thì những quy định tương tự đã được đưa vào Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về quyền của người bản địa năm 2007 (UNDRIP).

Ở Việt Nam, đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân. Từ đầu những năm 80, Việt Nam bắt đầu làm rõ các vấn đề sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong hệ thống chính sách và pháp luật về đất đai. Điểm nổi bật của cấu trúc đất đai mới là việc phân định ba loại quyền đất đai cơ bản do các thực thể khác nhau nắm giữ: quyền sở hữu thuộc về toàn dân, quyền quản lý của nhà nước và quyền sử dụng được giao cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức và cộng đồng.

Luật Đất đai 1988 và 1993 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chia lại đất hợp tác xã cho các hộ nông dân để sử dụng lâu dài cũng như công nhận một số quyền sử dụng đất bao gồm quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, cầm cố và quyền được bồi thường trong trường hợp nhà nước thu hồi đất, quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Luật Đất đai 2003 quy định các quyền đi kèm với quyền sử dụng đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý đất đai; quyền và nghĩa, vụ người sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất bình đẳng giữa vợ và chồng.

Luật Đất đai 2003 ghi nhận nguyên tắc giá đất thị trường vào một số điều và khuyến khích phát triển thị trường đất đai, thiết lập cơ chế quản lý đất đai thống nhất và phi tập trung hóa, tăng cường hệ thống giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, xác lập nguyên tắc bồi thường đất đai dựa trên giá thị trường, trong đó hạn chế áp dụng biện pháp thu hồi bắt buộc, thiết lập và vận hành hình thức chuyển dịch đất đai tự nguyện.

Luật Đất đai 1988, 1993, 2003 đã bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành và thúc đẩy quyền con người về đất đai ở Việt Nam. Luật Đất đai

2013 tiếp tục kế thừa hệ thống pháp luật đất đai quy định các nội dung liên quan đến quyền được công nhận, sử dụng, chuyển nhượng… đất đai của người sử dụng đất. Về cơ bản, hệ thống luật đất đai mới đã ghi nhận sự bình đẳng của tất cả đối tượng là người sử dụng đất, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng; mở rộng quyền tiếp cận thông tin về đất đai; quy định nguyên tắc định giá đất theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất; bổ sung quy định về cơ quan xây dựng, cơ quan thẩm định giá đất, vị trí của tư vấn giá đất trong việc xác định giá đất, thẩm định giá đất và việc thuê tư vấn để xác định giá đất cụ thể. Luật quy định cụ thể, rõ ràng từ nguyên tắc đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch như: việc lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử theo quy định. Luật cũng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm, thống nhất cho các loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp); cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ với diện tích lớn hơn (không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp). Không những thế, Luật Đất đai năm 2013 cũng lần đầu tiên thể hiện sự quan tâm rõ nét sự quan tâm đến việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tại mục 8 Lời mở đầu Luật Đất đai năm 2013 ghi nhận:

Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định việc cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng; bổ sung quy định chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số [25].

Một phần của tài liệu Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở việt nam (Trang 31)